Thứ năm, 25/04/2024 13:22 (GMT+7)
Thứ bảy, 20/02/2021 06:15 (GMT+7)

Châu Á sẽ là nơi chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu đang khiến thế giới phải đối mặt với những thảm họa thiên nhiên ngày càng khốc liệt. Trong đó, châu Á được dự báo là châu lục chịu tác động nghiêm trọng và nặng nề nhất.

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu thường được gọi chung bằng hiện tượng nóng lên toàn cầu, mà hậu quả nhãn tiền của nó là hệ sinh thái bị phá hủy, mất đa dạng sinh học, ảnh hưởng kinh tế, dịch bệnh, hạn hán hay bão lụt, núi băng và sông băng đang bị “teo nhỏ”, hiệu ứng nhà kính, mực nước biển dâng… và chiến tranh - xung đột. Biến đổi khí hậu cũng gây ra những ảnh hưởng xấu đến thành phần, khả năng phục hồi hoặc sinh sản của các hệ sinh thái tự nhiên cũng như hoạt động của các hệ thống kinh tế - xã hội, sức khỏe và phúc lợi của con người.

Biến đổi khí hậu cũng đang khiến cho các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan biến động mạnh hơn cả về không gian và thời gian, xảy ra với tần suất nhiều hơn và diễn biến ngày càng bất thường hơn.

Châu Á chịu tác động nặng nề nhất

Theo các nhà nghiên cứu của McKinsey & Co., các đợt nắng nóng gây chết người, hạn hán, lũ lụt và bão sẽ trở nên phổ biến hơn ở châu Á - Thái Bình Dương, khu vực đang phải đối mặt với các tác động ngày càng nghiêm trọng hơn từ biến đổi khí hậu so với nhiều nơi trên thế giới.

Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho biết, châu Á đang chịu rủi ro đặc biệt vì có số lượng người nghèo cao, những người có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào công việc ngoài trời, sống ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất do nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Đến năm 2050, các rủi ro đối với nhóm lao động trên có thể khiến khu vực này thiệt hại tới 4.700 tỉ USD/năm trong GDP.

Châu Á sẽ là nơi chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Thiên tai ngày càng xảy ra với tần suất nhiều hơn và diễn biến ngày càng bất thường hơn tại các quốc gia châu Á.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tới những rủi ro kinh tế của việc trì hoãn các khoản đầu tư nhằm giảm thiểu hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo McKinsey, khả năng bị thiệt hại trên diện rộng từ biến đổi khí hậu sẽ không kém so với đại dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay.

Các dự báo dựa trên một kịch bản, trong đó thế giới không cắt giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và nền nhiệt tại châu Á tăng thêm 2 độ C. Dự báo chỉ ra rằng, vào năm 2050, 500 - 700 triệu người sống ở những quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan có thể trải qua những đợt nắng nóng vượt quá giới hạn.

Theo kết quả nghiên cứu, việc mất lao động ngoài trời trong thời gian này có thể làm giảm 7% - 13% GDP ở 3 quốc gia trên, dẫn đến thiệt hại trung bình từ 2.800 - 4.700 tỉ USD trên toàn châu Á mỗi năm.

McKinsey dự báo, số lượng các trận mưa lớn có thể tăng gấp 3 - 4 lần vào năm 2050 ở các khu vực của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia. Tình trạng lũ lụt gia tăng có thể gây thiệt hại 1.200 tỉ USD ở châu Á, chiếm tỉ lệ khoảng 75% trong tổng thiệt hại toàn cầu.

Ngược lại, khi Trái đất nóng lên, các khu vực phía Tây Nam Australia có thể trải qua hơn 80% thời gian trong điều kiện hạn hán vào năm 2050. Các khu vực của Trung Quốc có thể bị hạn hán từ 40% - 60% thời gian. Biến đổi khí hậu cũng sẽ gia tăng khả năng xảy ra các cơn bão dữ dội từ Philippines và Việt Nam sang Đông Bắc Á, làm tăng lượng nước bề mặt ở các vùng phía Bắc Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi gây cạn kiệt nước tại các hồ chứa ở Australia.

Viện này cho biết, các quốc gia đang nổi lên tại châu Á gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam được dự báo sẽ chứng kiến nhiệt độ và độ ẩm gia tăng. Đến năm 2050, các nền kinh tế này có thể phải chịu thiệt hại tương đương 8 - 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do những tác động này. Tại Việt Nam, TP.HCM có thể sẽ thiệt hại từ 500 triệu - 1 tỉ USD trong trận lụt lớn tác động trực tiếp tới cơ sở hạ tầng vào năm 2050.

Nhiều thành phố cũng đứng trước nguy cơ 'xóa sổ'

Theo NASA, biến đổi khí hậu cũng đã khiến mực nước biển tăng 6,5 cm từ năm 1993-2014 khi băng ở 2 cực tan chảy và do nước ấm thêm. Theo dự báo, mực nước biển còn có thể tăng lên 65 cm vào năm 2100. châu Á có 15 trong số 20 thành phố bị tác động bởi mực nước biển dâng trên toàn thế giới.

Thủ đô Jakarta đã thấp hơn mực nước biển 4 m trong vòng 30 năm qua. Trong thập kỷ qua, chính phủ Indonesia đang chi 33 tỉ USD để xây dựng một thành phố thủ đô mới cùng các biện pháp giảm thiểu khác. Ở Philippines, thủ đô Manila mỗi năm thấp hơn mực nước biển 10 cm.

Còn tại Việt Nam, gần 45% diện tích TP.HCM chỉ còn cách mực nước biển chưa đến 1 m. Ngoài ra, 154 trong số 322 phường xã tại TP.HCM thường diễn ra hiện tượng ngập lụt thường xuyên. 

Tuy nhiên, chính các quốc gia tại châu Á là một tác nhân gây ra vấn đề khí hậu. Riêng Trung Quốc đã chiếm 60% sự gia tăng khí nhà kính trên toàn cầu kể từ năm 1990.

Phá rừng là nguyên nhân góp phần tạo ra lượng khí thải lớn ở Đông Nam Á khi đô thị hóa gia tăng và đất đai được chuyển sang khai thác trồng trọt, đặc biệt là các sản phẩm phổ biến như dầu cọ.

Sản xuất năng lượng chiếm 3/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu và than đá đang được sử dụng để tạo ra 61% điện năng của toàn châu Á. Theo như các kế hoạch trước đây, việc các quốc gia đang sử dụng than ngày càng nhiều thêm, bất chấp các lựa chọn tái tạo có chi phí thấp khác và 75% công suất phát điện mới ở các quốc gia ASEAN sẽ dựa trên than.

Cũng chính vì là lục địa đông dân nhất thế giới, châu Á có thể có tiềm năng dẫn dắt các nỗ lực ứng phó toàn cầu bằng cách đề cập tốt hơn những rủi ro biến đổi khí hậu vào trong quá trình đưa ra quyết định, đóng vai trò tiên phong trong áp dụng các công nghệ thích ứng và đẩy nhanh quá trình cắt giảm khí phát thải để giảm thiểu những hậu quả tiềm ẩn nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, là khu vực kinh tế tăng trưởng ngày một năng động, càng tránh được thiên tai bao nhiêu, châu Á sẽ ngày càng phát triển bấy nhiêu.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Châu Á sẽ là nơi chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.