Hội thảo Một số vấn đề quản lý tài nguyên nước ở VN trong giai đoạn hiện nay
Sáng nay (2/12), Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đã tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay".
12h00:
Kết thúc hội thảo, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn chủ tịch VUSTA khẳng định, tất cả những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các đại diện cơ quan chức năng tại Hội thảo, Ban tổ chức xin được tiếp thu. Đây là những ý kiến đóng góp được nghiên cứu rất kỹ lưỡng của các nhà khoa học.
Thực ra lâu nay chúng ta có khái niệm, rác là tài nguyên. Nhưng nếu như thế thì rác hay nước thải đều là tài nguyên cả, vì có thể tái sử dụng được.
Thay mặt đơn vị tổ chức, tôi xin cảm ơn các đại biểu, các chuyên gia đại diện cho nhiều lĩnh khác nhau nhưng cùng tham gia một hội thảo về quản lý và bảo vệ nguồn nước. Điều này chứng ta chúng ta rất quan tâm đến tài nguyên nước, một tài nguyên rất quan trọng và quý giá của nhân loại. Những vấn đề các đồng chí nêu ở đây sẽ được tập hợp lại và gửi góp ý lên ban soạn thảo Luật. Với trách nhiệm của mình, tôi tin rằng chúng ta sẽ làm đến cùng để đưa được những ý kiến này vào trong luật.
11h30: Nhiều thách thức trong tái sử dụng nước thải công nghiệp
PGS.TS Hoàng Thu Hương, Viện Khoa học Công nghệ Môi trường đưa ra những rào cản và thách thức trong tuần hoàn tái sử dụng nước thải công nghiệp.
Thách thức về công nghệ, các giải pháp công nghệ phổ biến có thể được áp dụng như công nghệ hấp phụ, công nghệ màng hay trao đổi ion hiện nay có thể đáp ứng được mọi yêu cầu về kỹ thuật. Việc cân đối giữa chi phí và lợi ích cần được tính toán kỹ trước khi áp dụng. Lợi ích về mặt môi trường cần được lượng giá đầy đủ hơn để có mức đầu tư hợp lý cho các giải pháp tái sử dụng nước. Vì vậy, việc định hướng lựa chọn mô hình tái sử dụng nước sau xử lý phù hợp sẽ góp phần định hình quy mô tái sử dụng.
Về cơ bản, ba mô hình có thể tiếp cận: (1) Phát triển công nghệ tái sử dụng quy mô nhỏ, phân tán kết hợp với trạm XLNT hiện có; (2) Phát triển công nghệ tái sử dụng tập trung quy mô lớn; (3) Quy mô linh hoạt, phát triển từ hệ thống XLNT sẵn có kết hợp với quy mô tái sử dụng phù hợp. Trong đó, mô hình (3) có lẽ phù hợp hơn cho giai đoạn hiện nay.
Để thực hiện theo mô hình này, cần có các bước xác định nhu cầu nước tái sử dụng cho mục đích cụ thể. Trên cơ sở đó, thiết kế hệ thống tái sử dụng nước đáp ứng nhu cầu sử dụng. Sau đó cần tiến hành các thủ tục cần thiết đối với cơ quan quản lý môi trường để đảm bảo phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường chung của dự án. Rào cản về chính sách Hiện nay, việc thống kê, kiểm kê, quản lý hoạt động tái sử dụng nước thải gần như chưa được triển khai trong bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực, địa phương nào ở nước ta. Việc quản lý hoạt động tái sử dụng dụng nước thải cũng chưa được phân công, phân cấp một cách rõ ràng, cụ thể.
Ở cấp vĩ mô, vấn đề tái sử dụng nước thải sau xử lý cũng chưa được chú trọng, quan tâm một cách thích đáng; trong các quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, cũng như quy hoạch về khai thác, sử dụng nước chủa các ngành kinh tế hầu như không đề cập đến vấn đề tái sử dụng nước thải sau xử lý. Ở cấp vi mô, vấn đề tái sử dụng nước thải đối với các dự án đầu tư chưa được nhìn nhận, xem xét ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế hoặc thẩm định dự án.
Thời gian qua, ở Việt nam việc tái sử dụng nước thải sau khi xử lý đã được quan tâm và khuyến khích trong các văn bản luật, nghị định. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành về tái sử dụng nước thải về cơ bản vẫn dừng ở nguyên tắc chung, chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng thực hiện việc tái sử dụng nước thải và các cơ quan quản lý địa phương quản lý hoạt động tái sử dụng nước thải trên thực tế. Đối với vấn đề tái sử dụng nước thải ở các doanh nghiệp, nhà máy và khu công nghiệp, việc xây dựng, ban hành một quy chuẩn, hướng dẫn chung cho các đối tượng trên là rất khó khăn do tính chất đặc thù của các loại hình sản xuất kéo theo tính chất nước thải phát sinh từ các loại hình sản xuất là khác nhau và rất phức tạp. Nguyên nhân căn bản của hiện trạng này là do nước đã qua sử dụng hiện nay chưa được công nhận là một nguồn tài nguyên và chưa được đưa vào xem xét trong Luật tài nguyên nước.
PGS.TS Hoàng Thu Hương nhấn mạnh: “Tái sử dụng nước thải mang lại lợi ích không những cho các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp mà còn có tác động rất tốt đến môi trường. Tuy nhiên, các giải pháp tuần hoàn tái sử dụng nước, đặc biệt là trong công nghiệp cần phải được thực hiện đúng cách và có kiểm soát. Cần triển khai và hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp tăng cường tái sử dụng nước thải sau xử lý. Các thủ tục kỹ thuật, chính sách và pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của việc tái sử dụng nước thải sau xử lý. Do đó, cần có các chính sách hợp lý khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng nước tái sinh cho các đối tượng sử dụng nhiều nước. Trong bối cảnh an ninh nguồn nước ở Việt Nam đã bắt đầu bị đe dọa và Luật tài nguyên nước cần được sửa đổi cho phù hợp, việc cân nhắc xem xét coi nước đã qua sử dụng là một nguồn tài nguyên là yêu cầu cần thiết trong việc khuyến khích việc tái sử dụng nước trong công nghiệp”.
11h10:6 nguyên tắc đánh giá sức chịu tải của nguồn nước
TS.Nguyễn Thiện Cường, Phó trưởng Khoa Môi trường (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Luật Tài nguyên nước đã được ban hành nhiều năm qua, tuy nhiên chưa đề cập đến vấn đề sức tải môi trường, mà nó chỉ được nhắc đến trong các Thông tư của Bộ TN&MT. Sự phát triển các khu đô thị tạo ra nguồn nước thải lớn, dù đã có nhiều đầu tư xử lý nhưng chỉ xử lý đc rác thải từ nguồn dân cư. Còn nước thải từ nguồn thải khác khi phát sinh đều đổ ra sông hồ. Chính vì vậy, ao hồ chịu áp lực lớn từ sự phát triển hiện nay.
Sức chịu tải môi trường được định nghĩa là “giới hạn cho phép của môi trường có thể chấp nhận và hấp thụ các tác động lên môi trường và các chất gây ô nhiễm mà không làm ảnh hưởng đến tiêu chuẩn chất lượng môi trường, môi trường vẫn đáp ứng được các yêu cầu chất lượng cho những mục đích phục vụ sản xuất và đời sống.
Hiện nay, sức chịu tải môi trường căn cứ theo các quy định sau:
-Theo Luật BVMT số 72/2020/QH14: Sức chịu tải của môi trường là giới hạn chịu đựng của môi trường đối với các nhân tố tác động để môi trường có thể tự phục hồi.
-Theo Thông tư 76/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 Quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông hồ và TT02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của BTNMT: sức chịu tải của nguồn nước được hiểu là khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước dựa trên các mục đích sử dụng nước
-Theo Quyết định 154/QĐ-TCMT ngày 15/2/2019 Hướng dẫn kỹ thuật tính toán sức chịu tải nguồn nước sông: Sức chịu tải là tải lượng ô nhiễm lớn nhất của từng thông số ô nhiễm được đưa vào nguồn nước mà chất lượng nước vẫn đạt quy chuẩn theo mục đích sử dụng nước đã được xác định.
6 nguyên tắc đánh giá sức chịu tải của nguồn nước của nguồn nước:
-Phải đảm bảo tính hệ thống theo lưu vực
-Đối với nguồn nước là song phải được phân thành từng đoạn sông để đánh giá.
-Đảm bảo tính hệ thống trong phân đoạn sông, xác định mục đích sử dụng nước, phương pháp xác định lưu lượng dòng chảy, thông số chất lượng nước (nước thải và nước mặt nguồn tiếp nhận), thông số ô nhiễm của nguồn thải để đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải đối với từng đoạn sông phải bảo đảm tính hệ thống theo từng sông, hệ thống sông.
-Việc đánh giá sức chịu tải được thực hiện đối với từng thông số ô nhiễm.
-Phải dựa trên đặc điểm mục đích sử dụng, khả năng tự làm sạch của nguồn nước, quy mô và tính chất của các nguồn nước thải hiện tại và theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội
-Mục đích sử dụng nước của thủy vực: Căn cứ quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp đoạn sông, hồ có nhiều mục đích sử dụng nước thì lựa chọn mục đích sử dụng nước có yêu cầu về chất lượng nước cao nhất
10h40: 80 nhà máy xử lý nước thải tập trung đang được xây dựng, nâng cấp.
10h15: 10 điểm mới của Luật Tài nguyên nước
Thạc sỹ Nguyễn Thị Phương, Phó trưởng phòng Lưu vực sông Hồng - Thái Bình (Cục quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã trình bày tại hội thảo 10 điểm mới của Luật Tài nguyên nước.
-Phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước. Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực.
-Bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia
-Đẩy mạnh xã hội hoá theo hướng những việc gì doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư của nhà nước.
-Quy định rõ các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước; làm rõ các hoạt động ưu tiên xã hội hoá, chính sách xã hội hoá trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước. Với quan điểm là phát triển kinh tế gắn liền với việc ’’đầu tư lại’’ trong công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, cải tạo cảnh quan, bảo tồn giá trị của hệ sinh thái liên quan đến nước.
-Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế.
-Bổ sung quy định về đối tượng và nội dung về thu trữ nước mưa.
-Bổ sung, cập nhật quy định theo hướng kiểm soát toàn diện các hoạt động có ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước, ổn định lòng, bờ, bãi sông
-Phân vùng chức năng nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất; trách nhiệm giám sát và kết nối dữ liệu giám sát của tổ chức, cá nhân.
-Xác định các vùng, tiểu lưu vực, nguồn nước phải lập kế hoạch chi tiết sử dụng nước
-Quy định trách nhiệm của Bộ TNMT, các Bộ, ngành địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện xây dựng kịch bản ứng phó, điều hoà, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước. Các nội dung khác: Hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước; bảo vệ nước dưới đất; các loại hình công trình khai thác, công trình sử dụng nước phải có giấy phép; bổ sung nhân tạo nước dưới đất; Phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; Bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ
09h45: Nước là yếu tố cốt lõi
TS. Bùi Đức Hiếu, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trình bày bài tham luận An ninh nước. Theo đó, thuật ngữ an ninh nước - “water security” - được bắt đầu sử dụng từ những năm 1990 bởi hai nhà khoa học Cook & Bakker. Khái niệm “an ninh nước” đã được hiểu và tiếp cận theo nhiều ý nghĩa, khía cạnh khác nhau;
đa lĩnh vực, đa ngành; đa dạng cả về quy mô tiếp cận tại Diễn đàn Nước thế giới lần 2.
TS. Bùi Đức Hiếu dẫn chứng, Ủy ban về Nước Liên hiệp quốc, 2013 định nghĩa: “An ninh nước là khả năng người dân có thể được đảm bảo bền vững trong tiếp cận đủ lượng nước với chất lượng có thể chấp nhận được để duy trì sinh kế, đời sống con người và phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo việc bảo vệ chống lại ô nhiễm nguồn nước và các thảm họa liên quan đến nước; để bảo tồn các hệ sinh thái trong môi trường hòa bình và ổn định chính trị”.
Trong khi đó, Tổ chức Cộng tác vì Nước toàn cầu (GWP) năm 2000 định nghĩa, “An ninh nước - ở bất kỳ cấp độ nào từ hộ gia đình đến toàn cầu - là việc bảo đảm khả năng tiếp cận đủ nguồn nước an toàn với chi phí hợp lý cho mọi người để có một cuộc sống khoẻ mạnh, hiệu quả trong khi vẫn bảo đảm rằng môi trường tự nhiên được bảo vệ và phát triển”.
Ngân hàng Thế giới (WorldBank), 2008 định nghĩa: “An ninh nước là sự sẵn có về mặt số lượng và chất lượng nước có thể chấp nhận được cho sức khỏe, sinh kế, hệ sinh thái và sản xuất; đi liền với mức độ có thể chấp nhận được của các rủi ro liên quan đến nước đối với con người, môi trường và nền kinh tế”.
Tại Việt Nam, cụm từ “an ninh nguồn nước” lần đầu tiên đã được nêu tại Đại hội Đảng XIII và thể hiện rõ trong các Văn kiện Đại hội, công nhận an ninh nước là một vấn đề quan trọng của quốc gia, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, người dân.
"Tại Việt Nam có nhiều khái niệm về an ninh nước từ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, nội hàm các khái niệm không khác nhau: Nước là yếu tố cốt lõi; cân bằng quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước; quản trị nước toàn diện cả thể chế, chính sách, quản lý tài nguyên nước lẫn các dịch vụ về nước; bảo đảm nước cấp cho sinh hoạt, cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội và cho hệ sinh thái, môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống, giảm thiểu tác hại do nước gây ra...", TS.Bùi Đức Hiếu khẳng định.
09h15: Mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước rất khả thi
PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trình bày bài tham luận: QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC THEO LƯU VỰC – VẤN ĐỀ CÒN NHIỀU BẤT CẬP
Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra:
Việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính.
Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng nước; giữa nước mặt và nước dưới đất; nước trên đất liền và nước vùng cửa sông, nội thủy, lãnh hải; giữa thượng lưu và hạ lưu,
Việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải tuân theo chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt; 4. Bảo vệ tài nguyên nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và phải lấy phòng ngừa là chính.
Khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải tiết kiệm, an toàn, có hiệu quả; bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, công bằng, hợp lý,
Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải có kế hoạch và biện pháp chủ động; bảo đảm kết hợp hài hòa lợi ích của cả nước, các vùng, ngành; Các dự án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phải gắn với khả năng nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước;
Bảo đảm chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, đối với các nguồn nước liên quốc gia.
PGS.TS Lưu Đức Hải dẫn chứng mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ theo lưu vực Vườn quốc gia Ba Vì, ứng dụng tại thông Dy, Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội: Cộng đồng là tất cả tập thể, cá nhân cùng sinh sống và hoạt trong một phạm vi không gian và trong khoảng thời gian; Không ai hiểu hơn cộng đồng về đặc điểm môi trường của nơi mình sống; Không ai có lợi ích và chịu thiệt hại hơn cộng đồng khi chất lượng môi trường sống của mình vi phạm; Mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước là phương pháp khả thi, hiệu quả và rẻ tiền.
PGS.TS Lưu Đức Hải đưa ra 5 kiến nghị:
1.Quản lý lưu vực: Quản lý nguồn thải có thể ảnh hưởng tới chất lượng nước và các hành vi có tác động tới dòng chảy trong phạm vi lưu vực; bao gồm thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quan trắc, kiểm soát và sử dụng nước.
2.Luật Tài nguyên nước 2012 đưa ra nguyên tắc quản lý tài nguyên nước trên các dòng sông, nhưng còn có nhiều bất cập trong quản lý nguồn nước theo lưu vực.
3.Cần có cách tiếp cận và giải pháp đưa quản lý nguồn nước theo lưu vực phù hợp trong giai đoạn BĐKH và tăng nhu cầu sử dụng nước.
4.Nghiên cứu điển hình đã được chúng tôi thực hiện tại thôn Dy xã Minh Quang với sự tài trợ của Quỹ USAID thông qua Trung tâm Môi trường và Cộng đồng cho thấy hiệu quả và sự ủng hộ của gần 1.000 dân thôn Dy.
5.Mô hình Cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước là giải pháp khả thi, hiệu quả và rẻ tiền trong quản lý và bảo vệ nguồn nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
09h00: Hội thảo bắt đầu
PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhấn mạnh: Vấn đề tài nguyên nước liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, liên quan đến đời sống xã hội. Chính vì thế, đây là một vấn đề hết sức quan trọng. Hội thảo Một số vấn đề quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay này cố gắng đưa ra các ý kiến của các nhà khoa học về vấn đề tài nguyên nước. Các ý kiến của buổi hội thảo này sẽ được tập hợp gửi đến ban soạn thảo Luật Tài nguyên nước.
Cũng xin nói thêm, Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án Chung tay Hành động bảo vệ nguồn nước (CAWACON) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, VIASEE và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đồng tổ chức.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Chung tay Hành động bảo vệ nguồn nước (CAWACON) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Hội thảo có sự tham gia của cơ quan soạn thảo, các cơ quan quản lý về tài nguyên, các hội khoa học chuyên ngành liên quan đến tài nguyên nước, các viện nghiên cứu và trường đại học và đặc biệt là các nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, sử dụng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tài nguyên nước.
Tại hội thảo ông Bùi Đức Hiếu, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên Môi trường; bà Nguyễn Thị Phương, Cục quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường; PGS. TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu); GS. TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường; PGS.TS Hoàng Thu Hương, Viện Khoa học Công nghệ Môi trường; TS. Trần Thiện Cường, Phó trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học tài nguyên Môi trường sẽ có bài tham luận đóng góp ý kiến.
Về phía Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam có sự tham gia của PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
Về phía Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) có sự tham dự của ông Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc CECR; bà Đặng Thuỳ Trang, Phó Giám đốc CECR. Ngoài ra, còn có sự tham dự của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Hội thảo sẽ diễn ra vào lúc 08h00, ngày 02 tháng 12 năm 2022 tại Hội trường tầng 3, Cung Trí thức (Số 1 Tôn Thất Thuyết, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP.Hà Nội)
Kết quả nghiên cứu và ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được báo cáo, kiến nghị với Ban soạn thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Link hội thảo:https://www.facebook.com/watch/live/?extid=CL-UNK-UNK-UNK-AN_GK0T-GK1C&mibextid=cobsDW&ref=watch_permalink&v=660199255558633
Nhóm PV