Thứ ba, 19/03/2024 15:55 (GMT+7)
Thứ sáu, 03/12/2021 15:00 (GMT+7)

Cảm nhận về thỏa thuận đạt được của COP26

Theo dõi KTMT trên

COP là nơi họp chính thức của các bên tham gia Công ước khung LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhằm đánh giá quá trình đương đầu với biến đổi khí hậu.

Trong gần ba thập kỷ (tính đến 2021), hàng năm Liên Hợp Quốc (LHQ) đã tập hợp hầu hết các quốc gia trên trái đất tham gia các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu - được gọi là COP - viết tắt của 'Conference of the Parties - Hội nghị các bên'. Cũng trong thời gian này, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã từ một vấn đề ngoài lề trở thành một ưu tiên toàn cầu. COP cũng là nơi họp chính thức của các bên tham gia Công ước khung LHQ về BĐKH (UNFCCC) nhằm đánh giá quá trình đương đầu với BĐKH.

Do năm 2020 không tổ chức được vì dịch Covid-19 nên COP26 chuyển sang năm 2021, tổ chức tại thành phố Glasgow của Scotland từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 12 tháng 11 năm 2021.

COP26 diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, khi mà đại dịch Covid-19 vẫn diễn ra khá phức tạp trên phạm vi toàn thế giới, con số người mắc, con số thương vong vẫn được thông báo hàng ngày khiến con người bất an. Tuy nhiên, COP26 vẫn có những sức nóng đủ lớn để thu hút sự quan tâm của toàn nhân loại.

BĐKH rõ ràng đã được xếp vào loại vấn đề mang tính toàn cầu và nó đang đe dọa sự tồn vong của cả nhân loại, hoặc ít ra là của cư dân nhiều vùng trên Trái đất. Thế nhưng, hiểu hết về BĐKH không dễ, từ nguyên nhân, những biểu hiện, những hệ quả, hậu quả và khả năng con người có thể khống chế, có thể giảm nhẹ tác động, hậu quả của nó hay không vẫn còn có những nhận thức khác nhau.

Đơn cử như Chính quyền Mỹ (nước giàu mạnh nhất thế giới), đứng đầu là Tổng thống Donald Trump suy nghĩ gì mà lại rút khỏi Hiệp định Paris về khí hậu, một thỏa thuận toàn cầu lịch sử được ký kết năm 2015 nhằm ứng phó với BĐKH (cho dù vẫn cam kết sẽ giảm lượng thải khí nhà kính của mình).

Cảm nhận về thỏa thuận đạt được của COP26 - Ảnh 1
BĐKH rõ ràng được xếp vào loại vấn đề mang tính toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Một số người đứng đầu nhà nước cũng chưa thật sự đưa quốc gia mình vào cuộc chiến này, có lẽ vấn đề này không chỉ của riêng quốc gia nào và vì lợi ích riêng mà chần chừ, đợi ai đó, đợi quốc gia khác tham gia trước.

Đến nỗi một cô bé (vào lúc nổi tiếng mới 15 tuổi - năm 2018, học lớp 9), Greta Tintin Eleonora Ernman Thunberg, người Thụy Điển cảm thấy bức xúc vì mọi người “có vẻ” thờ ơ với vấn đề BĐKH, đặc biệt là những nhà lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế. Cô đã có những hành động rất táo bạo, ban đầu là một mình bãi khóa vì khí hậu, sau đó là những bài viết tranh luận với nhiều người về BĐKH, yêu cầu một số nguyên thủ quốc gia công khai nói về chính sách ứng phó BĐKH, diễn thuyết tại Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc 2018,...

Cho đến nay cô vẫn tiếp tục đại diện cho thế hệ rất trẻ của mình yêu cầu phải có hành động tích cực hơn nữa ứng phó với BĐKH, giảm thiểu tác động của BĐKH trên toàn thế giới.

Có thể lý giải ứng xử của nhiều người, kể cả lãnh đạo quốc gia có nhiều điểm khác nhau trong việc đánh giá thực trạng, khả năng tác động của BĐKH trong tương lai theo các nguyên nhân sau:

1. Chưa thật sự tin tưởng vào dự báo về diễn biến của BĐKH trong tương lai, đặc biệt là sự nóng lên toàn cầu, sự nâng lên của mực nước biển.

2. Hiện vẫn có sự chênh lệch rất lớn về tình trạng phát thải khí nhà kính giữa các quốc gia, đặc biệt giữa các nước phát triển (giàu có) và nước đang phát triển (còn nghèo khó).

3. Tham gia vào các Hiệp định về ứng phó BĐKH phải trả giá, phải đánh đổi nhiều lợi ích trước mắt mà một số người chưa muốn từ bỏ.

4. Vẫn còn nhiều người, nhiều tổ chức còn thờ ơ, coi đó không phải việc của mình.

Đáng lẽ những nguyên nhân này cần lý giải kỹ hơn nhưng do khuôn khổ hạn chế nên chúng tôi chỉ nêu để thấy tính phức tạp của vấn đề và trân trọng những thỏa thuận đã đạt được trong COP26 để góp phần giải quyết vấn đề ứng phó với BĐKH.

Những điều thỏa thuận trong COP26 đã được trình bày trong văn bản Hội nghị và được nhiều tờ báo đăng tải, bình luận.

Ngay cả khi Hội nghị chưa họp, ngày 27/9/2021, Tạp chí Môi trường online đã đăng bài “ Những điều cần biết về hội nghị biến đổi khí hậu COP26” dẫn lời ông Alok Sharma - thành viên Quốc hội Anh và Chủ tịch COP26 - nói rằng, ông muốn Hội nghị năm nay đạt được thỏa thuận về một số mục tiêu chính, bao gồm:

- Giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ C: Đây là mục tiêu mà một số quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch đã chống lại.

- Đặt ngày chấm dứt việc sử dụng điện than "không suy giảm": Thuật ngữ điện than "không suy giảm" ám chỉ việc sử dụng than phát điện mà không có bất kỳ công nghệ nào để làm giảm đáng kể lượng khí thải CO2 của nó.

- Cung cấp 100 tỉ USD tài trợ khí hậu hàng năm: Các quốc gia giàu có đã đồng ý với mục tiêu này, để giúp các nước đang phát triển giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với các tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu.

- Gia tăng doanh số các loại ôtô không phát thải (ví dụ như ôtô điện).

- Chấm dứt nạn phá rừng vào cuối thập kỷ này, vì rừng đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ carbon khỏi khí quyển.

- Giảm lượng khí thải từ methane - một loại khí có sức làm nóng gấp 80 lần so với carbon dioxide.

Còn sau khi bế mạc hội nghị đã có nhiều báo trong nước và quốc tế đăng tải những gì đã được thỏa thuận trong văn bản: Hiệp ước Khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact) với những bình luận, cả tích cực lẫn tiêu cực. Có thể nêu tóm tắt nhứng thỏa thuận chính đã đạt được như sau:

Để hạn chế tăng nhiệt độ Trái đất chỉ thêm 1,5 độ C, và tránh tác động xấu nhất của quá trình đó, thế giới cần cắt giảm mạnh khí thải, gồm mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050.

Năng lượng/điện từ than mà khi đốt không có công nghệ giữ lại CO2, gọi là "unabated coal power" cần được giảm dần (phase down).

Thừa nhận nhu cầu chuyển đổi có hỗ trợ - theo yêu cầu của các nước đang phát triển, vì họ cần năng lượng để phát triển kinh tế.

Sang năm 2022, các nước phải "xem lại, làm mạnh hơn" mục tiêu cắt CO2vào năm 2030.

Các quốc gia phát triển phải tăng ít nhất là gấp đôi quỹ trợ giúp các nước đang phát triển để họ ứng phó với BĐKH, từ mức độ cam kết của năm 2019, tới năm 2025.

Rõ ràng, một số mong muốn của ngài Chủ tịch COP26 chưa được cụ thể hóa trong các thỏa thuận đạt được sau khi COP26 bế mạc.

Một tờ báo còn chỉ ra những khó khăn trong quá trình đạt được thỏa thuận chẳng hạn, ban đầu dùng từ "xóa bỏ dần than" (coal phase-out) sau đó bị sửa cho nhẹ đi, thành "giảm dần than" (coal phase-down) vì một số quốc gia không đồng ý.

Cách nhìn nhận kết quả COP26 phụ thuộc rất nhiều về quan điểm, tầm hiểu biết và mong muốn của mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia. Một bài báo đã dẫn lời nhà đấu tranh vì môi trường trẻ tuổi Thunberg của Thụy Điển trong buổi tuần hành ở Glasgow rằng "Không có gì bí mật khi COP26 là một thất bại. Không thể giải quyết một cuộc khủng hoảng bằng chính những phương pháp đã đưa chúng ta vào khủng hoảng ngay từ đầu". Tôi có cảm tưởng nhiều người còn nghi ngại về khả năng đưa thỏa thuận vào thực tiễn, nghi ngại những mục tiêu có thể đạt được như mong muốn hay không.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người đánh giá cao những gì đã thỏa thuận được trong Hội nghị thượng đỉnh quan trọng này. Vấn đề đặt ra cho những người có trách nhiệm điều hành Liên Hợp Quốc, lãnh đạo các quốc gia, các nhà khoa học phải cụ thể hóa, lập được kế hoạch hành động chi tiết, có phương pháp thực hiện cụ thể, hiệu quả và có cơ chế đánh giá, kiểm soát tốt thì mới có thể thực hiện được các thỏa thuận đã đạt được của COP26.

Về phía Việt Nam, phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính với những cam kết cụ thể đã được dư luận hoan nghênh, được nhiều bình luận tích cực của các chính trị gia, các nhà khoa học, học giả, nhà báo có tiếng tăm trên thế giới và ở Việt Nam. Thật ra, phát biểu của Thủ tướng không dài nhưng cho thấy rõ những điểm sau:

Việt Nam nhận thức được BĐKH là thách thức lớn nhất của toàn nhân loại, là vấn đề toàn cầu và có thể tác động rất lớn đến sự phát triển, thậm chí “đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư”.

Việt Nam đề nghị phải ưu tiên, phải đưa thích ứng với BĐKH vào chính sách phát triển và nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ và nguồn lực tài chính trong ứng phó, giảm thiểu tác động của BĐKH.

Giảm phát thải khí nhà kính phải tính đến tính đặc thù và năng lực mỗi quốc gia và đảm bảo “có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu”.

Việt Nam có thể giảm phát thải khí nhà kính thông qua sử dụng lợi thế về năng lượng tái tạo và tận dụng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm “đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

Việt Nam đánh giá cao vai trò của “tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực” trong ứng phó BĐKH và mong muốn “các quốc gia phát triển đã phát thải nhiều trong quá khứ để đạt được sự thịnh vượng kinh tế ngày nay” phải có nghĩa vụ thực hiện cam kết tài chính của mình.

Đặc biệt, đánh giá cao vai trò của hợp tác giữa các quốc gia, các bên trong nỗ lực ứng phó với BĐKH để phát triển kinh tế, Thủ tướng đã dẫn lời nói của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” để chứng minh.

Vậy là, COP26 đã bế mạc với những cảm nhận, đánh giá khác nhau về kết quả, thỏa thuận đã đạt được nhưng vấn đề còn ở phía trước nên phải có cách tiếp cận ngay từ bây giờ thì mới có thể biến kỳ vọng ngăn chặn tác động và ứng phó tốt với BĐKH trở thành hiện thực.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Trưởng ban Khoa học VIASEE

Bạn đang đọc bài viết Cảm nhận về thỏa thuận đạt được của COP26. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Quảng Nam: Thu hút hơn 20.000 tỉ đồng đầu tư 16 dự án
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Quảng Nam đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thoả thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư cho các nhà đầu tư của 16 dự án.