Số ca tử vong do ô nhiễm không khí tại Ấn Độ cao ở mức báo động
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong của hơn 1,6 triệu người dân Ấn Độ, chiếm 18% trong tổng số ca tử vong ở nước này trong năm 2019.
Đây là một phần nội dung báo cáo công bố trên tạp chí y học Lancet ngày 22/12, qua đó gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng ô nhiễm, độc hại tại quốc gia châu Á này.
Theo báo cáo trên, năm 2017, Ấn Độ có 1,24 triệu ca tử vong do ô nhiễm không khí, chiếm 12,5% trong tổng số ca tử vong. Như vậy, số ca tử vong do không khí độc hại tại Ấn Độ trong năm 2019 cao hơn năm 2017 tới 30%.
Thực tế này đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, gây thiệt hại 36,8 tỉ USD, tương đương 1,36% GDP của Ấn Độ.
Theo hệ thống theo dõi chất lượng không khí IQAir, 3 thành phố lớn của Ấn Độ gồm New Delhi, Kolkata và Mumbai nằm trong danh sách 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thủ đô New Delhi được coi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Năm ngoái, chất lượng không khí của thành phố này cao gấp 20 lần so với mức "an toàn" do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra. Theo Chỉ số Chất lượng không khí của Đại học Chicago, người dân New Delhi có thể sống thêm 10,2 năm nữa nếu chất lượng không khí đạt mức an toàn của WHO.
Trong thời gian phong tỏa toàn quốc do dịch COVID-19 hồi tháng 3 tại Ấn Độ, bầu trời New Delhi đã chuyển sang màu xanh, và người dân ở bang Punjab lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ đã nhìn thấy rõ dãy núi Himalaya. Các dự liệu cho thấy mức độ không khí ở các thành phố lớn đã giảm hẳn khi các nhà máy đóng cửa và đường xá vắng vẻ.
Tuy nhiên, tình trạng này không kéo dài được lâu khi nước này mở cửa trở lại. Ngày 20/10 vừa qua, chỉ số chất lượng không khí của New Delhi đạt mức tồi tệ nhất kể từ tháng 2 năm ngoái.
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền thành phố Delhi đã dành 200 triệu rupee (khoảng 2,73 triệu USD) để xây dựng hai tháp lọc không khí khổng lồ. Tuy nhiên phải mất 10 tháng nữa, 2 tháp này mới có thể hoàn thành. Một số biện pháp chống ô nhiễm sẽ được áp dụng từ tháng 10 này như đóng cửa một số nhà máy năng lượng, cấm sử dụng dầu đốt trong một số ngành công nghiệp nhất định. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đây không phải là giải pháp lâu dài.
Minh Phương