Chủ nhật, 24/11/2024 15:54 (GMT+7)
Thứ tư, 24/02/2021 17:05 (GMT+7)

Bốn lĩnh vực ưu tiên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã nêu bật 4 lĩnh vực ưu tiên của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết những nguy cơ mà cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra đối với nền an ninh và hòa bình.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề khí hậu và an ninh do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì, ông Guterres khẳng định ưu tiên đầu tiên là cần tập trung hơn nữa vào công tác phòng ngừa "thông qua hành động khí hậu tham vọng và mạnh mẽ."

Ông nêu rõ: "Chúng ta phải đưa thế giới trở lại đúng hướng để đạt được những mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và ngăn chặn thảm họa khí hậu... Chúng ta phải thành lập liên minh toàn cầu thực sự để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải (carbon) vào giữa thế kỷ này."

Bốn lĩnh vực ưu tiên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu khiến thiên tai khốc liệt hơn. (Ảnh minh họa)

Thứ hai, thế giới cần hành động khẩn trương để bảo vệ các quốc gia, cộng đồng và người dân trước những tác động tiêu cực của khí hậu đang ngày một gia tăng và nghiêm trọng hơn.

Cộng đồng quốc tế cần có sự đột phá về khả năng thích ứng và phục hồi, điều đó đồng nghĩa cần nâng mức đầu tư hơn nữa vào các biện pháp cho vấn đề này.

Vấn đề ưu tiên thứ 3, đó là thế giới phải kiên trì theo đuổi quan điểm an ninh đặt con người làm trung tâm. Theo ông, những thiệt hại do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra cho thấy sự tàn phá mà cái gọi là các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có thể gây ra trên quy mô toàn cầu.

Cuối cùng, ông Guterres cho rằng cần thúc đẩy và tăng cường hơn nữa các mối quan hệ đối tác trong và ngoài Liên hợp quốc. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu rõ: "Chúng ta phải tận dụng và xây dựng dựa trên thế mạnh của các bên liên quan khác nhau, bao gồm Hội đồng Bảo an, Ủy ban Xây dựng Hòa bình, các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức khu vực, khu vực tư nhân, giới học giả và các tổ chức khác."

Báo cáo của LHQ cho thấy nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển đã tăng lên mức cao kỷ lục mới trong năm 2020, đặc biệt là khí thải gây hiệu ứng nhà kính carbon dioxide (CO2), khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan càng trở nên trầm trọng, trong đó phải kể đến các vụ cháy rừng, bão lớn, khô hạn và lũ lụt chưa từng có.

Năm 2020 cũng được xác định là năm nóng kỷ lục với nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,25 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, khép lại một thập kỷ với nhiệt độ cao kỷ lục do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng Trái Đất ấm lên.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015 đặt mục tiêu không để nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhằm tránh những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, LHQ cho rằng vẫn có ít nhất 20% khả năng nhiệt độ trung bình của Trái Đất sẽ vượt mức tăng 1,5 độ C vào năm 2024. Các chuyên gia cũng lo ngại lượng khí thải carbon có thể tăng trở lại trong năm 2021.

Tổng cộng có 45 quốc gia trình bày kế hoạch tăng cường khí hậu và 24 quốc gia đưa ra cam kết mới, bao gồm cam kết của Phần Lan là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2035 và Áo vào năm 2040. Vương quốc Anh cam kết cắt giảm 68% phát thải vào năm 2030 so với năm 1990 cũng như lời hứa ngừng ủng hộ các dự án dầu khí ở nước ngoài. Trong khi đó, Ấn Độ cho biết sẽ sớm tăng gấp đôi mục tiêu năng lượng tái tạo, còn Pakistan tuyên bố ngừng xây dựng điện than mới và tạo ra 60% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.

Trung Quốc gần đây đặt ra kế hoạch đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2060 và công bố các cam kết mới vào năm 2030 nhằm giảm hơn 65% cường độ carbon (lượng phát thải CO2 trên một đơn vị GDP) so với mức năm 2005, tăng tỉ trọng nhiên liệu không hóa thạch lên khoảng 25% trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp, mở rộng độ che phủ của rừng làm bể chứa carbon, và tăng gấp đôi công suất năng lượng mặt trời và gió lên 1.200 GW. Tuy nhiên, Trung Quốc không cam kết hạn chế sản xuất điện than.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Bốn lĩnh vực ưu tiên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới