ĐBSCL: Ưu tiên nguồn cát đắp cho các dự án cao tốc
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho các dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau với khối lượng của năm 2023.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đến các Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giao thông Vận tải; các địa phương liên quan về việc điều phối vật liệu cát san lấp các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, Phó thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho các dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau) với khối lượng của năm 2023.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương liên quan xác định cụ thể vị trí các khu vực mỏ, sớm triển khai các công việc cần thiết để cung cấp vật liệu cho các dự án.
Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh để thực hiện các thủ tục khai thác mỏ theo quy định.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu về các thủ tục khai thác mỏ, việc nâng công suất khai thác mỏ theo quy định.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng nhu cầu cát đắp phục vụ thi công hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau khoảng hơn 18 triệu m3.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư dự án đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, An Giang để thống nhất việc cung cấp vật liệu cát đắp cho các dự án.
Với tình hình đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long phân bổ nguồn cát cho dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang để đáp ứng kế hoạch triển khai trong năm 2023.
Cụ thể, tỉnh An Giang và Đồng Tháp, mỗi tỉnh phải cung cấp khoảng 3,3 triệu m3, riêng tỉnh Vĩnh Long cung cấp khoảng 2,5 triệu m3 để bảo đảm tiến độ thi công.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được xem là tuyến quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi kết nối nhiều tỉnh thành.
Dự án có điểm đầu tại nút giao IC2 (nút giao nối vào quốc lộ 91 - Nam Sông Hậu, TP.Cần Thơ) và điểm cuối nối tuyến tránh TP.Cà Mau.
Công trình khởi công ngày 1.1, dự kiến đưa vào sử dụng đầu năm 2026.
Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỉ đồng, rộng 17 m, 4 làn, chia làm hai dự án thành phần: Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7 km, vốn đầu tư trên 9.700 tỉ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8 km, vốn gần 17.500 tỉ đồng.
Phần lớn dự án đi qua ruộng lúa, kênh rạch, sông ngòi - những nơi có địa chất yếu cần nhiều cát đắp nền.
Yến Thanh