Thứ sáu, 26/04/2024 12:23 (GMT+7)
Thứ năm, 17/12/2020 06:20 (GMT+7)

Vì sao ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ đột quỵ?

Theo dõi KTMT trên

Ô nhiễm không khí hiện đang là mối quan tâm chung của xã hội toàn cầu. Bởi nó được xem là tác nhân hàng đầu gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là nguyên nhân lớn dẫn đến đột quỵ.

Nguy cơ đột quỵ do ô nhiễm không khí

Theo thống kê của Liên đoàn Tim mạch thế giới, mỗi năm có xấp xỉ 15 triệu người trên thế giới bị đột quỵ. Đặc biệt ở Trung Quốc ước tính có 1,3 triệu người bị đột quỵ hàng năm. Còn tại Hoa Kỳ cứ 4 phút trôi qua thì có một người chết vì đột quỵ, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh.

Tiến sĩ Longjian Liu – chuyên gia về dịch tễ và sinh học tại Đại học Drexel (Hoa Kỳ) đã tiến hành một nghiên cứu để đánh giá sự ảnh hưởng của chất lượng không khí đến nguy cơ đột quỵ bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu về chất lượng không khí từ hai quốc gia “đóng góp” vào 1/3 sự nóng lên toàn cầu là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Vì sao ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ đột quỵ? - Ảnh 1
Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ đột quỵ. (Ảnh minh họa)

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của cơ quan bảo vệ môi trường về chất lượng không khí ở 1.118 quận và 49 bang tại Hoa Kỳ; 120 thành phố và 32 tỉnh của Trung Quốc từ năm 2010 đến 2013 để đánh giá chất lượng không khí dựa trên số lượng và kích thước của những hạt vật chất như bụi bẩn, khói, vi khuẩn... Những loại hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet được cho là có hại với con người và thường được tạo ra bởi quá trình đốt cháy năng lượng của phương tiện giao thông, các nhà máy, cháy rừng và các nguồn tương tự.

Sau đó, các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát chéo dữ liệu chất lượng không khí với dữ liệu y tế công cộng của Chính phủ, cụ thể là tỉ lệ bệnh nhân bị đột quỵ của cả hai nước. Khi điều chỉnh các yếu tố như tỉ lệ hộ nghèo, dân tộc và tuổi tác, họ thấy rằng cứ 10 microgram mét khối hạt vật chất, tỉ lệ mắc đột quỵ có thể tăng 1,19%.

Trước đây, cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa tình trạng ô nhiễm không khí và nguy cơ tử vong vì đột quỵ như sau: Người hít phải không khí ô nhiễm sẽ làm gia tăng fibrinogen (yếu tố tạo nên cục máu đông trong mạch máu). Đồng thời, sự gia tăng fibrinogen cũng làm tăng độ nhớt của huyết tương cũng như độ dính của hồng cầu, khiến máu khó lưu thông, dễ bị tắc lại và kết tụ thành cục máu đông.

Bên cạnh đó, không khí ô nhiễm cũng có thể làm giảm lượng endothelin – yếu tố giúp mạch máu co bóp nhịp nhàng, dẫn đến tình trạng tăng huyết áp tâm trương (mức huyết áp thấp nhất trong mạch máu và xảy ra giữa các lần tim co bóp, khi cơ tim được thả lỏng). Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm ở người cao tuổi.

Ô nhiễm không khí còn có thể gây các triệu chứng hô hấp, và tuần hoàn và cả mạn tính, tác động tới mọi cơ quan trong cơ thể. Các tác hại thường được nhắc đến của ô nhiễm không khí như bệnh tim, phổi mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Bởi thực chất không khí ô nhiễm vào cơ thể qua đường hô hấp nhưng có tác động lên toàn cơ thể, phá hoại các cơ quan khác từ đầu đến chân, từ bệnh tim, phổi, hen suyễn cho đến tiểu đường và chứng mất trí nhớ, từ bệnh về gan, ung thư bàng quang cho đến giòn xương và tổn thương da.

Vậy làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ khi không khí ô nhiễm?

Để phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm về đường hô hấp và tim mạch nói chung, phòng ngừa đột quỵ nói riêng, giới chuyên gia khuyên mọi người nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Lưu ý, phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn (khẩu trang y tế thông thường thì không thể cản được hạt bụi siêu mịn)

Những người đã mắc bệnh về hô hấp nên hạn chế ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Đặc biệt, những đối tượng này cần tránh xa khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ công tình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu.

Với người mắc bệnh hen và phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải tuân thủ cũng như duy trì uống thuốc hàng ngày theo chỉ định. Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu, khó thở, cần phải tăng liều thuốc giãn phế quản theo hướng dẫn.

Bên cạnh việc tránh xa môi trường ô nhiễm, bạn cũng nên xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, điều độ, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên và ăn uống đủ chất để cải thiện sức khỏe toàn trạng, giúp phòng ngừa đột quỵ một cách toàn diện, tích cực hơn.

Ô nhiễm không khí nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 thế giới

Theo báo cáo Tình trạng Không khí toàn cầu năm 2020 công bố ngày 21/10, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, trong đó khoảng 4 triệu ca tử vong xảy ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo cho biết ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của 6,7 triệu người trên toàn cầu trong năm 2019. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỉ USD mỗi năm.

Tại châu Âu, ước tính khiến 400.000 người tử vong sớm mỗi năm do các bệnh liên quan tới không khí ô nhiễm. Ô nhiễm không khí khiến các thành phố châu Âu thiệt hại hơn 190 tỉ USD mỗi năm. 

1.000 ca đột quỵ mỗi tháng ở Bệnh viện Bạch Mai

Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong một tháng kể từ khi thành lập, đơn vị tiếp nhận 1.000 ca đột quỵ/tháng. Các ca bệnh rải rác ở nhiều khoa khác nhau như Cấp cứu, Tim mạch, Thần kinh.

Đáng chú ý, trong 1.000 bệnh nhân trên có tới 10% số ca bệnh ở độ tuổi còn rất trẻ. Đặc biệt, có bệnh nhân mới chỉ 14 tuổi. Bệnh nhân có tiền sử bị dị dạng động tĩnh mạch bẩm sinh, đưa tới bệnh viện và được chẩn đoán chảy máu não. Nhờ được phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân hiện qua cơn nguy kịch.

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, nguyên nhân gây ra thực trạng ngày càng nhiều người trẻ hiện nay bị đột quỵ chủ yếu đều xuất phát từ các bệnh về rối loạn chuyển hoá hay bệnh lý về tim mạch và bệnh bẩm sinh về mạch máu não. Bên cạnh đó, lối sống bừa bãi, không lành mạnh, lạm dụng chất kích thích và lười vận động cũng khiến giới trẻ tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Thông tin từ Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, 50% số ca bệnh trên đều không thể qua khỏi.

Đáng lưu ý, tỉ lệ người trẻ bị đột quỵ ngày càng tăng. Hiện, số ca đột quỵ ở độ tuổi trung niên và thanh niên chiếm 30% tổng số bệnh nhân. Mỗi năm, tỉ lệ người trẻ bị đột quỵ tăng thêm khoảng 2%, nam nhiều hơn nữ.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Vì sao ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ đột quỵ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới