Thứ bảy, 20/04/2024 14:20 (GMT+7)
Thứ năm, 06/01/2022 10:59 (GMT+7)

Chính sách tài khóa sẽ tham gia tích cực hơn vào quá trình phục hồi kinh tế

Theo dõi KTMT trên

Thời gian tới, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ có tác động lớn tới nền kinh tế. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế, tham mưu các giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Trao đổi với báo chí nhân dịp đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách Nhà nước (NSNN) là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh dịch COVID-19 thời gian qua, đối với thu NSNN, bên cạnh yếu tố làm giảm thu là do hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng tiêu cực thì cũng còn yếu tố thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN, người dân.

Chính sách tài khóa sẽ tham gia tích cực hơn vào quá trình phục hồi kinh tế - Ảnh 1
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính vẫn luôn xác định đồng hành, hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn để có thể khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặt trong bối cảnh nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng lớn, trong khi đó NSNN vẫn phải bảo đảm nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... tạo ra thách thức với cân đối NSNN. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn luôn xác định đồng hành, hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn để có thể khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó sẽ đóng góp trở lại cho ngân sách và góp phần vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh.

Thời gian tới, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ có tác động lớn tới sự phục hồi và phát triển kinh tế của DN, người dân và nền kinh tế. Bên cạnh đó, để phục hồi và phát triển kinh tế cũng còn phụ thuộc rất lớn vào công tác kiểm soát dịch bệnh cũng như các chính sách ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế; tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với số tiền 291.000 tỷ đồng, trong đó 240.000 tỷ từ chính sách tài khóa.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực của ngành tài chính nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và DN để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo các chuyên gia dự báo, trong năm 2022, dịch COVID-19 có thể tiếp tục kéo dài, nguy cơ xuất hiện biến thể mới, phức tạp và nguy hiểm hơn; vaccine và thuốc điều trị có thể tiếp tục khan hiếm.

Để bảo đảm sẵn sàng nguồn lực chống dịch, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội bố trí 10.000 tỷ đồng chi thường xuyên thuộc lĩnh vực y tế từ nguồn ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2022 cho công tác phòng chống dịch COVID-19; bố trí 20,5 nghìn tỷ đồng dự phòng NSTW (khoảng 2,5% tổng chi NSTW), tăng 3.000 tỷ đồng (17,14%) so với dự toán năm 2021 và 1,7 nghìn tỷ đồng chi dự trữ quốc gia, tăng 500 tỷ đồng so với dự toán năm 2021 để chủ động nguồn lực phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ trọng yếu khác.

Ngoài ra, trong năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung 14,62 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm, cắt giảm chi của NSTW năm 2021 cho dự phòng NSTW để chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

“Trong quá trình điều hành ngân sách, tùy theo tình hình diễn biến dịch bệnh phát sinh, Bộ Tài chính sẽ sử dụng các nguồn lực NSTW nêu trên, kết hợp với các nguồn dự phòng, dự trữ tài chính, các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương để bảo đảm các nhu cầu phát sinh. Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ trình cấp thẩm quyền rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chậm phân bổ, chậm thực hiện trong năm, lùi, giãn, hoãn các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết... của các cấp ngân sách để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội”, lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, dự kiến diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới còn rất phức tạp, với sự xuất hiện của những biến thể mới lây lan nhanh hơn, khó lường hơn đòi hỏi phải có chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả để có thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế.

Để vượt qua khó khăn, thách thức nêu trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu lên một số ưu tiên cần tập trung triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.

Thứ nhất, bám sát diễn biến và tác động của dịch COVID-19, tình hình kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế, kịp thời đề xuất các giải pháp điều hành thu, chi ngân sách phù hợp; tổ chức thực hiện thành công các giải pháp tài khóa và phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả với chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo phê duyệt của cấp thẩm quyền. Đây là ưu tiên trước mắt của nền kinh tế cũng như của ngành tài chính.

Thứ hai, tập trung thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử, áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2022; tăng cường thực hiện tài chính số… tạo môi trường thuận lợi, giảm chi phí, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Đồng thời, tăng cường quản lý thu, nhất là thu hoạt động thương mại điện tử, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công…

Thứ ba, quản lý chi NSNN hiệu quả, chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ, chính sách cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch; các chính sách an sinh xã hội; các đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội...

Thứ tư, tiếp tục rà soát để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính - ngân sách… bảo đảm thống nhất, minh bạch; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật NSNN để đổi mới cơ chế phân cấp NSNN, tăng cường vai trò chủ đạo của NSTW, tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương và các cơ quan, đơn vị; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế và các quy định liên quan để mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn nguồn thu, bao quát khu vực kinh tế phi chính thức…

Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, nợ công, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn vay; chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của pháp luật; bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công; an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Thứ sáu, quản lý các thị trường tài chính, chứng khoán phát triển ổn định, an toàn phát huy hiệu quả vai trò huy động vốn cho NSNN và cho nền kinh tế; tiếp tục mở cửa theo lộ trình cam kết...

Cuối cùng, người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định sẽ nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý tài chính; tổ chức sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở các hệ thống cơ quan quản lý tài chính công trọng yếu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; phòng chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tổng thu NSNN đến ngày 31/12/2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% so với dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Chi NSNN hoàn thành mục tiêu đề ra, bảo đảm đủ nguồn cho đầu tư phát triển và đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước. Trong đó, đã chi 74.000 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch COVID-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ. Dù còn khó khăn nhưng cả năm, bội chi NSNN thực hiện đạt dưới 4% GDP.

Anh Minh (Theo Báo Chính phủ)

Bạn đang đọc bài viết Chính sách tài khóa sẽ tham gia tích cực hơn vào quá trình phục hồi kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới