Điểm lại 5 lần ô nhiễm không khí 'lọt' top trong năm 2020
Trong năm 2020, chất lượng không khí tại các đô thị ở miền Bắc có khá nhiều biến động do chịu ảnh hưởng của yếu tố thời tiết. Cùng với đó, những ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cũng có những tác động đáng kể đến chất lượng không khí.
Chất lượng môi trường không khí luôn có sự biến động khi có những ảnh hưởng bởi các nguồn phát thải hoặc một số yếu tố khách quan như điều kiện thời tiết, khí hậu, địa hình… Trong năm 2020, chất lượng không khí tại các đô thị ở miền Bắc có khá nhiều biến động do chịu ảnh hưởng của yếu tố thời tiết.
Cùng với đó, những ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khiến rất nhiều các hoạt động kinh tế - xã hội phải tạm dừng hoặc giảm thiểu (các trường học nghỉ, giảm hoạt động sản xuất, xây dựng, giao thông…), điều đó cũng có những tác động đáng kể đến diễn biến chất lượng không khí của nước ta.
Tuy nhiên, theo kết quả ghi nhận về chất lượng không khí cả nước của Tổng cục Môi trường trong năm vừa qua, Hà Nội vẫn duy trì là đô thị ô nhiễm không khí nhất với không ít lần đứng ở top đầu thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Ngày 3/2, hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường tại quận Long Biên và các ứng dụng quan trắc chất lượng không khí như Airvisual, PAM Air đều đưa ra cảnh báo nhiều khu vực nội thành Hà Nội có chất lượng không khí “rất xấu” cùng với nhận định “mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn”.
Cổng thông tin quan trắc chất lượng môi trường của UBND TP.Hà Nội cho thấy AQI nhiều nơi ở ngưỡng đỏ - chất lượng không khí ở mức xấu.
Đáng chú ý, AirVisual xếp hạng Hà Nội ở vị trí thứ 4 trong tổng số 10.000 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới, với AQI là 186.
Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air trong 3/2 cũng hiện thị ngưỡng “màu đỏ” ở hầu hết các điểm đo. Thậm chí, một số khu vực đã tăng lên ngưỡng “màu tím” - chất lượng không khí ở ngưỡng “rất xấu” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam như: Thượng Đình 221; Trần Quang Khải 210…
Ngày 22/2, AirVisual xếp hạng Hà Nội ở vị trí thứ 2 trong tổng số 10.000 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới với AQI 214, nồng độ bụi mịn PM 2.5 là 163,4 µg/m³.
Ghi nhận từ Cổng thông tin quan trắc chất lượng môi trường của UBND TP.Hà Nội vào lúc 8h sáng cho thấy chỉ số chất lượng không khí AQI đo được tại 5/11 trạm quan trắc của Hà Nội có màu tím ngắt, mức ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe mọi người dân… Các điểm đo có chỉ số AQI cao gồm: Minh Khai - Bắc Từ Liêm (223); Phạm Văn Đồng (220); Hàng Đậu (214)…
Trạm quan trắc tại 556 Nguyễn Văn Cừ (thuộc Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận chỉ số AQI ở mức đỏ 164 - nhóm nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Đáng chú ý, kết quả quan trắc trên công cụ PAM Air cho thấy không chỉ riêng Hà Nội, nhiều tỉnh miền Bắc, chất lượng không khí cũng ở tình trạng rất xấu tới nguy hại. Khu vực Phú Điền (huyện Nam Sách - Hải Dương) còn hiển thị chất lượng không khí nguy hại ở mức màu nâu với AQI lên tới 326.
Ngày 28/4, Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí đứng trên cả Dhaka của Bangladesh, Trung Quốc, Uzbekistan...
Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), UBND TP.Hà Nội, trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý) hầu hết các điểm quan trắc ở Hà Nội và các tỉnh lân cận trong đều chuyển màu đỏ.
Hơn 50 điểm đo của Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng xấu, với chỉ số chất lượng không khí từ 150 - 200, bắt đầu có hại cho sức khỏe mọi người, nhóm nhạy cảm như người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người già, trẻ em nên hạn chế hoạt động ngoài trời.
Ngày 3/9, trang quan trắc AQI thời gian thực AirVisual xếp hạng Hà Nội đứng thứ 5 trong số 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Theo đó, Air Visual cảnh báo ô nhiễm không khí tại nhiều khu vực Hà Nội ở ngưỡng màu đỏ, với giá trị AQI là 179, tương đương mức xấu, có hại cho sức khỏe tất cả mọi người.
Giá trị AQI mà Pam Air đo chất lượng không khí ở Hà Nội từ khoảng 160 - 250. Một số khu vực có kết quả AQI cao như: Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm) - 245; khu vực Đê La Thành (Đống Đa) gần Trường đại học Văn hóa - 247; gần Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Thanh Xuân) - 244; Giảng Võ (Ba Đình) - 230…
Trong khi đó, áp dụng cách tính AQI Việt Nam, kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho thấy, từ đêm ngày 2 đến sáng 3/9, nồng độ bụi có xu hướng tăng cao ở các khu vực, như: Đại sứ quán Pháp 148, Minh Khai 108, Hàng Đậu 104, Phạm Văn Đồng 103, Thành Công 101...
Ở ngoại thành, phần lớn khu vực có chỉ số AQI ở mức trung bình và có xu hướng tăng trong vài giờ tới.
Ngày 21/9, TP.HCM và Hà Nội lần lượt đứng thứ nhất và thứ 2 trong số 5 thành phố ô nhiễm không khí trên thế giới.
Theo đó, TP.HCM đứng thứ nhất với chỉ số AQI là 172, Hà Nội đứng thứ 2 với chỉ số AQI là 158, đều ở ngưỡng đỏ, tương đương mức xấu, có hại cho sức khoẻ tất cả mọi người. Trong đó, chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5.
Trong khi đó, theo số liệu từ Cổng thông tin Quan trắc môi trường của TP.Hà Nội, lúc 9h, sắc vàng và da cam bao trùm ở hầu hết các khu vực, chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động từ 35 - 119, ở mức trung bình và kém.
Cụ thể, chỉ số AQI của nhiều khu vực có màu vàng (mức trung bình) như: Đông Kinh Nghĩa Thục 54, Cầu Diễn 65, Kim Liên 72, Tứ Liên 87, Minh Khai (Bắc Từ Liêm) 94,...
Một số khu vực có chỉ số AQI màu cam (mức kém) như: Phạm Văn Đồng 101, Khương Trung (Thanh Xuân) 102, Hàng Đậu 106.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường, Bộ Y tế cho biết, kết quả tại các trạm quan trắc không khí tự động liên tục ở một số đô thị miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ tại Hà Nội hầu hết đều cao hơn các đô thị khác.
“Bụi trong không khí nói chung và bụi PM2.5 thường phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể từ khí thải của các phương tiện giao thông, hoạt động của các nhà máy điện than, nhà máy xi măng, các hoạt động công nghiệp, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ trong nông nghiệp, các hoạt động sinh hoạt tại các hộ gia đình (đặc biệt là đun nấu và sưởi ấm bằng than, củi)”, PGS Nga giải thích.
Chuyên gia này cảnh báo, tình trạng ô nhiễm có thể gia tăng theo nhiễu động không khí do thay đổi thời tiết. Bởi, theo quy luật diễn biến chất lượng không khí hằng năm tại khu vực miền Bắc, ô nhiễm không khí tăng cao vào các tháng mùa đông.
PGS Nga dự đoán, ban đêm là thời điểm không khí ở Hà Nội ô nhiễm nhất. Vì đêm không khí lạnh hơn đẩy chất ô nhiễm xuống. Từ đó, khiến chúng tích tụ nhiều hơn vào ban đêm tới gần sáng. Ngoài ra, vào ban đêm, các nhà máy điện than và xi măng cũng phát thải mạnh hơn, xe tải hoạt động nhiều hơn.
“Bụi PM2,5 được đánh giá là tác nhân ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sức khoẻ con người. Vì có kích thước rất nhỏ nên bụi PM2,5 rất nguy hiểm, có khả năng lắng đọng, thẩm thấu, đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và vào máu.
Mỗi ngày, trung bình chúng ta hít thở khoảng 10.000 lít không khí hoặc hơn tùy vào lứa tuổi và hoạt động thể lực”, PGS Nga cảnh báo.
Do đó, nếu nồng độ bụi PM2,5 trong không khí cao, mức phơi nhiễm hằng ngày sẽ lớn. Từ đó, làm tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khoẻ cấp và mãn tính.
34.000 ca tử vong
Đó là số người chết mỗi năm tại Việt Nam có liên quan đến ô nhiễm không khí mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra mới đây. Riêng trên thế giới mỗi năm có hơn 7 triệu ca tử vong sớm vì không khí bị ô nhiễm.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỉ USD mỗi năm.
Hoài Thu