Thứ năm, 21/11/2024 16:42 (GMT+7)
Thứ năm, 31/10/2024 07:56 (GMT+7)

Cần có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh ở Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Tính đến đầu năm nay, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ của cả nền kinh tế nước ta.

Hiện nay, các vấn đề về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang trở thành mối lo ngại của toàn thế giới, tín dụng xanh nổi lên như một giải pháp tài chính nhằm thúc đẩy các dự án thân thiện với môi trường.

Cần có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh ở Việt Nam - Ảnh 1
Dự báo nhu cầu về tín dụng xanh sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khi các vấn đề về môi trường ngày càng được chú trọng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Một số chuyên gia cho biết, tín dụng xanh là hình thức cung cấp vốn cho các dự án, doanh nghiệp hoặc hoạt động có lợi cho môi trường, chẳng hạn như năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, và xử lý chất thải.

Tín dụng xanh đồng nghĩa với các khoản vay xanh dùng để tài trợ hoặc tái tài trợ một phần hoặc toàn bộ các dự án xanh. Các khoản vay xanh có thể là các khoản vay có kỳ hạn hoặc các khoản vay tuần hoàn. Các khoản cấp tín dụng xanh sẽ đi kèm các ưu đãi về lãi suất, ưu đãi thuế và các điều kiện công bố thông tin về môi trường và được áp dụng theo hoàn cảnh cụ thể.

Tại nước ta, trong những năm gần đây hoạt động tín dụng xanh cũng đã được triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.

Theo thống kê sơ bộ, tính tới đầu năm nay, dư nợ tín dụng xanh ước đạt 500 nghìn tỷ đồng chiếm khoàng 4,5% tổng dư nợ của cả nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, có 43/49 ngân hàng thương mại tham gia cấp tín dụng xanh tính đến ngày 30/9/2023 với số dư nợ tương đương 22,56 tỷ USD.

Mặc dù trong những năm gần đây sự phát triển của thị trường tín dụng xanh tại Việt Nam đã có những bước khởi động tích cực do nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các cơ quan ban, ngành, tổ chức tài chính quốc tế... Tuy vậy, theo các chuyên gia tài chính quá trình phát triển hoạt động tín dụng xanh vẫn còn một số rào cản nhất định.

Trong đó, các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất để có thể áp dụng chung trên cả nước; các chính sách hỗ trợ phát triển tín dụng xanh giai đoạn vừa qua chưa giải quyết được vấn đề nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại thực hiện tín dụng xanh; nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế...

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng để thúc đẩy tín dụng xanh tại nước ta, cần có một định nghĩa rõ ràng về môi trường xanh, từ đó việc định lượng này cần có tiêu chí rõ ràng. Bên cạnh đó, nên có một cơ quan để định lượng các tiêu chí này. Hiện tại vẫn thiếu những cơ quan có khả năng lượng hóa việc cải tạo môi trường để đo lường hiệu quả của dự án. Đây là yếu tố cơ bản nhất để hỗ trợ tín dụng xanh, tức là phải đo lường được kết quả của việc cải tạo môi trường.

Cũng theo chuyên gia này, cần đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức về tín dụng xanh cho các doanh nghiệp và ngân hàng thông qua các hội thảo, khóa đào tạo, và chương trình truyền thông. Bản thân doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế và các trường đại học hàng đầu để tiếp cận được các công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy tín dụng xanh, cần có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ (giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn xanh).

Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Cần có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.