Chính sách 'Tài chính xanh' vì sự phát triển bền vững: Đức muốn trở thành đầu tàu trên thế giới
Vào năm 2019, Đức bất ngờ tuyên bố tham vọng trở thành quốc gia hàng đầu về tài chính xanh bền vững. Giờ đây, nước này đang cố tìm ra một cách tiếp cận nhất quán nhằm hài hòa các dịch vụ tài chính với các mục tiêu khí hậu.
Sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhiều chính phủ bắt đầu xem xét lại cấu trúc và sự ổn định của các khu vực tài chính quốc gia của họ. Với khía cạnh tài chính của chính sách khí hậu ngày càng trở nên dễ đo lường hơn, các nước trong nhiều năm gần đây cũng đã bắt đầu tích hợp tài chính một cách có hệ thống hơn vào chính sách khí hậu.
Xây dựng một hệ thống tài chính cùng các chính sách khí hậu và năng lượng đã trở thành một thách thức trọng tâm đối với các chính phủ trên thế giới.
Ví dụ, Pháp đã buộc các nhà đầu tư công bố lượng khí thải carbon của các dự án mới kể từ năm 2015, hay việc Na Uy tích hợp các tiêu chí bền vững vào quỹ hưu trí có ảnh hưởng của chính phủ từ năm 2010. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã thúc đẩy tài chính xanh trong G20 trong nhiệm kỳ năm 2016.
Cùng năm đó, một báo cáo của Bộ tài chính Đức cho thấy những thay đổi đáng kể về chính sách khí hậu, có thể quét sạch hàng trăm tỷ euro khỏi danh mục đầu tư của các công ty quan trọng nhất và gây ra "tổn thất nghiêm trọng" cho nền kinh tế đất nước.
Đức từ lâu đã bỏ lơ việc thuyết phục các ngân hàng, công ty bảo hiểm, nhà quản lý quỹ và các tổ chức tài chính khác cắt giảm các dự án sử dụng nhiều CO2 và cấp vốn cho các giải pháp thay thế sạch hơn trên quy mô lớn.
Dù vậy, vào năm 2019, Đức bất ngờ tuyên bố tham vọng trở thành quốc gia hàng đầu về tài chính xanh bền vững. Giờ đây, nước này hiện phải tìm ra một cách tiếp cận nhất quán để hài hòa giữa lĩnh vực tài chính của mình và các mục tiêu khí hậu.
Chính phủ Đức đã thừa nhận sự cần thiết của việc đạt được nền tảng về tài chính xanh và phát triển một cách tiếp cận chính sách chặt chẽ hơn. Tham vọng đã nêu của họ hiện nay là trở thành "quốc gia hàng đầu" cho các nỗ lực tài chính xanh và bền vững trong tương lai và để làm được như vậy, Đức đã cam kết một chiến lược tài chính xanh dài hạn cũng như thành lập Ủy ban Tài chính Bền vững vào năm 2019 để hỗ trợ chính quyền trong việc đạt được mục tiêu.
Hơn nữa, gói cải cách chống biến đổi khí hậu của chính phủ được đưa ra vào năm 2019 đã công nhận rõ ràng vai trò của chính sách tài chính đối với việc thúc đẩy các mục tiêu khí hậu. Điều này bao gồm các biện pháp cụ thể để biến tài chính trở thành động lực tích cực cho sự phát triển bền vững hơn, chẳng hạn bằng cách phát hành trái phiếu xanh nhà nước hoặc điều chỉnh các quỹ đầu tư công.
Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) trong một phân tích năm 2020 cho biết trái phiếu xanh nhà nước sẽ là sự bổ sung lý tưởng cho kế hoạch sắp tới của Đức. DIW cho rằng vị thế của Đức trên thị trường tài chính, nơi nước này có thể vay với lãi suất rất thấp, mang lại lợi thế chi phí để tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Điều này cũng sẽ giúp nước này phục hồi từ suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19.
Dù vậy, trái ngược với danh tiếng là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và nhiều năm kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi năng lượng, Đức lại bị coi là quốc gia đi sau quốc tế trong việc thúc đẩy và khai thác tài chính xanh cho chính sách khí hậu và năng lượng.
Trong khi việc tích hợp các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã trở nên phổ biến hơn giữa các tổ chức tài chính trong những năm gần đây, Đức vẫn theo sau nhiều quốc gia châu Âu về các chỉ số đầu tư bền vững. Bên cạnh đó, khối lượng đầu tư của Đức vào hầu hết các hạng mục xanh, bền vững đều thấp hơn nhiều so với nhiều nước láng giềng.
Là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu, Đức chỉ chiếm 9% thị trường quỹ xanh của khu vực vào năm 2017, trong khi Anh và Pháp có thị phần cao gấp đôi. Báo cáo thường niên năm 2020 của Hiệp hội ngành tài chính Forum Nachhaltige Geldanlagen (FNG) cho thấy mối quan tâm đến các khoản đầu tư bền vững đã tăng lên đáng kể ở Đức, với mức tăng 23% lên 270 tỉ euro vào năm 2019.
Tuy nhiên, con số này vẫn chỉ chiếm 5,4% thị phần quỹ của đất nước trong năm đó. Báo cáo của FNG tập trung vào quản lý quỹ và tài sản và không đề cập đến việc cho vay. Tuy nhiên, nó chỉ ra rõ ràng rằng phần lớn các khoản đầu tư được thực hiện mà không hề quan tâm đến tác động của chúng đối với mức phát thải hoặc các khía cạnh chính sách năng lượng và khí hậu quan trọng khác.
Theo Hiệp hội Quỹ Đức BVI, dòng tiền vào các quỹ quản lý bền vững tiếp tục tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2020. Các nhà đầu tư đã chuyển 3,4 tỉ euro vào danh mục các sản phẩm tài chính bền vững từ tháng 1 đến tháng 3, trong khi tất cả các quỹ đại chúng đều chứng kiến dòng vốn thoát ra hơn 17 tỉ euro.
Khu vực tài chính của Đức là một trong những khu vực lớn nhất trên thế giới và rất dễ tiếp xúc với thị trường quốc tế. Vì hầu hết các doanh nghiệp dựa vào tín dụng ngân hàng để cấp vốn hơn là vốn chủ sở hữu. Với tổng giá trị 111 tỉ euro, các dịch vụ tài chính đã đóng góp khoảng 4% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước vào năm 2017, theo cơ quan chính phủ Germany Trade & Invest.
Theo phân tích của Đại học Stuttgart, số lượng các sản phẩm tài chính xanh được cung cấp đã tăng lên nhờ sự ra đời của Đạo luật Năng lượng tái tạo (EEG) của Đức vào năm 2000, được tài trợ phần lớn bởi các ngân hàng công và hợp tác.
Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo (AEE), đến năm 2018, tổng cộng 271 tỉ euro đã được đầu tư vào năng lượng gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng sạch khác.
Dù vậy, phần lớn các khoản đầu tư này được thực hiện bởi các nhà đầu tư nhỏ thông qua các trung gian chuyên biệt chứ không phải bởi các ngân hàng lớn, quỹ đầu tư hoặc các tổ chức khác. Trong khi các công dân, hợp tác xã và các công ty vừa và nhỏ sở hữu hơn một nửa công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt của Đức, thì các ngân hàng và quỹ chỉ chiếm hơn 13% vào năm 2017, AEE cho biết.
Theo NGO Finanzwende, một nỗ lực phối hợp hơn nữa của các tổ chức tài chính thuộc sở hữu nhà nước có thể cho phép Đức đi trước và phát triển nhanh chóng các dịch vụ tài chính xanh.
Nhằm đẩy mạnh kế hoạch tăng nguồn vốn đầu tư cho các dự án môi trường, Chính phủ Đức lần đầu công bố việc phát hành trái phiếu xanh trên các thị trường tài chính. Vào tháng 9/2020, Đức đã mở đợt chào bán trái phiếu xanh đầu tiên nhằm huy động tiền tài trợ cho các sáng kiến liên quan tới môi trường.
Động thái này nằm trong nỗ lực "xoay trục" của Chính phủ Đức để hướng tới một nền kinh tế bền vững và có thể trở thành nhà phát hành trái phiếu chuẩn trong lĩnh vực đang bùng nổ mạnh mẽ này. Chính phủ Đức đã huy động được 6,5 tỉ euro (7,7 tỉ USD) trong đợt chào bán trái phiếu xanh kỳ hạn 10 năm với lãi suất 0%, trong khi tổng giá trị trái phiếu được các nhà đầu tư đặt mua lên tới hơn 33 tỉ euro.
Theo quy định, số tiền thu được từ phát hành trái phiếu của Chính phủ Đức sẽ hoàn toàn được phân bổ cho các khoản chi tiêu mang lại hiệu quả sinh thái bền vững. Trái phiếu xanh sẽ là "trái phiếu kép" vì cùng được phát hành với trái phiếu liên bang thông thường với cùng thời hạn và mức lãi suất. Theo Quốc vụ khanh về tài chính của Quốc hội Đức, Joerg Kukies, mục đích của "trái phiếu kép" này là nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư, giúp Đức có thể tăng nguồn hỗ trợ cho các dự án môi trường lên 11 tỉ euro (12,9 tỉ USD).
Theo nhà phân tích Elmar Voelker của ngân hàng LBBW, Đức đang trên đường trở thành một nhà phát hành trái phiếu chuẩn trong lĩnh vực trái phiếu xanh.
Từng là quốc gia có mức phát thải cao nhất châu Âu, nhưng trong thời gian gần đây, Đức đã tăng tốc thực hiện nhiều dự án bảo vệ môi trường. Nước này đã dành 54 tỉ euro trong khoản chi tiêu ngân sách đến năm 2023 cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc đánh thuế khí thải carbon nhằm giảm khoảng 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, từ mức của năm 1990.
Theo Quốc vụ khanh về môi trường của Quốc hội Đức, Rita Schwarzeluehr-Sutter, trái phiếu xanh sẽ góp phần vào nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu
Phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng toàn cầu với sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... và được xem là kênh huy động vốn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng bền vững. EU là khu vực phát hành trái phiếu xanh nhiều nhất.
Kỳ tiếp theo: Chính sách 'Tài chính xanh' vì sự phát triển bền vững: Mỹ phát triển mạnh hệ thống ngân hàng xanh
Thanh Trần