Sở TN&MT Hà Nội chỉ ra ba nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong tuần qua
Nhiều ngày qua, chất lượng không khí (CLKK) nhiều nơi trên địa bàn TP.Hà Nội luôn ở mức xấu, kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Chi cục BVMT, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần này AQI có xu hướng xấu hơn so với tuần trước.
Cụ thể, trạm Chi cục BVMT có 1 ngày CLKK ở mức “trung bình” và 1 ngày CLKK ở mức “xấu” chiếm 14.3%; còn lại đều có CLKK ở mức “kém”. Trạm Kim Liên có 2 ngày CLKK ở mức “kém” chiếm 28.6%, còn lại đều ở mức “trung bình”. Trạm Tân Mai có 1 ngày CLKK ở mức “kém” chiếm 14.3%, còn lại ở mức “trung bình”. Trạm Mỹ Đình có 3 ngày CLKK ở mức “trung bình” chiếm 42.9%; còn lại đều ở mức “kém”. Trạm Tây Mỗ là trạm tốt nhất trong tất cả các trạm có 1 ngày CLKK ở mức “tốt” và 1 ngày CLKK “kém” chiếm 14.3%; còn lại đều ở mức “trung bình”.
Tại 2 điểm quan trắc CLKK giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông. Tuần này chỉ số AQI của cả 2 trạm đều tăng lên so với tuần trước.
Cụ thể, cả trạm Minh Khai và Phạm Văn Đồng đều có 1 ngày CLKK ở mức “trung bình” và 1 ngày ở mức “xấu” chiếm 14.3%; còn lại đều ở mức “kém”. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm Minh Khai và Phạm Văn Đồng trong tuần lần lượt là 168-166.
Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, CLKK của tuần này cũng có xu hướng xấu đi so với tuần trước. Cụ thể, trạm Hoàn Kiếm có 2 ngày CLKK ở mức “trung bình” chiếm 28.6%, còn lại đều ở mức “kém”. Trạm Hàng Đậu và Thành Công có 1 ngày CLKK ở mức “trung bình” và 1 ngày CLKK ở mức “xấu” chiếm 14.3%; còn lại đều ở mức “kém”.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có 3 yếu tố chính gây ra hiện tượng này. Thứ nhất là các chất ô nhiễm phát sinh từ hoạt động hàng ngày như sinh hoạt, giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, khói thải từ các điểm đốt rác tự phát tràn lan đặc biệt xảy ra nhiều tại các khu vực ngoại thành, chất ô nhiễm có thể tồn tại nhiều ngày trong một khu vực nếu không được khuếch tán. Thứ hai là do ô nhiễm từ các vùng lân cận, từ bên ngoài vào Hà Nội. Thứ ba là do sự thay đổi của thời tiết.
Trong đó, sự thay đổi của thời tiết tác động rõ rệt nhất đến sự tăng – giảm chất lượng không khí trong những ngày qua. Thời tiết ở Hà Nội đang trong giai đoạn khô hanh, tốc độ gió thấp (lặng gió), ban ngày có nắng, về đêm nhiệt độ giảm mạnh là điều kiện dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Vào buổi tối nhiệt độ không khí giảm mạnh, dưới điều kiện lặng gió khiến bụi mịn PM2.5 từ sát mặt đất không thể phát tán lên cao và đi xa. Chỉ đến khi ban ngày có ánh nắng, nhiệt độ tăng lên, các chất ô nhiễm và bụi mịn được phát tán đi phần nào. Cho nên, hiện tại, trời bắt đầu hửng nắng, gió nhẹ, CLKK đang có xu hướng cải thiện.
Trong tình trạng CLKK như hiện nay, những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo mọi người nên giảm các hoạt động mạnh khi ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài và nghỉ ngơi nhiều hơn trong nhà. Đặc biệt, nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ nhỏ, những người mắc bệnh về hô hấp, suy giảm sức đề kháng… nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh. Nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.
Hà Linh