Châu Âu thúc đẩy thỏa thuận nhằm kiểm soát rác thải nhựa trong khu vực
Thỏa thuận nhằm kiểm soát việc sử dụng nhựa thông qua một nền kinh tế tuần hoàn, bằng cách giảm thiểu rác thải nhựa và sử dụng nhựa trong sản xuất, cũng như bằng việc tái chế.
Rác thải nhựa được tái chế tại nhà máy ở Fetsund, Đông Nam Na Uy. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Hà Lan, Pháp, Đan Mạch cùng chính phủ của 16 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và 66 tổ chức (doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ) đã phát động một “Thỏa thuận châu Âu về nhựa".
Thỏa thuận này nhằm kiểm soát việc sử dụng nhựa thông qua một nền kinh tế tuần hoàn, bằng cách giảm thiểu rác thải nhựa và sử dụng nhựa trong sản xuất, cũng như bằng việc tái chế và tái sử dụng nhiều hơn vật liệu này.
Bộ trưởng Môi trường Đan Mạch Lea Wermelin cho rằng “Thỏa thuận châu Âu về nhựa” là một cơ hội duy nhất để các chính phủ và các doanh nghiệp làm việc cùng nhau để có một tương lai “xanh” hơn.
Cụ thể, từ nay tới năm 2025, các thành viên của liên minh công-tư này cam kết tất cả các bao bì nhựa và sản phẩm bằng nhựa sử dụng một lần được đưa ra thị trường theo hướng được tái sử dụng hoặc được tái chế; giảm ít nhất 20% (về khối lượng) sản phẩm và bao bì bằng nhựa; tăng sử dụng nhựa tái chế trong các sản phẩm và bao bì mới.
Theo Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề về sinh thái của Pháp, Brune Poirson, đây là một thỏa thuận tham vọng nhằm tạo ra phong trào hưởng ứng sáng kiến về “Thỏa thuận châu Âu về nhựa” nêu trên.
Bộ trưởng Môi trường và Nhà ở Hà Lan Stientje van Veldhoven tuyên bố rằng nếu muốn đấu tranh chống lại biến đổi khí hậu, các nước cần phải bắt đầu xử lý nhựa như là một nguyên liệu quý và đảm bảo nó không làm ô nhiễm các đại dương.
Phó Chủ tịch phụ trách về Thỏa thuận Xanh châu Âu, ông Frans Timmermans đã tái khẳng định tầm quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn nhằm đạt được mục tiêu không khí thải mà EU đã đặt ra từ nay tới năm 2050.
Ông Frans Timmermans tuyên bố: “Nền kinh tế tuần hoàn sẽ là nền kinh tế của tương lai". Ông kêu gọi EU thống nhất một cách tiếp cận dựa trên các chuỗi giá trị và nhấn mạnh rằng nền kinh tế tuần hoàn không chỉ tái chế và tái sử dụng mà còn tạo ra một mối quan hệ mới với các sản phẩm hiện có.
Cho tới nay, đã có 13 quốc gia thành viên EU ký kết thỏa thuận này, bao gồm Hà Lan, Pháp, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Italy, Đức, Tây Ban Nha, Lítva, Hy Lạp, Slovenia, Thụy Điển, Phần Lan và Lettonia.
Đức Hùng