Chủ nhật, 08/09/2024 06:45 (GMT+7)
Thứ tư, 07/12/2022 15:55 (GMT+7)

Cần thiết ban hành danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp

Theo dõi KTMT trên

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ quy định cụ thể danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, gồm: các hồ, ao, đầm, phá có chức năng điều hòa, cấp nước, phòng, chống ngập, úng, tạo cảnh quan sinh thái, có giá trị cao về đa dạng sinh học.

Theo Bộ TN&MT, hiện nay, vấn đề đảm bảo an ninh tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước đang được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Tuy nhiên, một số địa phương, công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được quan tâm, chú trọng, đặc biệt là trong quá trình xây dựng quy hoạch cấp tỉnh. Tình trạng san lấp hồ ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Ngoài việc gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa dẫn đến việc các nguồn nước ngày càng bị suy thoái, cạn kiệt, giảm khả năng cấp nước cho dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng tình trạng ngập, úng, giảm khả năng trữ nước mưa... ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng…

Tại cuộc họp với Cục Quản lý tài nguyên nước về tiến độ thực hiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề nghị Cục Quản lý Tài nguyên nước rà soát các chính sách pháp luật để điều chỉnh một số nội dung bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Chính phủ và các luật liên quan. Đồng thời, rà soát kỹ về ngân sách nguồn vốn ngân sách tránh trường hợp phát sinh không hợp lý trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Cần thiết ban hành danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp - Ảnh 1
Tài nguyên nước của Việt Nam là hữu hạn trước nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao về số lượng và chất lượng nước cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, duy trì bền vững các hệ sinh thái.

Báo cáo tại cuộc họp, theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, Cục đã tổng hợp các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, chuyên gia và các Hội thảo tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam, cụ thể các ý kiến về việc: Cấp phép khai thác, sử dụng nước đối với mục đích không tiêu hao (tạo cảnh quan nước, sử dụng nước…); điều hòa phân phối nguồn nước; xã hội hóa; hồ, ao không san lấp; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; kinh phí từ ngân sách phát sinh sau khi sửa đổi Luật Tài nguyên nước.

Theo đó, đối với cấp phép khai thác, sử dụng nước đối với mục đích không tiêu hao. Trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã dự thảo phương án đối với mục tiêu không tiêu hao dự kiến không cấp phép, thay vào đó, chỉ thực hiện có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nước, cụ thể: Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để đào hồ, ao, đầm, tạo không gian thu, trữ nước, tạo cảnh quan phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trước khi triển khai thực hiện.

Liên quan về điều hòa phân phối nguồn nước, dự thảo Luật sửa đổi đã quy định hàng năm, Bộ TN&MT chỉ đạo cơ quan chuyên môn công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông, trên cơ sở kịch bản nguồn nước, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương theo thẩm quyền chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng nước. Ngoài ra, dự thảo quy định bổ sung khi lưu vực sông dự báo xảy ra hạn hán, thiếu nước, quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương xây dựng phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước để chỉ đạo lập kế hoạch khai thác, sử dụng nước cho phù hợp.

Dự kiến nội dung chính của phương án điều hòa, phân phối nguồn nước dự thảo trong Nghị định hướng dẫn gồm: Xác định lượng nước có thể khai thác trên lưu vực sông các theo kịch bản nguồn nước; nhu cầu sử dụng nước của các ngành; thứ tự ưu tiên sử dụng nước của các ngành, địa phương; thứ tự các đối tượng khai thác, sử dụng nước phải hạn chế lượng nước khai thác, sử dụng tương ứng với kịch bản nguồn nước; phương án vận hành các công trình điều tiết trên lưu vực sông để đáp ứng nhu cầu nước theo kịch bản; phương án luân phiên nguồn nước có thể khai thác theo kịch bản nguồn nước; trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương theo kịch bản nguồn nước.

Về xã hội hóa, dự thảo quy định cụ thể các hoạt động bảo vệ, phát triển, phục hồi nguồn nước, trữ nước được khuyến khích sử dụng nguồn vốn xã hội hóa tại Điều 73. Đồng thời, quy định các Tổ chức tham gia thực hiện các hoạt động xã hội hóa được hưởng ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các vấn đề về hồ, ao không san lấp dự thảo Luật sửa đổi sẽ quy định cụ thể danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, gồm: các hồ, ao, đầm, phá có chức năng điều hòa, cấp nước, phòng, chống ngập, úng, tạo cảnh quan sinh thái, có giá trị cao về đa dạng sinh học; liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, bảo tồn văn hóa không được san lấp và phải được lập danh mục để quản lý, bảo vệ; danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp được lập, công bố và rà soát, điều chỉnh theo quy định. 

PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, tài nguyên nước của Việt Nam là hữu hạn trước nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao về số lượng và chất lượng nước cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, duy trì bền vững các hệ sinh thái, nên đã xuất hiện ngày càng nhiều những bất cập trong bảo đảm nguồn nước cho phát triển bền vững.

Trong khi đó, tài nguyên nước của nước ta đang và sẽ chịu tác động mạnh và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu. Mặt khác, có tới hơn 63% tổng lượng nước đến nước ta được hình thành trên phần lưu vực sông thuộc lãnh thổ các nước lân cận; nguồn nước đang suy thoái; ở một số lưu vực, khu vực nguồn nước còn có biểu hiện ô nhiễm, cạn kiệt; việc quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng thường chưa hợp lý, hiệu quả…

Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; sự gia tăng của dân số và nhu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng nhanh, tình trạng ô nhiễm nguồn nước chưa được giải quyết triệt để đã làm suy giảm chất lượng nước.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cần thiết ban hành danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.