Chính sách 'Tài chính xanh' vì sự PTBV: Nhật Bản với cam kết trung hòa carbon vào 2050 (Kỳ 6)
Thị trường trái phiếu xanh đang phát triển của Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay khi Thủ tướng Yoshihide Suga cam kết việc nước này sẽ trung hoà carbon vào năm 2050.
Năm 2020, Nhật Bản là nhà phát hành trái phiếu xanh lớn thứ hai châu Á sau Trung Quốc, nhưng không có đợt phát hành nào được hỗ trợ bởi ngân sách của chính phủ.
Một số thành viên trong ủy ban quản lý nợ của Bộ Tài chính Nhật Bản trước đây đã đề xuất xem xét phát hành trái phiếu xanh có chủ quyền nhưng sự ủng hộ của kế hoạch này là không cao trong chương trình nghị sự, theo biên bản cuộc họp của ủy ban.
Một quan chức giấu tên tại một trong những công ty chứng khoán lớn của Nhật Bản cho biết: "Các nhân viên của chúng tôi đã tiếp cận Bộ Tài chính để thảo luận về việc phát hành trái phiếu xanh nhưng họ có vẻ do dự vì các thủ tục phức tạp".
Theo hướng dẫn của Tổ chức Tài chính Quốc tế, các tổ chức phát hành có chủ quyền phải tạo ra một khuôn khổ chính sách trái phiếu xanh và một cơ cấu quản trị, đồng thời đối chiếu một danh sách dài các khoản chi đủ điều kiện và tham gia với các tổ chức bên ngoài để xem xét, xác minh, chứng nhận, giám sát sau phát hành và báo cáo.
Thị trường trái phiếu xanh có chủ quyền vẫn còn nhỏ so với trái phiếu chính phủ truyền thống và trái phiếu xanh do những bên khác phát hành. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tính đến tháng 7/2020, 16 quốc gia đã phát hành tổng cộng hơn 80 tỉ USD trái phiếu xanh có chủ quyền kể từ khi chính phủ Ba Lan lần đầu phát hành vào năm 2016.
Tamami Ota, nhà nghiên cứu cấp cao của Daiwa Institute of Research cho biết: "Việc phát hành trái phiếu xanh không có lợi cho Bộ vì sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc để chuẩn bị".
Hidenori Suezawa, nhà phân tích thị trường tài chính tại SMBC Nikko Securities Inc, khẳng định rằng bất kỳ sự thay đổi lập trường nào của chính phủ "cũng sẽ rất khó có thể xảy ra trong thời gian tới". Ông Suezawa hiện là thành viên của ủy ban quản lý nợ của Bộ Tài chính Nhật Bản.
Bà Mana Nakazora, chiến lược gia ESG tại BNP Paribas ở Nhật Bản cho biết: "Chính phủ đang phải tập trung mọi nguồn lực để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch và phục hồi nền kinh tế. Do đó, tôi mong đợi các nhà hoạch định chính sách sẽ xem xét lại việc này trong hai đến ba năm tới".
Số lượng phát hành trái phiếu chính phủ truyền thống của Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục 253,3 nghìn tỉ yên trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020, sau khi ngân sách bổ sung thứ hai được thiết lập, tăng khoảng 64% so với năm tài chính trước đó.
Điều đó đã đẩy lượng phát hành trái phiếu chính phủ đang lưu hành của đất nước lên 1,097 nghìn tỉ yên trong năm tài chính cho đến nay. Mức thâm hụt khoảng 989 nghìn tỉ yên của Nhật Bản trong năm tài chính đến tháng 3/2020 cao hơn gấp đôi GDP của nước này, mức thâm hụt lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích không loại trừ kế hoạch phát hành trái phiếu xanh có chủ quyền trong tương lai, đặc biệt khi ông Yoshihide Suga đang muốn thể hiện vai trò lãnh đạo của Nhật Bản trong các khoản đầu tư xanh trong khu vực.
Các nhà đầu tư tổ chức Nhật Bản dường như rất kỳ vọng và ủng hộ chính sách xanh của chính phủ. Nếu chính phủ quyết định phát hành trái phiếu xanh, thì "chúng tôi sẽ mua một số trái phiếu trong số đó", một quan chức giấu tên tại một trong ba siêu ngân hàng Nhật Bản cho biết.
Toyoki Sameshima, một nhà phân tích cấp cao tại SBI Securities, nói thêm: "Nhật Bản có thể theo sau châu Âu trong các chính sách trái phiếu xanh. Dù vậy, việc chính phủ có chuyển sang phát hành trái phiếu xanh có chủ quyền hay không sẽ là một quyết định chính trị".
Kỳ vọng 'làn sóng xanh' hậu Covid-19
Các nhà phân tích cho biết, đợt phát hành trái phiếu xanh của Nhật Bản có thể sẽ tăng lên mức kỷ lục mới vào năm 2021 khi đại dịch Covid-19 dường như đang lắng xuống và các công ty phát hành có thể gấp rút huy động vốn cho các dự án xanh.
Trong khi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới công bố mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, việc phát hành nợ xanh của quốc gia này đã tăng đáng kể vào quý IV/2020.
Theo Climate Bonds Initiative, một số công ty phát hành của Nhật Bản đã và đang chuyển hướng sang tính bền vững nhằm giải quyết các ảnh hưởng dài hạn do cuộc khủng hoảng Covid-19, qua đó đẩy lượng phát hành trái phiếu xanh của cả năm lên mức kỷ lục mới là 10,66 tỉ USD.
Bà Mana Nakazora, chiến lược gia ESG tại BNP Paribas, Nhật Bản cho biết: "Các công ty có thể chuyển sang huy động vốn trước khi lãi suất bắt đầu tăng, có thể là vào cuối năm nay". Bà Nakazora cho biết số lượng trái phiếu xanh phát hành trong năm 2021 có thể tăng 40% hoặc hơn.
Mặc dù lãi suất của Nhật Bản vẫn ở mức âm 0,1%, nhưng chi phí vay dài hạn đã tăng lên trong những tháng gần đây khi quốc gia này phải trả nợ để chống chọi với đại dịch. Lợi tức trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đã tăng khoảng 8 điểm cơ bản kể từ đầu năm 2021.
Bà Nakazora nói thêm rằng lợi suất trái phiếu địa phương có thể tăng hơn nữa trong năm nay do thị trường đang kỳ vọng rằng việc tung ra vaccine ngừa Covid-19 sẽ đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế.
Trong khi đó, Yoshihiro Fujii, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Tài chính Môi trường tại Nhật Bản, ước tính lượng phát hành chỉ tăng từ 10% đến 20% trong năm nay, nói rằng có rất ít dự án xanh lớn đang được triển khai.
Tamami Ota, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Daiwa Institute of Research, cũng dự báo "mức tăng khiêm tốn" trong năm nay. So với trái phiếu bền vững và trái phiếu xã hội, việc sử dụng tiền thu được từ trái phiếu xanh kém linh hoạt hơn và chỉ có thể được chi cho các dự án xanh được chỉ định, và điều đó làm giảm sức hấp dẫn của nợ xanh đối với một số tổ chức phát hành.
Tại Nhật Bản, việc phát hành trái phiếu bền vững, cho phép các tổ chức phát hành phân bổ vốn cho các dự án môi trường hoặc xã hội, đạt tổng trị giá 600,5 tỉ yên vào năm 2020, tăng hơn gấp đôi so với mức 257,0 tỉ yên trong năm trước, theo Bộ Môi trường Nhật Bản.
Sean Kidney, Giám đốc điều hành của CBI cho biết: "Những cam kết của thủ tướng rất quan trọng trong việc hình thành tư duy ở Nhật Bản. Điều đó sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường này".
Sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đưa ra cam kết trung hoà carbon, Bộ Thương mại và Công nghiệp nước này đã công bố một lộ trình chuyển đổi năng lượng vào tháng 12/2020, tập trung vào năng lượng tái tạo và sử dụng hydro làm chất thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.
Nền kinh tế Nhật Bản cũng đang trỗi dậy từ tác động của đại dịch, tăng trưởng hàng năm 12,7% trong tháng 10-12 năm 2020, sau mức tăng kỷ lục 22,9% hàng năm trong quý trước. Cũng có hy vọng về sự phục hồi thậm chí còn nhanh hơn khi Nhật Bản gần đây đã bắt đầu tiêm chủng vaccine cho người dân.
Nhật Bản đã chứng kiến thị trường trái phiếu xanh - được sử dụng để tài trợ cho các dự án năng lượng sạch và môi trường - mở rộng lên tới 824 tỉ yên (7,95 tỉ USD) vào năm 2019, gấp 24 lần quy mô của nó cách đây 5 năm. Trên toàn cầu, thị trường này đã bùng nổ với khoảng 250 tỉ USD trái phiếu xanh được phát hành vào năm 2019, chiếm 3,5% tổng số trái phiếu phát hành của thế giới.
Bà Nakazora cho biết trái phiếu xanh và các tài sản ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) khác cuối cùng có thể chiếm 20% thị trường trái phiếu doanh nghiệp trị giá 60 nghìn tỉ yên của Nhật Bản.
"Nhiều nhà đầu tư muốn bỏ tiền của họ vào tài sản ESG, trong khi ngày càng nhiều công ty cảm thấy họ cần phát hành trái phiếu xanh. Một xã hội trung hoà carbon cũng sẽ đòi hỏi nhiều tiền hơn trong quá trình chuyển đổi", bà Nakazora nói.
Các nhà đầu tư nhà nước và tư nhân Nhật Bản đang có xu hướng ủng hộ loại hình trái phiếu hỗ trợ cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường khác.
Nhà sản xuất bia lớn của Nhật Bản Asahi Group Holdings đã phát hành trái phiếu vào tháng 10/2020 với trị giá 10 tỉ yên, tương đương khoảng 96 triệu USD. Trái phiếu có lãi suất hàng năm là 0,12%. Asahi cho biết họ sẽ sử dụng quỹ từ trái phiếu này để sản xuất chai nhựa mới từ những chai đã qua sử dụng.
Tỉnh Kanagawa cũng đã phát hành trái phiếu trị giá khoảng 48 triệu USD cho các giải pháp chống lũ lụt. Trái phiếu được bán vào tháng 10/2020 và đã được bán hết trong vòng chưa đầy 10 phút.
Nhưng bà cảnh báo rằng Chính phủ Nhật Bản phải đặt ra một thời gian biểu rõ ràng hơn về cách đạt được mục tiêu trung hòa carbon cho các công ty để thực hiện một quá trình chuyển đổi suôn sẻ hướng tới một xã hội xanh hơn.
Ngân hàng Nhật Bản cũng có thể thúc đẩy tài chính xanh bằng cách thiết lập các hướng dẫn của ESG cho việc quản lý tài sản của mình, điều này sẽ gửi một thông điệp đến các ngân hàng tư nhân rằng họ cũng nên làm như vậy.
"Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang bắt đầu thay đổi với một số tài sản đã được quản lý theo hướng dẫn của ESG. Đã đến lúc chính phủ, ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính của Nhật Bản phải làm theo", bà Nakazora nói.
Kỳ tiếp theo: Chính sách 'Tài chính xanh' vì sự phát triển bền vững: Bài 7 - Mục tiêu chuyển đổi kinh tế và xã hội Trung Quốc
Thanh Trần