Thứ năm, 28/03/2024 21:15 (GMT+7)
Thứ hai, 24/01/2022 16:55 (GMT+7)

Các địa phương phát huy tinh thần quản lý môi trường dựa vào cộng đồng

Theo dõi KTMT trên

Bảo vệ môi trường cũng là công việc cần sự đồng lòng của cá nhân dân nói chung mà không phải trách nhiệm riêng một cá nhân hay tổ chức nào. Thời gian qua những mô hình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng đã được áp dụng và đem lại hiệu quả thiết thực.

Hoàn Kiếm - Hà Nội: Nhân lên những dự án môi trường dựa vào cộng đồng

Từ một điểm đen nhức nhối về môi trường với hàng tấn rác thải, nước thải xả trực tiếp ra sông Hồng, đến nay tại đây đã hình thành lên tuyến đường sạch đẹp với không gian của vườn cây xanh và nhiều loài hoa rực rỡ sắc màu. Đây là thành quả của mô hình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng.

Những ngày đầu triển khai Dự án cải tạo môi trường Bờ vở sông Hồng đã nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng dân cư, sự vào cuộc tích cực của các ban ngành, đoàn thể. Trong đó, các tầng lớp nhân dân đã hưởng ứng lời kêu gọi vì một môi trường xanh phát triển bền vững của quận Hoàn Kiếm tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom rác thải tồn đọng.

Các địa phương phát huy tinh thần quản lý môi trường dựa vào cộng đồng - Ảnh 1
Dự án nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Ông Ngô Như Ý – Tổ trưởng tổ dân phố số 5, khu dân cư Bạch Đằng 1 cho biết: Chỉ ba tháng trước đây, nơi này vẫn là một bãi đất bị bỏ hoang, ô nhiễm môi trường, bốc mùi khó chịu, cây cối mọc um tùm. Nhưng hiện nay nơi đây đã là địa chỉ xanh để người dân sinh sống trong khu dân cư, tổ dân phố đến thăm quan, vui chơi giải trí, tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khoẻ. 

Theo ông Ý, quá trình thực hiện dự án vì môi trường này đã nhận được sự hỗ trợ cả về vật chất và nhân lực của mạng lưới 'Vì một Hà Nội đáng sống'. 
Anh Quân – Phó chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Thực hiện Đề án số 14/ĐA-QU của Quận ủy Hoàn Kiếm về “Nâng cao chất lượng môi trường đô thị”, UBND quận đã chỉ đạo các Phòng, ban ngành; Urenco Hà Nội, Urenco Hoàn Kiếm, đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các Tổ trưởng, Trưởng ban công tác mặt trận và nhân dân thuộc 2 tổ dân phố số 5, số 6 của khu dân cư Bạch Đằng triển khai dự án quản lý môi trường dựa vào cộng đồng.

Dự án góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác giữ gìn bảo vệ môi trường; địa bàn dân cư sạch sẽ, rác thải được thu gom, nước thải được xử lý; cộng đồng có không gian xanh, cải thiện chất lượng cuộc sống, chống lấn chiếm xung quanh khu vực Bờ vở sông Hồng.

Để phát huy hiệu quả của mô hình, quận đã bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý, duy tu, duy trì. Cùng với đó các đoàn thể cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của mỗi người dân phải là một thành viên tham gia vào dự án bằng tình cảm, chăm sóc từng ngọn cỏ, gốc cây, giữ gìn vệ sinh môi trường để tạo môi trường trong sạch cho người dân trên địa bàn.

Mô hình hợp tác xã nước sạch và vệ sinh môi trường ở Bắc Giang

Năm 1998, hợp tác xã nước sạch và vệ sinh môi trường (ở Hiệp Hòa – Bắc Giang) được thành lập và hoạt động mô hình hợp tác xã (HTX) cổ phần trên cơ sở Luật HTX. Ban đầu, HTX có 15 thành viên với 10 lao động hoạt động tập trung vào hai vấn đề bức xúc nhất của địa phương là nước sạch và vệ sinh môi trường, lấy hiệu quả công việc để các cấp lãnh đạo và nhân dân ghi nhận, tự giác tham gia ủng hộ phong trào.

Các địa phương phát huy tinh thần quản lý môi trường dựa vào cộng đồng - Ảnh 2
Mô hình hợp tác xã nước sạch và vệ sinh môi trường ở Bắc Giang. (Ảnh minh họa)

Số vốn ban đầu của HTX là 30 triệu đồng (mỗi thành viên đóng góp 2 triệu); và nguồn thu hàng tháng là từ lệ phí vệ sinh môi trường của các hộ dân, và phí cung cấp nước sạch.

Với số vốn ít ỏi, HTX đã áp dụng những biện pháp giảm chi phí, chủ nhiệm HTX cho mượn nhà làm trụ sở, các phương tiện làm việc, liên lạc và một xe ôtô chở rác thải; tiền lương, lãi cổ phần, xã viên tự nguyện đóng góp thêm vào để tạo điều kiện cho HTX mua sắm trang thiết bị.

Mô hình HTX nước sạch và vệ sinh môi trường Hiệp Hoà đã được duy trì, đứng vững và trưởng thành từ năm 1998 đến nay, luôn được nhân dân nhiệt tình đóng góp và ủng hộ.

Và người chủ nhiệm HTX - ông Nguyễn Minh Châu đã được nhận giải thưởng môi trường là sự ghi nhận của Bộ Tài Nguyên&Môi trường với những nỗ lực của bản thân ông Châu và HTX Hiệp Hoà.

Mô hình hương ước bảo vệ môi trường ở Thừa Thiên - Huế

Hương ước môi trường làng Chiết Bi – Thủy Tân – Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) là một sáng kiến của ba vị trưởng họ trong làng được đề xuất khi thảo luận xây dựng làng văn hoá mới.

Triết lý của họ là trở thành làng văn hoá mới là một quá trình lâu dài, phải biến đổi nhiều khâu, trong khi nguồn lực hạn chế nên phải chọn khâu then chốt nhất, có tính đột phá - đó là giải quyết các vấn đề môi trường - triết lý "có thể sạch trước khi giàu".

Các địa phương phát huy tinh thần quản lý môi trường dựa vào cộng đồng - Ảnh 3
Mô hình hương ước bảo vệ môi trường ở Thừa Thiên - Huế. (Ảnh minh họa)

Với sự giúp đỡ của Quỹ Môi trường Sida Thuỵ Điển, đội tình nguyện xanh của xã đã đứng ra làm chủ dự án bảo vệ môi trường. Một nửa số tiền được dùng để đầu tư xây dựng giếng khoan theo hình thức "dùng tiền dự án để nuôi dự án".

Có nghĩa là đầu tư tiền cho các hộ dân để khoan giếng, xây bể lọc, và hàng tháng hộ dân đó trả dần vốn đầu tư cho ban quản lý dự án. Các trưởng họ trong làng họp lại với nhau và quyết định gia đình nào sẽ được nhận giếng khoan, bể lọc trong khi vốn của dự án vẫn được bảo toàn.
Phần tiền còn lại của dự án được sử dụng trong việc tập huấn tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường trong nhân dân, xây dựng hương ước bảo vệ môi trường làng Chiết Bi.

Bản hương ước được 12 trưởng họ thống nhất xây dựng với các nội dung, việc làm cụ thể trong đời sống hàng ngày của người dân góp phần bảo vệ và gìn giữ môi trường trong lành. Bản hương ước đã động viện được toàn thể nhân dân trong làng tham gia thi đua với tinh thần nhà nhà thi đua, người người thi đua, họ họ thi đua gìn giữ xóm làng sạch đẹp, xanh tươi. 

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Các địa phương phát huy tinh thần quản lý môi trường dựa vào cộng đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.