Thứ năm, 25/04/2024 10:43 (GMT+7)
Thứ bảy, 27/05/2023 15:34 (GMT+7)

ĐBSCL: Tích trữ nước ngọt ứng phó xâm nhập mặn

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp, phục vụ nông nghiệp và dân sinh, đồng thời cần hạn chế tưới nước nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất trước tình hình xâm nhập mặn.

Đồng bằng sông Cửu Long là phần hạ lưu giáp biển của sông Mê Công, có địa hình thấp và khá bằng phẳng với 2 vùng trũng lớn là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.

Bên cạnh đó, cùng với dòng chính là sông Tiền và sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống kênh rạch chằng chịt với mật độ trung bình 4km trong 1km2, tạo điều kiện thuận lợi cho xâm nhập mặn do thủy triều đưa nước mặn vào sâu trong sông và nội đồng, đặc biệt trong mùa cạn, khi mà lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công giảm thấp.

ĐBSCL: Tích trữ nước ngọt ứng phó xâm nhập mặn - Ảnh 1
Các địa phương tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tranh thủ tích trữ nước ngọt trước tình hình xâm nhập mặn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 21 đến 31/5, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần, độ mặn phổ biến tại các trạm ở mức cao hơn so với độ mặn cao nhất tháng 5/2022.

Trong thời gian trên, chiều sâu ranh mặn 4‰ có khả năng xâm nhập trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 35-47km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 25-30km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên là 30-36km; sông Hậu là 30-35km; sông Cái Lớn là 45-50km.

Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2022-2023 ở mức tương đương mùa khô năm 2021-2022. Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Chính vì vậy, các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là cấp 1-2.

Đồng thời, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp, phục vụ nông nghiệp và dân sinh, đồng thời cần hạn chế tưới nước nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất. Đối với diện tích trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới nước, người dân cần kiểm tra nồng độ mặn.

Ngoài ra, các địa phương cần thường xuyên phổ biến thông tin về tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, tổ chức liên quan chủ động đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn...

Thanh Thanh

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL: Tích trữ nước ngọt ứng phó xâm nhập mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.