Thứ bảy, 20/04/2024 13:57 (GMT+7)
Thứ ba, 08/06/2021 11:45 (GMT+7)

Bước đầu đánh giá ô nhiễm hạ lưu sông Đáy

Theo dõi KTMT trên

Bài báo trình bày một số kết quả nghiên cứu bước đầu về ô nhiễm môi trường vùng hạ lưu sông Đáy thuộc địa phận các tỉnh từ Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định.

TÓM TẮT

Bài báo trình bày một số kết quả nghiên cứu bước đầu về ô nhiễm môi trường vùng hạ lưu sông Đáy thuộc địa phận các tỉnh từ Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định. Các số liệu phân tích cho thấy: môi trường nước sông Đáy khu vực hạ lưu đã có dấu hiệu suy giảm và ô nhiễm; tuy nhiên môi trường trầm tích chưa bị ô nhiễm; tuy nhiên hàm lượng kim loại nặng trong trầm tích (Pb, Cu, Cd, Cr, Hg) mặc dù đang nằm dưới giới hạn cho phép theo quy chuẩn chất lượng trầm tích QCVN 43:2017/BTNMT, nhưng đang gia tăng trong cột trầm tích những năm gần đây.  

ĐẶT VẤN ĐỀ

Dòng sông là nguồn cung cấp phù sa cho các bãi bồi ven biển, là nơi thoát nước mưa và nước thải cho vùng lục địa, nên cũng là nguồn mang chất ô nhiễm từ đất liền ra biển. Hoạt động kinh tế của con người gia tăng, thì các dòng sông cũng mang nhiều chất ô nhiễm hơn ra biên. Xét trên địa bàn một lưu vực sông, khu vực hạ lưu các con sông là nơi tập trung nhiều chất ô nhiễm nhất. Tại những nơi mà cửa sông đổ trực tiếp ra biển như vùng cửa sông ven biển do thành phần và tính chất nước có sự thay đổi từ nước sông ra nước biển; hình thành các bẫy tích lũy chất ô nhiễm (Lưu Đức Hải, Nguyễn Chu Hồi 2002) [4] trong trầm tích. Tại đây do độ pH của nước sông thay đổi từ 6-6,5 sang chế độ pH của nước biển 8-8,2, các thành phần hấp thụ chất ô nhiễm trong nước sông như khoáng sét và vật liệu hữu cơ sẽ lắng keo mang theo các chất ô nhiễm đã hấp thụ (kim loại nặng và hợp chất hóa học có cực). Sông Đáy là dòng sông lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, bắt đầu từ các nhóm sông nhỏ như sông Nhuệ, sông Tích; trong qua trình chảy xuôi về phía Nam Định nó đã tiếp nhận nước của rất nhiều phụ lưu sông Bùi, sông Bôi, sông Lạng, sông Hoàng Long, sông Sắt, sông Vạc, sông Nam Định. Cửa thoát nước sông Đáy nằm giữa hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Do diện tích lưu vực lớn (khoảng 7.500 km2) nằm trong vùng có kinh tế phát triển từ lâu đời với những đô thị lớn Hà Nội, Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình, v.v; nên lưu vực sông Nhuệ - Đáy là một trong các lưu vực sông có mức độ ô nhiễm cao.

Do đó, vấn đề nghiên cứu, đánh giá chất lượng môi trường sông Đáy đã được các cơ quan quản lý môi trường Việt Nam quan tâm. Ngay từ năm 2009, đã hình thành Ủy bản Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Tham gia vào Ủy ban là đại diện của các địa phương: thành phố Hà Nội; các tỉnh Nam Định, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam và đại diện các bộ ngành trung ương. Bài báo này trình bày khái quát hiện trạng chất lượng môi trường nước và trầm tích sông Đáy và bước đầu đưa ra đánh giá ô nhiễm môi trường khu vực hạ lưu sông Đáy.

MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC CỬA SÔNG

Vùng cửa sông ven biển (Estuarine Area), theo Fairbridge (1980) là một nhánh của biển đi vào một dòng sông đến nơi mà mực nước cao nhất của thủy triều còn vươn tới, thường được chia thành 3 phần khác nhau: a) phần biển hay phần cửa sông thấp, nối liền với biển khơi; b) phần cửa sông trung, nơi diễn ra sự pha trộn chính của nước biển và nước ngọt; và c) phần cửa sông cao, chi phối bởi nước ngọt nhưng còn tác động của thủy triều. Giới hạn giữa 3 phần này không cố định và biến động theo lượng nước ngọt đổ ra từ sông. Như vậy, vùng cửa sông ven biển là nơi chịu tác động của môi trường nước ngọt và môi trường nước biển, hình thành môi trường nước lợ với sự đa dạng và phong phú về các khu hệ sinh thái với các chức năng quan trọng đối với hệ thống tài nguyên ven biển, tạo ra các nguồn lợi thủy sản, khoáng sản, dầu khí… mang lại nhiều giá trị về mặt kinh tế và các giá trị phi kinh tế khác.

Bên cạnh đó, vùng cửa sông ven biển là nơi tập trung sôi động các hoạt động sinh hoạt, đặc biệt là các hoạt động sản xuất kinh tế của con người, hoạt động của các dự án phát triển… Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên và môi trường như ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường tại khu vực thông qua việc xả thải chất thải, đặc biệt là nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, các nghiên cứu về kim loại nặng trong môi trường nước thường được sử dụng làm dữ liệu để đánh giá ô nhiễm môi trường tại cửa sông ven biển và một số ít nghiên cứu về kim loại nặng trong trầm tích vùng cửa sông. Tuy nhiên, việc tích lũy kim loại nặng trong trầm tích sông rồi từ đó sẽ theo các chuỗi thức ăn, tích lũy trong các loài sinh vật là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả tiêu cực đến sức khỏe con người. Bài báo tập trung nhiều vào việc đánh giá thành phần và hàm lượng kim loại nặng tích lũy trong các trầm tích hạ lưu sông Đáy.

Trên thế giới, giai đoạn từ 1991 đến năm 2010 có 5.976 ấn phẩm nghiên cứu về ô nhiễm cửa sông ven biển được công bố và số lượng nghiên cứu về lĩnh vực này liên tục phát triển và gia tăng về số lượng công trình được công bố. Đa số các công trình nghiên cứu đều chỉ ra rằng, kim loại nặng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm vùng cửa sông ven biển, tích lũy kim loại nặng trong trầm tích và tích lũy sinh học là những nghiên cứu chủ yếu được thực hiện [̉̉̉̉10]. Nghiên cứu của Bede Emeka Udechukwu và cộng sự (2014) khi phân tích tính di động và ô nhiễm kim loại nặng tại cửa sông Sungai Pulon (Malaysia) cho thấy, hầu hết giá trị trung bình của các kim loại nặng (Cd, Cu, Ni, Pb, Zn và Fe) trong trầm tích bề mặt tại khu vực nghiên cứu đều thấp hơn cả hai hướng dẫn về chất lượng trầm tích tạm thời (ISQG-thấp và ISQG-cao), ngoại trừ nồng độ Pb (trên ISQG-thấp) và Zn nồng độ (trên ISQG-cao), do đó cho thấy rằng Pb và Zn có thể gây ra một số lo ngại về môi trường. Cadmium, Pb, và nồng độ Zn trên ngưỡng hiệu ứng (TEL), cho thấy hiếm khi tác dụng phụ của những kim loại này lên sinh vật thực vật. Chỉ số tải lượng ô nhiễm (PLI) được chỉ ra suy thoái và các chỉ số khác cho thấy bề mặt thủy triều trầm tích bị ô nhiễm vừa phải với Cd, Pb và Zn [11]. Nghiên cứu của Ledhyane Ika Harlyan và cộng sự (2015) cho thấy, rừng ngập mặn Avicennia tại cửa sông Porong, Indonesia có khả năng tích lũy kim loại nặng (Pb và Cu) trong cây đước (rễ và lá) và trong trầm tích, hàm lượng tích lũy lớn hơn ở trong trầm tích và không có sự khác biệt rõ rệt về mức độ tích tụ kim loại nặng ở các vị trí khác nhau từ hạ lưu sông ra đến cửa sông [12].

Tại Việt Nam, nghiên cứu về kim loại nặng trong trầm tích vùng cửa sông được thực hiện tại một số cửa sông như: cửa sông Mê Kông, cửa sông Soài Rạp, cửa sông Hàn, cửa sông An Hòa, cửa Thuận An, cửa Đại, cửa sông Sa Cần. Tại cửa sông Mê Kông, nhóm tác giả Phùng Thái Dương và Huỳnh Thị Kiều Trâm cho kết quả hàm lượng kim loại nặng trong các mẫu trầm tích sông được lấy vào năm 2013 và 2014 đều không vượt quá giá trị trong QCVN 43:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng trầm tích và hàm lượng kim loại nặng tăng dần từ hướng cửa sông ra phía biển. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Phương và cộng sự chỉ ra rằng, hàm lượng kim loại nặng (Cu, Pb, Cr, As) trong trầm tích cửa sông Soài Rạp thuộc hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai ở mức độ ô nhiễm với mực độ tăng dần theo thứ tự Cu < As < Pb < Cr, trong đó hàm lượng Cu là 16,4 - 24,7 mg/kg, As là 4,8- 11,7 mg/kg, Cr dao động 309-357 mg/kg; Pb là 28,2 - 43,9 mg/kg. Nghiên cứu tại cửa sông Hàn của tác giả Lê Thị Trinh (2017) đối với 6 kim loại As, Cd, Cr, Cu, Pb, Zn cho thấy, mức độ rủi ro do ô nhiễm các kim loại ở mức thấp, tăng dần theo thứ tự Zn < Cd < Cr < As < Pb < Cu. Còn tại cửa sông An Hòa, Quảng Nam, tác giả Phan Nhật Trường và cộng sự đã đánh giá được mức độ ô nhiễm và rủi ro của thủy ngân và chì trong trầm tích mặt, với hàm lượng trung bình của Hg là 0,557 mg/kg, của Pb là 19,356 mg/kg, thấp hơn so với QCVN 43:2012/BTNMT. Nghiên cứu của nhóm tác giả Võ Văn Minh và cộng sự tại các cửa sông ven biển miền Trung cho thấy: các kim loại nặng (Pb, Cr, Hg) trong trầm tích đều thấp hơn so với quy chuẩn cho phép, trừ hàm lượng Cd ở cửa Đại và cửa sông Sa Cần có 1 đợt lấy mẫu vượt quy chuẩn cho phép.

CÁCH TIẾP CẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để giải quyết vấn đề đặt ra, ngoài việc thu thập các số liệu, tư liệu về hiện trạng chất lượng môi trường nước và trầm tích lưu vực sông Nhuệ - Đáy, các nguồn ô nhiễm phát sinh trong lưu vực; đề tài đã tiến hành khảo sát lấy mẫu nước và trầm tích theo rất nhiều mặt cắt sông trong lưu vực, từ đầu nguồn đến cửa Đáy. Vị trị các mặt cắt khảo sát, đo đạc và lấy mẫu thể hiện trong bản đồ (Hình 1).

Đối tượng khảo sát, đo đạc và lấy mẫu gồm: nước sông và trầm tích bề mặt.

Về nước mặt tiến hành: đo đạc tại chỗ các thông số môi trường như: nhiệt độ, DO, độ dẫn; tiến hành lấy mẫu để phân tích các yếu tố môi trường theo Quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

Về trầm tích tiến hành: lấy mẫu bề mặt và lấy mẫu theo độ sâu.

Bước đầu đánh giá ô nhiễm hạ lưu sông Đáy - Ảnh 1
Bản đồ vị trí mặt cắt lấy mẫu nước và trầm tích hạ lưu sông Đáy.

Phương pháp lấy mẫu và phân tích mẫu. Mẫu nước được lấy theo TCVN 6663-6:2008 (ISO 5667-6:2005) Chất lượng nước - Lấy mẫu - Phần 6: Hướng dẫn lấy mẫu ở sông và suối; được phân tích theo TCVN 6625:2000 (TSS), TCVN 6001-1:2008 (BOD5), TCVN 6491:1999 (COD), SMEWW - 3111B :2017 (Hg, Pb, Cd, Cu, Cr). Mẫu trầm tích mặt được lấy theo TCVN 6663-13:2015 (ISO 5667-13:2011): Chất lượng nước - Lấy mẫu. Phần 13: Hướng dẫn lấy mẫu bùn; được phân tích theo US-EPA 3050B:1996 đối với các kim loại Hg, Pb, Cd, Cu, Cr.

Phương pháp xử lý số liệu. Phần mềm Excel, phần mềm Mapinfo được sử dụng để biên tập, xử lý và đánh giá các số liệu quan trắc, phân tích.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

1. Đặc trưng môi trường cửa sông ven biển

Đặc điểm khí tượng, đây là khu vực có tần suất xuất hiện gió và bão cao, nhất là vùng ven biển nhiệt đới có chế độ gió mùa và ảnh hưởng rõ rệt của chế độ này. Nhiệt độ dao động ngày và đêm trong biên độ không lớn như vùng lục địa. Lượng mưa và độ ẩm không khí thường cao hơn so với các vùng khác. Các hiện tượng như bão lốc, sóng thần có thể xảy ra tại khu vực này.

Các thông số môi trường: (1) Độ pH: pH của nước vùng cửa sông ven biển thường nằm trong khoảng từ 7-9. Nước lợ có hệ thống đệm chống lại sự thay đổi của pH rất tốt và pH ít khi giảm dưới 6.5 hay tăng trên 9.5; (2) Độ đục: Nước vùng cửa sông ven biển thường chứa nhiều vật chất lơ lửng, bao gồm các hạt sét, phù sa, các mảnh vụn hữu cơ, những vật chất này sẽ lắng đọng nhanh chóng làm cho nền đáy bị biến đổi và tạo nên trầm tích nhiều sét; (3): Nhiệt độ: Nước lợ có sự thay đổi nhiệt độ theo điều kiện bên ngoài tương đối nhanh (do có các ion muối với hàm lượng cao). Sự chênh lệch nhiệt độ trong một thủy vực tương đối lớn. Nhiệt độ nước biển ít khi lên đến 39oC, do đó ảnh hưởng bất lợi lên tôm cá ít xảy ra; (4) Oxy hòa tan (DO): Oxy hòa tan là yếu tố môi trường quan trọng đối với thủy sản. Nhờ sự lưu chuyển thường xuyên của dòng nước ở vùng cửa sông ven biển, DO thường tương đối cao và đồng đều giữa các tầng nước; (5) Độ mặn: nước vùng cửa sông ven biển có độ mặn nằm trong khoảng từ lợ cho đến mặn, độ mặn tăng từ đất liền ra đến biển.

Đặc trưng biến động môi trường cửa sông Đáy, nằm trong vùng có nền khí hậu mang đầy đủ thuộc tính cơ bản của khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm của miền Bắc Việt Nam, là phần hạ nguồn của hệ thống sông Đáy hướng Tây Bắc - Đông Nam với địa hình lòng sông mở rộng, dòng sông chảy chậm.

(1) Độ pH: pH của nước cửa sông Đáy dao động trong khoảng từ 7,1 - 7,5 (đợt lấy mẫu 1) và từ 7,57 - 8,03 (đợt lấy mẫu 2), đặc trưng cho môi trường kiềm.

(2) Nhiệt độ: dao động từ 32,10 - 33,10 (đợt lấy mẫu 1) và từ 200 - 22,70 (đợt lấy mẫu 2).

(3) Oxy hòa tan (DO): dao động từ 4,5 - 8,3 mg/l (đợt lấy mẫu 1) và từ 6,29 - 8,47 (đợt lấy mẫu 2).

(4) Hàm lượng chất hữu cơ trong nước: đánh giá dựa vào kết quả phân tích chỉ số COD và BOD trong nước tại khu vực nghiên cứu:

Bảng 1. Giá trị COD, BOD5 tại khu vực nghiên cứu

Bước đầu đánh giá ô nhiễm hạ lưu sông Đáy - Ảnh 2

2.Bước đầu đánh giá ô nhiễm môi trường tại khu vực hạ lưu cửa sông Đáy

Về chất lượng môi trường nước: chỉ số chất lượng nước WQI tại khu vực cửa sông Đáy nằm trong khoảng từ 36 - 93, năm 2018 WQI dao động từ 56 – 93, năm 2019, WQI dao động trong khoảng 36 – 80. Trong đó, năm 2018: có 5/13 vị trí có giá trị WQI thuộc khoảng 76 – 90, chất lượng nước đạt mức Tốt (vị trí SD1, SD2, SD3 và SD13) - Nước phù hợp để sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp; Có 8/13 vị trí lấy mẫu WQI thuộc khoảng 51 – 75, chất lượng nước Trung bình, đó là các vị trí còn lại (đoạn sông chảy từ Nghĩa Hưng, Nam Định qua thành phố Ninh Bình và các xã có dân cư tập trung đông, khu vực nuôi trồng thủy sản) - phù hợp với mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Năm 2019: chỉ có 1/13 vị trí có giá trị Còn lại 5 vị trí có giá trị WQI thuộc khoảng 76 – 90, chất lượng nước đạt mức Tốt (vị trí SD7); có 7/13 vị trí lấy mẫu WQI thuộc khoảng 51 – 75, chất lượng nước Trung bình (đó là các vị trí SD1, SD2, SD 4, SD6, SD8-SD10) - phù hợp với mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác; 5/13 vị trí còn lại ở mức chất lượng nước Kém, sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác là SD 3, SD5, SD11-SD13, đây là các vị trí thuộc phía hạ lưu, tiếp giáp với cửa biển, chất lượng nước sông bị suy giảm có thể do đây là nơi tập trung nhiều hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản đồng thời các hoạt động giao thông vận tải thủy và khai thác cát rất phát triển. Như vậy, chất lượng nước sông năm 2019 có chiều hướng xấu đi so với năm 2018, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong thực tế, cần có những biện pháp kiểm soát nguồn ô nhiễm và cải thiện môi trường nước sông một cách hợp lý.

Về sự tồn lưu kim loại trong trầm tích tại khu vực hạ lưu cửa sông Đáy, kết quả hàm lượng Chì (Pb) trong trầm tích dao động từ 20,9 mg/kg (tại vị trí SD7) đến 43,0 mg/kg (vị trí SD10) đối với đợt mẫu lấy lần 1 và từ 19,7 mg/kg (vị trí SD7) đến 79,3 mg/kg (vị trí SD3)  đối với mẫu trầm tích đợt 2; Theo đó, hàm lượng Pb của các mẫu lấy ở cả 2 đợt đều không vượt quá trị giới hạn của trầm tích nước ngọt (91,3 mg/kg) và trầm tích nước mặn, nước lợ (112 mg/kg) được quy định trong quy chuẩn chất lượng trầm tích QCVN 43: 2017/BTNMT. Kết quả hàm lượng Đồng (Cu) trong các mẫu trầm tích nằm trong khoảng từ 13,1 mg/kg đến 50,5 mg/kg (đợt 1) và 18,6 mg/kg đến 70,2 mg/kg (đợt 2); Hàm lượng của tất cả các mẫu đều nằm trong giới hạn của QCVN 43:2017/BTNMT đối với cả trầm tích nước ngọt và nước mặn, nước lợ. Đối với kim loại Cadimi (Cd), hàm lượng từ 0,21 đến 1,02 mg/kg khối lượng khô đối với mẫu trầm tích đợt 1 và 0,15 mg/kg đến 0,46 mg/kg đối với mẫu trầm tích đợt 2, kết quả phân tích kim loại Cd trong mẫu trầm tích tại tất cả các vị trí của 2 đợt lấy mẫu đều không vượt giá trị giới hạn được quy định trong QCVN 43:2017/BTNMT. Hàm lượng Crom (Cr) trong các mẫu trầm tích đợt 1 dao động từ 28,6 mg/kg đến 68,8 mg/kg, từ 31,8 mg/kg đến 72,6 mg/kg đối với mẫu trầm tích đợt 2, so sánh với quy chuẩn chất lượng trầm tích QCVN 43: 2017/BTNMT tất cả các vị trí lấy mẫu của cả 2 đợt đều có hàm lượng Cr nằm dưới giá trị giới hạn đối với trầm tích nước ngọt. Hàm lượng thủy ngân (Hg) trong các mẫu trầm tích đợt 1 dao động từ 0,09 mg/kg đến 0,43 mg/kg và từ 0,09 đến 0,47 mg/kg đối với trầm tích đợt 2, tất cả các mẫu của 2 đợt đều có hàm lượng Hg nằm dưới giá trị giới hạn của quy chuẩn chất lượng trầm tích QCVN 43:2017/BTNMT.

KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu ô nhiễm môi trường tại cửa sông Đáy cho thấy, về chất lượng môi trường nước đã có sự thay đổi theo chiều hướng xấu đi qua 2 đợt lấy mẫu, về sự tồn lưu kim loại nặng (đối với các kim loại Pb, Cu, Cd, Cr, Hg) trong trầm tích tại khu vực chưa ghi nhận giá trị hàm lượng của kim loại nào vượt quá giá trị cho phép theo quy chuẩn chất lượng trầm tích QCVN 43:2017/BTNMT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Dương Thị Tú Anh, Cao Văn Hoàng, Nghiên cứu sự phân bố một số kim loại nặng trong trầm tích thuộc lưu vực sông Cầu, Tạp chí Phân tích Hóa, Lý và Sinh học, 20(4), p. 36.
  2. Phùng Thái Dương (2015), Nghiên cứu và đánh giá hàm lượng một số kim loại nặng trong trầm tích đáy vùng cửa sông Mê Kông, Tạp chí Khoa học ĐHSP TPHCM, số 9 (75) 2015.
  3. Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Thị Dung, Bùi Phương Thúy, Trần Đăng Quy, Tạ Thị Thảo, Từ Bình Minh (2016), Đánh giá sự phân bố và xu hướng ô nhiễm của các kim loại nặng trong trầm tích ở một số địa điểm thuộc vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Trị, Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 32(4), p.184-191.
  4. Lưu Đức Hải, Nguyễn Chu Hồi (2002), 2, Tuyển tập HNKH Trường ĐHKHTN - Tiểu ban liên ngành Khoa học và Công nghệ Môi trường: 106-111. 6.
  5. Nguyễn Đình Nguyên, Nguyễn Đình Thái, Vũ Văn Tích, Vũ Việt Đức, Hoàng Văn Hiệp (2018), Đặc điểm môi trường nước biển và địa hóa trầm tích tầng mặt khu vực biển Quảng Bình (60-100m nước), Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 34, số 4, 89-97.
  6. Nguyễn Văn Phương, Mai Hương, Nguyễn Thị Huệ (2017), Đánh giá ô nhiễm kim loại (Cu, Pb, Cr) và As trong trầm tích cửa sông Soài Rạp, hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, Tạp chí Môi trường - Tổng cục Môi trường.
  7. Lê Thị Trinh (2017), Đánh giá sự tích lũy và rủi ro sinh thái một số kim loại nặng trong trầm tích cửa sông Hàn, thành phố Đà Nẵng, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, 33(3), Tr. 112.
  8. Trịnh Thị Thủy, Vũ Đức Lợi, Lê Thị Trinh, Nguyễn Thị Vân, Phạm Thị Hồng (2016), “Sự phân bố thủy ngân kim loại trong cột trầm tích tại cửa sông Hàn. thành phố Đà Nẵng”. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học tự nhiên và Công nghệ. tập 32. số 4, 192-199
  9. Phan Nhật Trường, Võ Văn Minh, Ngô Quang Hợp (2017), Mức độ ô nhiễm và rủi ro của thủy ngân và chì trong trầm tích mặt tại cửa An Hòa, sông Trường Giang, tỉnh Quảng Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng, 112.
  10. Jinshui Sun, Ming-Huang Wang, Yuh-Shan Ho (2012), A historical review and bibliometric analysis of research on estuary pollution, Marine Pollution Bulletin 64, p13-21.
  11. Bede Emeka Udechukwu, Ahmad Ismail, Syaizwan Zahmir Zulkifli, Hishamuddin Omar (2014), Distribution, mobility, and pollution assessment of Cd, Cu, Ni, Pb, Zn, and Fe in intertidal surface sediments of Sg. Puloh mangrove estuary, Malaysia.
  12. Ledhyane Ika Harlyan, Dwi Retnowati, Syarifah Hikmah Julinda Sari, Feni Iranawati (2015), Concentration of Heavy Metal (Pb and Cu) in Sediment and Mangrove Avicennia marina at Porong River Estuary, Sidoarjo, East Java, Reseach journal of life science, V.2 No2.

Nguyễn Khánh Linh - Lê Thị Trinh

Trường Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Bước đầu đánh giá ô nhiễm hạ lưu sông Đáy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới