Các địa phương, doanh nghiệp tự xây dựng '3 tại chỗ' phù hợp
Nhiều doanh nghiệp "than khó" khi áp dụng giải pháp "3 tại chỗ". Ngày 12/8, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các tỉnh, doanh nghiệp tự xây dựng phương án sản xuất và phòng chống dịch Covid-19.
Khi làn sóng dịch Covid-19 bùng phát ở TP.Hồ Chí Minh, lan rộng 19 tỉnh, thành phía Nam, bài học kinh nghiệm từ Bắc Giang và Bắc Ninh đã được áp dụng. Tuy nhiên, giữa các khu vực, ngành nghề sản xuất có sự khác biệt khá lớn, nên việc áp dụng chung một mô hình dường như không hợp lý, thậm chí còn đẩy doanh nghiệp vào thế khó hơn.
Do vậy, để các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sản xuất kinh doanh, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn các đơn vị tự xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống dịch phù hợp tình hình dịch tại địa phương.
UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch và triển khai phòng, chống dịch tại các đơn vị, tránh chồng chéo để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, đảm bảo hỗ trợ các đơn vị trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trao đổi Kinh tế Môi trường, TS Lê Duy Bình - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, ông rất ủng hộ quyết định này của Bộ Y tế.
Theo TS Lê Duy Bình, giải pháp “3 tại chỗ” chỉ có tính chất tạm thời và được áp dụng trong phạm vi hẹp, trong khi chi phí áp dụng quá cao. Nếu kéo dài thời gian thực hiện 2 - 3 tuần, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không đủ sức chịu đựng. Các doanh nghiệp lớn hơn có thể gắng duy trì được 4 - 5 tuần, nhưng tâm lý người lao động bị ảnh hưởng lớn do phải ở một chỗ lâu ngày.
Đáng bàn là, sau thời gian thực hiện "3 tại chỗ", nhiều doanh nghiệp vẫn xuất hiện F0 tại khu cách ly. Do đó, từng doanh nghiệp và từng địa phương cần có từng biện pháp riêng, phù hợp. Theo đó, doanh nghiệp có thể chủ động trong sản xuất, phòng chống dịch, giảm tải chi phí và giúp người lao động yên tâm sản xuất.
“Thực tế, dịch Covid-19 đã được khống chế kịp thời ở Bắc Giang và Bắc Ninh, với chủ yếu các doanh nghiệp ngành điện tử, hỗ trợ ngành điện tử. Nên việc áp dụng 3 tại chỗ ở đây trong ngắn hạn có rất nhiều ý nghĩa và hiệu quả tích cực. Nhưng một giải pháp áp dụng thành công ở 1 vài địa phương không có nghĩa đó là công thức chung thích hợp cho tất cả các ngành sản xuất và áp dụng trên diện rộng”, TS Lê Duy Bình nhận định.
Tuấn Thủy