Bờ biển Ninh Thuận đang bị rác thải nhựa 'nhấn chìm'
Lượng rác thải lớn xả ra cùng với ý thức của người dân chưa cao đã khiến nhiều vùng ven biển ở tỉnh Ninh Thuận đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm nặng.
Hiện, trên nhiều tuyến bờ kè biển, cảng cá, chợ hải sản, kênh mương trong khu vực dân cư thuộc các địa phương ven biển ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, các huyện Ninh Hải, Thuận Nam, hình ảnh dễ dàng nhận thấy là rác thải chất thành từng đống trên bờ, rác dập dềnh trôi theo dòng kênh, mương đen ngòm đang gây mất mỹ quan, tác động xấu đến môi trường biển và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Đơn cử như tuyến bờ kè biển trải dài hàng trăm mét ở phường Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đang trở thành nơi tập kết đủ loại rác thải sinh hoạt khó phân hủy, rác từ hoạt động sản xuất, ngư lưới cụ hư hỏng, xác động vật chết bốc mùi hôi thối kéo theo ruồi, muỗi bủa vây khiến cuộc sống của người dân sống gần bờ kè bị ảnh hưởng không nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Ánh, phường Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cho hay, lực lượng chức năng có cắm biển cấm đổ rác nhưng một số người dân ý thức kém không chịu đem rác ra chỗ tập kết để công nhân vệ sinh thu gom mà cứ tiện tay vứt thẳng xuống bờ kè. Mỗi khi có gió to, rác bay tứ tung trên bờ, xuống biển lâu ngày dồn thành từng đống. Mỗi khi gió biển thổi, mùi rác thối vào nhà không chịu được, các hộ dân trong khu vực phải đóng cửa kín mít.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hải cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương đã cắm biển cấm đổ rác bừa bãi kết hợp tuyên truyền cho người dân về bảo vệ môi trường biển nhưng do nhiều người thiếu ý thức, rác thải vẫn ngổn ngang. Thời gian tới, địa phương sẽ bố trí thêm xe rác ở tuyến bờ kè; đẩy mạnh tần suất thu gom rác thải; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Cùng chung thực trạng, tại khu vực bờ kè Đầm Nại kéo dài hàng km từ chân cầu Ninh Chữ đến cầu Tri Thủy (huyện Ninh Hải) đang ngập tràn rác thải. Khu vực này có chợ Nại buôn bán hải sản, tàu thuyền ra vào tấp nập. Lượng rác thải từ hoạt động sản xuất, chế biến thủy, hải sản, sản xuất nước đá, cộng với nước thải, rác thải rắn như thùng xốp, ngư lưới cụ hư hỏng, vật dụng sinh hoạt của ngư dân thải ra khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm rác thải ở khu vực này đã diễn ra trong nhiều năm, song đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Được biết, để bảo vệ môi trường, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều biện pháp làm sạch môi trường tại các khu vực bãi biển, cảng cá, khu dân cư như tuyên truyền, cắm biển cấm đổ rác tại các “điểm nóng” về ô nhiễm rác thải, tăng cường nhân lực, tăng số lượng xe và tần suất thu gom rác, cho người dân ký cam kết không đổ rác bừa bãi, tổ chức các đợt ra quân thu gom rác thải. Nhờ đó, tình trạng xả rác bừa bãi đã được hạn chế, song việc này cũng chỉ kéo dài được một thời gian ngắn.
Ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa, chất thải sinh hoạt đang thực sự là thách thức để phát triển kinh tế biển, du lịch tại Ninh Thuận. Đã đến lúc, chính quyền địa phương, cộng đồng cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm soát thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải ven biển. Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận cần có chế tài cần thiết để xử lý nghiêm đối với các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.
PV