Canh tác thân thiện với khí hậu: Giải pháp từ sự tan chảy của các dòng sông băng
Một loại bùn mới được tìm thấy, giàu chất dinh dưỡng giúp tăng sản lượng nông nghiệp khi cung cấp cho đất nông nghiệp và hấp thụ carbon dioxide trong bầu khí quyển.
Sông băng tan chảy giúp phát triển nền nông nghiệp bền vững
Trên một bờ biển gần thủ đô Nuuk của Greenland, nhà khoa học địa phương Minik Rosing đã chỉ ra một nghịch lý khi các sông băng thu hẹp: Một trong những hậu quả đáng báo động nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu lại có thể đưa ra giải pháp hạn chế ảnh hưởng của chính nó.
Theo đó, khi các sông băng tan chảy sẽ xuất hiện phù sa siêu mịn lắng đọng, được gọi là bột đá băng. Mỗi năm có khoảng 1 tỉ tấn bột đá băng lắng đọng trên hòn đảo lớn nhất thế giới, Greenland. Loại phù sa này có thể nghiền nát dễ dàng thành các hạt có kích thước nano.
Trên cơ sở đó, giáo sư Minik Rosing và nhóm nhà khoa học tại Đại học Copenhagen đã nghiên cứu ra loại bùn giàu chất dinh dưỡng giúp tăng sản lượng nông nghiệp khi bón vào đất nông nghiệp và hấp thụ carbon dioxide từ không khí trong quá trình này.
Các nhà khoa học tại nhà sản xuất bia đa quốc gia Carlsberg (CARLb.CO) cũng nghiên cứu đang điều tra và phát hiện ra rằng việc bổ sung 25 tấn bột đá băng trên mỗi ha đất nông nghiệp đã làm tăng 30% năng suất cây trồng trên các cánh đồng lúa mạch ở Đan Mạch.
Tương tự, nhóm nghiên cứu từ Đại học Ghana cũng thành công tăng năng suất ngô lên 30% bằng cách sử dụng bột đá băng để bù đắp tác động của mưa và nắng nóng trên đất nông nghiệp nghèo. Kích thước nano của các hạt phù sa cho phép thực vật tiếp cận với nhiều hơn với chất dinh dưỡng, bao gồm kali, canxi và silic, so với đất trồng trọt thông thường.
Rosing cùng các nhà khoa học đang kêu gọi các nguồn đầu tư để có thể tiến hành thử nghiệm thực địa trên quy mô lớn ở Đan Mạch và Ghana trong 3 năm tới. Nhóm nghiên cứu cũng có kế hoạch thử nghiệm vật liệu này trên các loại đất khác ở Australia, Pháp, Italy và Mỹ.
Liệu các hạt phù sa có loại bỏ đc CO2 trong khí quyển?
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, kích thước nhỏ của các hạt phù sa cũng giúp đẩy nhanh quá trình tự nhiên, nhờ đó đá hấp thụ CO2.
Khi phù sa hòa tan trong nước mưa và giải phóng các chất dinh dưỡng, chúng sẽ trải qua một phản ứng hóa học để khóa carbon dioxide từ khí quyển. Hợp chất này sau đó được rửa sạch bằng nước và cuối cùng lắng đọng dưới đáy biển dưới dạng các khoáng chất carbonat.
Ý tưởng áp dụng đá hạt mịn vào đất canh tác không phải là mới và một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các sản phẩm phụ từ các mỏ hoặc mỏ đá có thể cải thiện chất lượng đất. Nhưng phương pháp này đã thu được sự quan tâm do có thêm lợi ích khi hấp thụ CO2.
David Beerling, giáo sư tại Đại học Sheffield và là tác giả chính của một nghiên cứu về đá bazan nghiền cho biết: “Nhận thức đó đã là chất xúc tác cho nhiều nghiên cứu hơn nữa trong lĩnh vực này.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc rải đá bazan nghiền mịn trên các cánh đồng, cũng như giúp cây trồng phát triển, loại bỏ CO2 khỏi bầu khí quyển với chi phí tương đương với các phương pháp thu giữ carbon khác.
Đáng chú ý, thử nghiệm của các nhà khoa học ở Copenhagen đã chỉ ra rằng 1 tấn bột đá băng sẽ hấp thụ từ 250-300 kg CO2 khi cung cấp cho các cánh đồng, có khả năng cho phép nông dân bán chất đó dưới dạng carbon tín dụng.
Với một lượng lớn có sẵn trên các bờ biển của Greenland, Rosing cho rằng bột đá băng sẽ là một giải pháp thay thế bền vững cho phân bón thông thường và giúp giảm phụ thuộc vào các nguồn cung cấp bụi đá từ khai thác mỏ.
Thêm vào đó, bột đá băng có tiềm năng thay thế phốt pho, chủ yếu được khai thác ở Trung Quốc, Maroc và Hoa Kỳ, hoặc kali, được khai thác ở Canada và Nga.
Các nhà khoa học tại Đại học Copenhagen và Đại học Ghana cho biết thành công trên quy mô lớn có thể cải thiện an ninh lương thực và sự mất cân bằng kinh tế một phần do sự phân bổ không đồng đều của đất nông nghiệp màu mỡ trên toàn thế giới.
Các cuộc khảo sát địa chất cho thấy vùng đất nông nghiệp tốt nhất, trải dài qua các vùng của Bắc Mỹ và Châu Âu, đã bị băng bao phủ trong thời kỳ băng hà cuối cùng. Điều này đang xảy ra tương tự ở Greenland, nơi có lớp băng dày trên mặt đất và hồi sinh đất.
Tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán đang hiện hữu ngày càng rõ rệt hơn, gây thiệt hại cho nền nông nghiệp toàn cầu. Với đất nước có nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, Việt Nam không tránh khỏi những hệ lụy tiêu cực.
Trong đó, các yếu tố như nhiệt độ tăng, sự thay đổi về lượng mưa, tần suất gia tăng của sóng nhiệt và hạn hán, phát thải khí nhà kính về cơ bản sẽ ảnh hưởng đến cây trồng trên toàn thế giới, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng đang tồn tại.
Theo các nhà khoa học khí hậu phân tích: “Các điều kiện khí hậu mới đẩy năng suất cây trồng vượt ra ngoài phạm vi bình thường ở nhiều vùng. Phát thải khí nhà kính do con người tạo ra dẫn tới nhiệt độ cao hơn, thay đổi mô hình lượng mưa và đẩy lượng CO2 cao hơn hơn trong không khí. Điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng cây trồng và chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện của tín hiệu biến đổi khí hậu sẽ xảy ra trong vòng một thập kỉ tới hoặc sau đó ở nhiều khu vực quan trọng trên toàn cầu.
Lan Anh (T/h)