Chiến dịch “We Love City” - Vì thành phố xanh và giảm phát thải khí nhà kính
Chiến dịch “Tôi yêu thành phố" (We Love City) là cơ hội để TP.Cần Thơ lan tỏa các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tại Cần Thơ và trên cả nước.
Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những thách thức môi trường toàn cầu, mà Việt Nam cũng đang phải đối mặt. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa với tốc độ nhanh cùng sự thay đổi trong lối sống đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam.
Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam. Báo cáo phân tích ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam xác định có ít nhất 10% số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy, khiến Việt Nam trở thành một trong 5 nước gây ô nhiễm nhựa trên đại dương hàng đầu trên thế giới.
Mới đây, ngày 19/9, tại TP.Cần Thơ, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Việt Nam, Văn phòng Biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ tổ chức Hội thảo phát động Chiến dịch truyền thông "Tôi yêu thành phố" (We Love City) hướng tới mục tiêu thành phố xanh và giảm phát thải khí nhà kính.
Theo đó, Chiến dịch diễn ra từ ngày 19/9 - 31/10/2022, nhằm kêu gọi kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong việc bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ đối với kế hoạch phát triển đô thị bền vững của thành phố. Người dân sẽ bỏ phiếu cho các thành phố đã lọt vào vòng chung kết của Chương trình OPCC mà họ yêu thích, đồng thời, đưa ra đề xuất nhằm cải thiện và bảo vệ môi trường thành phố.
Chiến dịch truyền thông tại TP.Cần Thơ sẽ trải dài 5 tuần với các chủ đề riêng biệt. Cụ thể:
Tuần 1 - Sự chuyển dịch đô thị sẽ giới thiệu 10 lĩnh vực trọng điểm để Cần Thơ trở thành đô thị đông minh và sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng.
Tuần 2 - Hệ thống thực phẩm sẽ giới thiệu chế độ ăn tốt cho con người và mô hình sản xuất nông sản chất lượng cao.
Tuần 3 - Cơ sở hạ tầng sẽ giới thiệu các sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ.
Tuần 4 - Giải pháp dựa trên tự nhiên sẽ giới thiệu Các giải pháp hạ tầng xanh thích ứng ngập lụt và hình mẫu "người anh hùng" luôn hành động vì khí hậu.
Tuần 5 - Rác thải và tái chế sẽ giới thiệu về những nỗ lực của TP.Cần Thơ trong giảm thiểu và loại bỏ rác thải.
Đây là một Chiến dịch nằm trong khuôn khổ Chương trình One Planet City Challenge - Thành phố Xanh Quốc tế (OPCC), một sáng kiến toàn cầu của Tổ chức WWF. Sáng kiến nhằm thúc đẩy sự thay đổi hành động toàn cầu, hướng đến lối sống thân thiện với môi trường vì tương lai một hành tinh xanh. Đồng thời, khuyến khích việc phát triển và mở rộng những giải pháp tối ưu nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Được khởi xướng vào năm 2011, mục tiêu của chương trình OPCC là vinh danh các thành phố thành công trong giảm thiểu và thích ứng với khí hậu trên toàn cầu. Ban giám khảo của chương trình năm nay đã rất ấn tượng với cam kết và tiến trình thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Cần Thơ, đặc biệt là quyết tâm của thành phố trong nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Chiến dịch “Tôi yêu thành phố” cũng là cơ hội để Cần Thơ lan tỏa các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện trong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và huy động sự tham gia của người dân. Qua đó, góp phần truyền thông đến cộng đồng các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam tại COP26, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tại Cần Thơ và trên cả nước.
Theo ông Vũ Quốc Anh, Quản lý Chương trình OPCC - WWF Việt Nam, đây là cơ hội để TP.Cần Thơ ghi dấu ấn lên bản đồ Thành phố Xanh quốc tế, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Qua đó, tìm kiếm tài trợ cho các dự án liên quan đến môi trường, năng lượng xanh, biến đổi khí hậu... và phát triển du lịch.
Trước đó, TP.Cần Thơ đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết của chương trình Thành phố Xanh quốc tế (OPCC) năm 2022. Trong 69 giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, TP.Cần Thơ đã đạt được số điểm tuyệt đối của Ban giám khảo OPCC về chỉ số quyết tâm chính trị. Chương trình Thành phố Xanh quốc tế sẽ nhằm khuyến khích các thành phố xây dựng các cam kết và mục tiêu tham vọng về khí hậu phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Chương trình năm nay cho thấy các thành phố tham gia đang nỗ lực điều chỉnh các mục tiêu của mình để phù hợp với mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không quá 1,5 độ C.
Lan Anh