Châu Á đang phải đối mặt với ô nhiễm rác thải nhựa
Sự ra đời của nhựa sử dụng một lần đã hướng đến một lý tưởng về sự tiện lợi và vệ sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm từ nhựa đang gây ra những tác động xấu đến môi trường, làm tắc nghẽn nguồn nước trong khu vực.
Có thể nói, nhựa đã và đang trở thành vật liệu phổ biến nhất trong nhiều thập kỷ ở châu Á và hơn một nửa lượng nhựa trên thế giới đều được sản xuất tại các quốc gia ở châu lục này. Song việc sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm tự nhựa đang trở thành thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để đánh giá bản chất và quy mô của cuộc khủng hoảng ô nhiễm này, từ đó xác định các giải pháp khả thi, Quỹ Heinrich Boll và trang web Break Free From Plastic Asia Pacific mới đây đã hợp tác với Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu Nhật Bản (IGES) cho ra mắt bản đồ Plastic Atlas châu Á.
Theo đó, bản đồ Plastic Atlas châu Á bao gồm các dữ liệu và số liệu về mức độ độc hại của polyme tổng hợp, cho thấy nhựa đã trở nên phổ biến như thế nào trong hầu hết các khía cạnh của cuộc sống. Ngoài ra, bản đồ cũng cung cấp dữ liệu so sánh trong khu vực, đặc biệt là về vấn đề đổ, xả chất thải bất hợp pháp từ các nước phát triển hơn, tác động bất bình đẳng về giới khi tiếp xúc với nhựa... và chỉ ra trách nhiệm của các chính phủ và tập đoàn châu Á trong tiến trình giải quyết vấn nạn này.
Mặc dù tình trạng ô nhiễm nhựa ở châu Á đã khá nghiêm trọng trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19, nhưng chính đại dịch đã làm vấn nạn trở nên tồi tệ hơn. Sản xuất nhựa và tình trạng ô nhiễm tăng nhanh khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm nhựa một lần bùng nổ do người tiêu dùng thường xuyên đặt hàng hơn trong thời gian chịu lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại. Đặc biệt, lượng rác thải nhựa từ các hoạt động y tế liên quan đến dịch bệnh Covid-19 cũng đang tạo nên gánh nặng môi trường khổng lồ tại châu Á.
Đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu tiêu dùng đối với các thiết bị bảo hộ cá nhân sử dụng một lần (PPE) như khẩu trang, găng tay, áo choàng bệnh viện, tấm chắn mặt... tăng cao. Theo một báo cáo mới đây từ Ngân hàng Phát triển châu Á, thủ đô Manila của Philippines dự kiến là thành phố thải ra nhiều rác y tế nhất khu vực Đông Nam Á, với 280 tấn mỗi ngày.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều quốc gia châu Á đã đưa ra các biện pháp hạn chế rác thải nhựa. Các sáng kiến được thúc đẩy, mang lại những hiệu quả nhất định. Philippines tiến hành chiến dịch "Hãy tự mang túi riêng" khi đi mua sắm ở siêu thị. Malaysia kêu gọi người dân giảm dần việc sử dụng hộp đựng thức ăn bằng nhựa, xúc tiến tái chế rác thải gia đình. Nhật Bản là một trong các quốc gia đi đầu ở khu vực về bảo vệ môi trường sinh thái, xử lý hiệu quả rác thải. Tại "xứ sở hoa anh đào", các hộ gia đình được yêu cầu phải phân chia rác thành ba loại, gồm rác hữu cơ dễ phân hủy, rác không cháy được, rác khó tái chế nhưng cháy được. Các loại rác này được đựng riêng trong những túi có màu sắc khác nhau và các hộ gia đình phải tự mang ra điểm tập kết rác của cụm dân cư. Việc quản lý rác thải công nghiệp ở quốc gia này cũng diễn ra rất chặt chẽ. Các cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về xử lý lượng rác thải theo quy định của pháp luật.
Mặc dù một số nước áp dụng tốt các mô hình xử lý rác thải, song đối với phần đông các quốc gia châu Á, xử lý rác thải vẫn là một bài toán khó, đòi hỏi nguồn lực tài chính tốt, công nghệ xử lý hiệu quả, tiên tiến. Bên cạnh đó, nguồn dữ liệu phải đầy đủ, toàn diện mới khiến việc hoạch định chính sách và lập kế hoạch xử lý rác trở nên hiệu quả. Bản thân các cơ quan chức năng phải biết rõ số lượng chất thải được tạo ra, chúng ở dạng gì và vị trí phát sinh ở đâu. Một yếu tố không kém phần quan trọng là sự thay đổi về hành vi của mỗi người. Các công ty nên được khuyến khích thực hiện các giải pháp để hạn chế hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn chất thải nhựa trong chuỗi cung ứng. Người tiêu dùng cần thay đổi quan điểm trong sinh hoạt, mua sắm. Việc dùng các đồ vật làm từ chất liệu nhựa sử dụng một lần sẽ làm gia tăng lượng rác thải nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống trong nhiều năm, đi ngược lại xu thế xanh và gây nguy hại cho chính sức khỏe con người.
Trước đó, Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2021 được phát động với thông điệp “Speak up for Nature” – “Lên tiếng vì thiên nhiên” nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về mối liên hệ giữa các tác động của con người với thiên nhiên và nguyên nhân của dịch bệnh, đặc biệt đối với đại dịch Covid-19. Đồng thời, hạn chế tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm đạt mục tiêu không còn rác thải nhựa trong môi trường tự nhiên.
Với thông điệp đó, chiến dịch Giờ Trái Đất 2021 tập trung chủ yếu vào hai chủ đề “Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính” và “Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên”.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nhận định, đại dịch Covid-19 đã và đang làm chậm cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên toàn thế giới. Đại dịch đã khiến cho nhiều nền kinh tế suy thoái một cách nghiêm trọng cũng như đã gây ra những khó khăn cho việc chuyển đổi về mô hình sản xuất và tiêu dùng. "Chúng ta cần phải tính đến những thay đổi này trong cuộc chiến chống rác thải nhựa của khu vực".
Do đó, để giảm thiểu nạn “ô nhiễm trắng” trên các vùng biển, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp cụ thể, trong đó có Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Theo kế hoạch này, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương, đảm bảo 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Đây cũng là cam kết của Việt Nam để duy trì sự bền vững, đồng thời phấn đấu trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa.
Thùy Linh