Thứ sáu, 19/04/2024 13:07 (GMT+7)
Thứ ba, 11/01/2022 15:26 (GMT+7)

Câu chuyện ‘về quê ăn Tết’ vẫn còn nhiều gian nan?

Theo dõi KTMT trên

Chỉ còn khoảng ba tuần nữa là bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tuy nhiên nên ở lại hay về quê ăn Tết vẫn là câu hỏi được đặt ra của hầu hết những người dân lao động xa quê hương.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, lo sợ người về quê ăn Tết có thể làm tình hình dịch trở nên nghiêm trọng hơn, nhiều địa phương đã đưa ra những biện pháp tăng cường chống dịch.

Dù không cấm người dân về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, nhưng mỗi địa phương lại có một quy định chống dịch khác nhau. Có tỉnh yêu cầu xét nghiệm (test nhanh, PCR), cách ly y tế gây khó dễ cho người dân trong quyết định về quê. Trong khi nhiều tỉnh lại nới lỏng, yêu cầu chỉ cần khai báo y tế và đảm bảo 5K, khuyến khích thông thương hàng hoá…

Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo những nội dung về tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch. Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K. Như vậy, Bộ Y tế không nêu các điều kiện về việc xét nghiệm, cách ly với người về quê ăn Tết.

Câu chuyện ‘về quê ăn Tết’ vẫn còn nhiều gian nan? - Ảnh 1
Nhiều địa phương đã đưa ra những biện pháp tăng cường chống dịch đối với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. (Ảnh: khampha.vn)

Tuy nhiên, mỗi tỉnh, thành phố lại đưa ra những quy định khác nhau. Trước đó, ngày 30/12/2021, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành thông báo số 464/TB-UBND về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp trực tuyến toàn tỉnh về công tác phòng chống dịch Covid-19.

UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện, thị xã, thành phố không đón tiếp người về từ các địa phương có cấp độ dịch 3, 4; không tổ chức các chương trình nhạc hội, bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tại tỉnh Bắc Giang, địa phương này vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 hoặc sẽ test nhanh trước khi vào địa bàn. Quy định có giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp test nhanh còn hiệu lực trong 48 giờ hoặc PCR trong 72 giờ được Bắc Giang duy trì từ cuối tháng 10.

Ban đầu, quy định chỉ áp dụng với người từ nơi có ca nhiễm cộng đồng, về địa phương dự sự kiện, hội họp đông người, sau mở rộng ra với tất cả người vào Bắc Giang. Nếu không có giấy xét nghiệm trước, người dân sẽ được test nhanh ngay tại chốt, chi phí tự trả.

Tại tỉnh Phú Thọ, ngày 31/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Văn bản số 6032/UBND-KGVX yêu cầu người chủ động tự theo dõi sức khỏe 7 ngày kể từ ngày trở về địa bàn tỉnh. Khuyến khích tự thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên.

Đối với người đến/trở về từ các xã thuộc cấp độ 3, cấp độ 4: Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên. Đồng thời, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày đến trở về địa phương đối với các trường hợp tiêm đã tiêm đủ 2 liều vaccine.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Công văn 02 về việc phân loại cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, thời gian áp dụng kể từ ngày 3/1/2022.

Đáng chú ý, so với lần phân cấp độ dịch gần đây nhất (ngày 30/12/2021), toàn tỉnh từ cấp độ 2 (vùng vàng - nguy cơ trung bình) lên cấp độ 3 (vùng cam - nguy cơ cao). Trong đó, 10/11 huyện, thị xã, thành phố ở vùng nguy cơ dịch cấp độ 3 gồm: Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Hớn Quản, Đồng Phú, Bù Đăng, Chơn Thành, Phú Riềng; riêng huyện Bù Đốp thuộc vùng nguy cơ dịch ở cấp độ 2. 

Đối với cấp xã, tỉnh có 8 xã ở vùng nguy cơ dịch cấp độ 1 (vùng xanh - nguy cơ thấp); 23 xã có nguy cơ dịch cấp độ 2 và 80 xã có nguy cơ dịch cấp độ 3. Như vậy, đã tăng 38 xã so với thời điểm phân loại cấp độ dịch trước đó (ngày 30/12/2021). 

Trước quy định khác nhau của các địa phương với người về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm dần, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, chúng ta đã chấp nhận không Zero Covid-19, đã tiêm phủ vắc xin diện rộng thì chúng ta phải chấp nhận thực tế số ca mắc có thể tăng cao. Chính phủ đã ra Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn trong đó nới lỏng tất cả các hoạt động. Vì thế, các tỉnh không nên mỗi nơi đưa ra một quy định, “làm khó” người dân.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế ra đời với mong muốn thực hiện thống nhất ở cả nước, tránh việc làm tùy tiện của các địa phương, ảnh hưởng đến địa phương khác và cả nước.

"Nếu thực hiện test nhanh, độ chính xác không quá cao. Kết quả âm tính lại dẫn tới chủ quan trong phòng chống dịch và không thực hiện 5K. Việc cách ly y tế chỉ áp dụng cho vùng cấp độ 4 hoặc vùng phong tỏa. Những người tiêm đủ vaccine có quy định khác với người tiêm 1 mũi hoặc chưa tiêm vaccine. Các địa phương đánh giá cấp độ dịch càng nhỏ càng tốt, có thể đánh giá nhỏ hơn xã phường. Đánh giá phải phù hợp, không tới thì không đáp ứng được phòng chống dịch nhưng thái quá lại ảnh hưởng kinh tế, an sinh xã hội" – ông Trần Đắc Phu chia sẻ.

PGS. TS. Trần Đắc Phu cũng cho rằng, Chính phủ không cần ban hành văn bản thống nhất thực hiện việc người dân về quê ăn Tết: "Chỉ nên ban hành khuyến cáo về hạn chế tụ tập đông người, tổ chức lễ hội. Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 đã đầy đủ và đảm bảo tính khoa học. Chúng ta đang chú ý đến việc quản lý rủi ro, chấp nhận có F0 cộng đồng, hướng tới các biện pháp phòng bệnh hạn chế cấm đoán, gây tốn kém cho người dân và xã hội".

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Câu chuyện ‘về quê ăn Tết’ vẫn còn nhiều gian nan?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .