Môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy: Tăng đầu tư, kiên quyết nói không với các dự án gây ô nhiễm
Sau 12 năm thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, chất lượng nước hai con sông có xu hướng giảm gia tăng ô nhiễm, tuy nhiên vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Do đó, để thực hiện công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong những năm tiếp theo, cần có các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ và quyết liệt hơn nữa từ các địa phương, những đề xuất từ lãnh đạo các tỉnh nằm trên lưu vực hai con sông này tại Hội Nghị lần thứ 12 Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy (nhiệm kỳ VI) vừa diễn ra tại thành phố Hà Nội.
Tăng cường đầu tư hạ tầng, thu gom xử lý từ nguồn
Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm trên lưu vực sông, theo ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho rằng, các tỉnh đều phải đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải từ đầu nguồn.
Ông Vượng cho biết: Trong những năm qua, Hà Nam đã tập trung thực hiện công tác BVMT, mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng chưa đạt được như yêu cầu đề ra. Môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy vẫn bị ô nhiễm. Bình quân mỗi năm vẫn có từ 10 -15 đợt nước thải từ Hà Nội đổ về gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và doanh nghiệp ở các tỉnh hạ lưu và đặc biệt Hà Nam là tỉnh tiếp nhận trực tiếp nguồn nước ô nhiễm từ sông Nhuệ.
Do đó, để tăng cường công tác BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy trong những năm tiếp theo, cần đầu tư hệ thống thu gom, xử lý từ nguồn thải chính. Các tỉnh, địa phương, khu/cụm công nghiệp làng nghề khi xả thải cần đảm bảo nước thải đạt quy chuẩn môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, các khu/cụm công nghiệp và làng nghề. Ngoài ra, tiếp tục truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy bởi hiện nay vẫn còn tình trạng người dân vứt rác xuống sông gây ô nhiễm.
Đồng quan điểm cần thiết phải tập trung ưu tiên nguồn vốn để cải tạo môi trường lưu vực sông, ông Lê Tuấn Định – Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết: Trong giai đoạn 2008 - 2020, để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã có liên quan tích cực triển khai nhiều giải pháp quản lý và cải thiện chất lượng môi trường trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề quy mô lớn, bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường; các dự án đầu tư cải tạo, nạo vét và xây dựng hệ thống thủy lợi thuộc lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy; các dự án bổ sung nguồn nước sông, các công trình tiêu thoát nước.
Tuy nhiên, do nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề... trên địa bàn Hà Nội lớn nên nước sông Nhuệ, sông Đáy vẫn chưa được cải thiện nhiều, đặc biệt là vào mùa khô. Để giải quyết từng bước, đồng bộ về vấn đề ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy trong những năm tiếp theo, kiến nghị Ủy ban sông Nhuệ - Đáy báo cáo Chính phủ, Bộ TN&MT cho phép các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch BVMT sông và các địa phương cải tạo môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác quan trắc, giám sát chất lượng nước mặt sông Nhuệ, sông Đáy; tiếp tục triển khai, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải góp phần BVMT lưu vực sông. Ngoài ra, tăng cường thanh, kiểm tra về BVMT và tài nguyên nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, dự án đang hoạt động thuộc lưu vực sông Nhuệ Đáy.
Để có giải pháp thiết thực hơn đảm bảo cải thiện toàn diện môi trường lưu vực sông, Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Nam Định cho rằng, cần đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình BVMT.
Theo đó, để việc thực hiện Đề án BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy đạt được kết quả như mong muốn, đề xuất Trung ương tăng hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình BVMT do nguồn vốn đối ứng của tỉnh còn hạn hẹp. Cần có cơ chế tài chính đặc thù cho nhiệm vụ BVMT lưu vực sông. Tăng chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường hàng năm và cần sự vào cuộc phối hợp kịp thời của các bên có liên quan, giải quyết dứt điểm các vụ việc ô nhiễm môi trường liên tỉnh. Bởi vì, tỉnh Nam Định là tỉnh nghèo, tổng thu ngân sách Nhà nước rất thấp, trong khi đó, tỉnh phải quan tâm đến rất nhiều vấn đề nóng khác. Đặc biệt, tỉnh Nam Định là tỉnh cuối nguồn - là nơi hội tụ chất thải từ các địa phương khác nên đề nghị tỉnh Nam Định được quan tâm đặc biệt hơn so với các tỉnh khác.
Kiên quyết không cấp phép cho dự án gây ô nhiễm môi trường
Đó là quan điểm của ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đưa ra trong Hội nghị lần thứ 12 Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy (nhiệm kỳ VI) vừa diễn ra tại thành phố Hà Nội. Ông Sứ cho biết, trong thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã đưa ra 4 chương trình, dự án, giải pháp cụ thể, gồm: xây dựng khu xử lý và chôn lấp rác thải ở TP. Hòa Bình; xây dựng Trạm quan trắc và phân tích môi trường tỉnh; trồng rừng vùng lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; quy hoạch BVMT vùng lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư được nâng lên; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm dần. Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước mặt tại các điểm thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm các kim loại nặng, các thông số, chỉ tiêu quan trắc cơ bản nằm trong giới hạn cho phép.
Bên cạnh đó, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao, xóa bỏ chăn nuôi hộ gia đình, tiến tới hạn chế hoặc không cấp phép chăn nuôi nhỏ lẻ. Tăng cường các nguồn lực đầu tư trong công tác BVMT phù hợp với điều kiện, khả năng của từng địa phương. Trong đó, đảm bảo nguồn chi ngân sách sự nghiệp BVMT hàng năm không dưới 1% tổng chi ngân sách địa phương.
Đa dạng hóa các nguồn lực để tăng cường công tác xã hội hóa, BVMT và có cơ chế ưu đãi, khuyến khích các thành phần tham gia cho đầu tư xử lý rác thải, chất thải, BVMT. Quản lý chặt chẽ công tác cấp phép, khai thác đất, khai thác khoáng sản và tăng cường trồng rừng đầu nguồn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
Một giải pháp rất quan trọng cũng được ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đưa ra trong Hội nghị lần này, đó là cần xây dựng các trạm quan trắc môi trường nhằm chia sẻ thông tin giữa các tỉnh.
Tỉnh Ninh Bình có 2 thành phố, 6 huyện đều chịu ảnh hưởng của lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 khu công nghiệp và 14 cụm công nghiệp hoạt động với 292 cơ sở sản xuất, tổng lượng nước thải khoảng 20.000 m3/ngày đêm. Để tăng cường công tác quản lý về BVMT nói chung và lưu vực sông Nhuệ - Đáy nói riêng, theo tôi cần tập chung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Thứ nhất, cần xây dựng hệ thống quan trắc làm cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường nhằm chia sẻ thông tin kịp thời giữa các tỉnh trên lưu vực. Thứ hai, tăng cường phối hợp giữa các tỉnh trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy để tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1788/QĐ-TTg về kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.
Thứ ba, tập trung hoàn thiện, xây dựng quy hoạch về bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Thứ tư, rà soát lại tiến độ và kết quả triển khai các nhiệm vụ, dự án đã được UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt theo Kế hoạch triển khai Đề án tổng thể. Thứ năm, xây dựng được danh mục các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, những vấn đề môi trường bức xúc trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy để xác định thứ tự ưu tiên cần giải quyết. Thứ sáu, tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải các khu, cụm công nghiệp làng nghề và nước thải sinh hoạt của người dân nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy.
“Trong giai đoạn tiếp theo thực hiện công tác BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, các địa phương cần nâng cao chất lượng thẩm định, cấp phép các dự án đầu tư mới, kiên quyết không cấp phép cho các dự án công nghệ sản xuất lạc hậu, phát sinh nhiều chất thải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao”- ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình.
Linh Hà