Thứ sáu, 22/11/2024 20:42 (GMT+7)
Thứ tư, 05/01/2022 18:00 (GMT+7)

Phục hồi kinh tế trong 'điều kiện bình thường mới' không phải dễ

Theo dõi KTMT trên

Theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình khôi phục các hoạt động kinh tế sau giãn cách xã hội kéo dài có thể phải kiểm soát lạm phát và 'lạc quan' tăng trưởng năm 2022 không dễ dàng.

Áp lực lạm phát rất lớn

Theo ông Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính nguyên nhân khiến lạm phát năm 2022 sẽ được kiểm soát tốt là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đặc biệt là biến chủng mới; Chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục vững chắc và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó tăng. Bên cạnh đó, sức mua trên thị trường vẫn còn yếu do thu nhập của người lao động bị giảm vì sự đình trệ sản xuất bởi dịch bệnh.

Ông Nguyễn Bá Minh cho rằng, với một số mặt hàng thiết yếu, dự báo, giá xăng dầu cũng sẽ ổn định từ 65 - 80 USD/thùng. Bởi, nếu giá dầu tăng mạnh thì Mỹ sẽ tăng nguồn cung dầu đá phiến và chiếm thị phần dầu của các nước OPEC và OPEC+, lúc đó OPEC và OPEC+ sẽ tăng nguồn cung và giá dầu sẽ giảm.

Phục hồi kinh tế trong 'điều kiện bình thường mới' không phải dễ - Ảnh 1
Giá thực phẩm thiết yếu ổn định năm 2022. (Ảnh minh họa)

Đối với giá thịt lợn dự báo năm 2022, nguồn cung lợn hơi khá dồi dào, giá lợn hơi đã giảm mạnh so với tháng 12/2020 và cũng sẽ ổn định ở mức từ 45-60 nghìn đồng/kg từ nay đến cuối năm 2022.

TS Nguyễn Đức Độ cũng đồng tình với quan điểm, CPI năm 2022 tiếp tục duy trì ở mức thấp. Bởi theo TS Nguyễn Đức Độ, mặc dù kinh tế đang phục hồi, nhưng sản lượng của năm 2022 sẽ vẫn ở mức dưới tiềm năng. Nếu GDP trong năm 2022 chỉ tăng trưởng 6,5% như mục tiêu đặt ra, hay thậm chí tăng từ 8-9% như một số dự báo, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của giai đoạn 2020-2022 chỉ ở mức từ 4-5%, thấp hơn khá nhiều so với mức 6% của giai đoạn 2011-2020.

Bên cạnh đó, đà tăng của giá xăng dầu cũng như giá của các nguyên vật liệu sẽ chững lại trong năm 2022, khi dịch bệnh được khống chế và các chuỗi cung ứng hàng hóa được bình thường hóa.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ tốc độ tăng của chỉ số CPI cho đến nay vẫn chưa phá vỡ xu hướng đi ngang kể từ năm 2016. Nếu giả định CPI trong năm 2022 sẽ tăng trung bình 0,24%/tháng, tương đương mức tăng trung bình của giai đoạn 2016-2021, thì lạm phát trung bình trong năm 2022 sẽ vào khoảng 1,8%.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, việc kiểm soát lạm phát năm 2022 vẫn gặp nhiều khó khăn và không dễ dàng. CPI có thể tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm do kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng. Khi kinh tế phục hồi trong năm 2022 dưới tác động của các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới cho nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu đầu vào rất lớn. Hơn nữa, Ngân hàng Trung ương nhiều nước đã có các động thái giảm mua trái phiếu Chính phủ và xem xét nâng lãi suất cơ bản trong năm 2022. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn và làm cho tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng thừa nhận, trong năm 2022, bên cạnh tác động từ diễn biến trên thị trường thế giới, áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng. Biến động của giá nhiên liệu (xăng dầu, LPG) trên thị trường thế giới ở mức cao. Dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp trên toàn cầu ảnh hưởng đến chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu tác động tới giá cả hàng hóa xuất nhập khẩu. Tình hình rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng trong năm...

"Như vậy, ngay từ đầu năm áp lực lạm phát được đánh giá là rất lớn, nhất là khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 diễn ra sớm nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 và tháng 2 có thể ở mức cao theo quy luật khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao thời điểm cận Tết", đại diện Cục Quản lý giá cho biết.

Kinh tế buộc phải thích ứng với dịch bệnh

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài đã khiến số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giảm gần 11%, trong khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lại tăng gần 18% và chủ yếu là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ.

Thực hiện phương châm “tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết” nên các đợt giãn cách xã hội kéo dài đã gây đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa và lao động. Thiếu việc làm dẫn đến cắt giảm chi tiêu và tổng cầu của nền kinh tế giảm sâu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 11 tháng giảm 10,4%, ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm, mới đạt 73,8% kế hoạch năm, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đầu tư công có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Tuy vậy, ngoài nguyên nhân như giá sắt thép, vật liệu xây lắp... tăng cao, còn đó một số quy định không phù hợp và thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cá nhân và tổ chức liên quan.

Phục hồi kinh tế trong 'điều kiện bình thường mới' không phải dễ - Ảnh 2
Giá nguyên vật liệu, hàng hóa và dịch vụ thế giới tăng cao. (Ảnh minh họa)

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng với 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 79 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ tăng 11,1% so với mức tăng 20% của khu vực FDI. Kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI còn yếu và lỏng lẻo.

Nông nghiệp và thủy sản luôn là bệ đỡ trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế cũng gặp không ít thch thức trong năm 2021. Giá vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tăng cao; Dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn và gia cầm diễn biến phức tạp; Nhu cầu thị trường chưa phục hồi, giá sản phẩm đầu ra của nông nghiệp và thủy sản ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa. Điều này sẽ khiến cho giá cả hàng hóa tăng cao, tạo áp lực lên lạm phát nền kinh tế. Do tổng cầu của nền kinh tế giảm sâu nên chỉ số giá tiêu dùng năm nay ở mức thấp so với mục tiêu 4%. Tuy vậy, áp lực lạm phát của năm 2022 đối với kinh tế nước ta cũng đang hiện hữu.

Giá nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ thế giới tăng cao; Giá dầu thô còn tiếp tục tăng trong những năm tới do nhu cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua. Thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu khi nhu cầu ngày một tăng là một chỉ báo về giá dầu cao kéo dài trong ít nhất 1 năm tới.

Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước. 

Mức độ tác động của dịch bệnh đã vượt qua những dự báo và gây ảnh hưởng tới tất cả các trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam. Nhiều mô hình đã được thử nghiệm, điều chỉnh nhưng chỉ khi Nghị quyết 128 được ban hành mới giúp khơi thông tư duy về chống dịch, giải tỏa các các chốt chặn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh trở lại.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phục hồi kinh tế trong 'điều kiện bình thường mới' không phải dễ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới