Bộ Trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà - Những dấu ấn trong năm 2022
Năm 2022, Việt Nam nói chung, ngành tài nguyên và môi trường nói riêng đã khẳng định được vị thế, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ
Trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ và làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 11-19/5/2022, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có nhiều hoạt động song phương và Ký kết nhiều Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ TN&MT với các tổ chức quốc tế trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu như: Cùng WWF-US Hợp tác về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; Ký kết bản ghi nhớ với tổ chức tài chính quốc tế (IFC); Ký bản ghi nhớ cùng Tập đoàn CITI về hợp tác trong lĩnh vực môi trường, xã hội và quản trị hướng tới mục tiêu giảm phát thải Carbon…
Dẫn đoàn Việt Nam tham dự COP27
Là người dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại Ai Cập từ ngày 6-18/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, phái đoàn Việt Nam tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đồng thời nghiên cứu triển khai thị trường carbon và chuyển đổi năng lượng.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tại COP27, đoàn Việt Nam có 3 nhiệm vụ. Thứ nhất, Việt Nam cùng với các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu bàn thảo để đưa các cam kết và cơ chế đã được thỏa thuận đi vào thực hiện trên thực tế. Thứ hai, tiếp nối COP26, Việt Nam sẽ tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Thứ ba, Việt Nam sẽ triển khai nhiều hoạt động song phương với các tổ chức quốc tế đa phương, các doanh nghiệp liên quan chuyển đổi năng lượng, tiếp xúc các thể chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác.
Hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại Kỳ họp thứ 4
Trong các ngày từ 21-23/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Lê Minh Ngân họp cùng lãnh đạo chủ chốt các đơn vị để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần 1 tại Kỳ họp thứ 4, đồng thời xây dựng kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật.
Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai. Luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng; thống nhất trong tổng thể các mối quan hệ pháp lý khác có liên quan đến đất đai. Bên cạnh việc hoàn thiện các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan chuyên môn xây dựng các kế hoạch để lấy tổ chức ý kiến nhân dân cũng như các tổ chức, chuyên gia để bổ sung cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
Tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa về bảo vệ môi trường
Ngoài các hoạt động hợp tác quốc tế, các hoạt động về công tác bảo vệ môi trường trong nước cũng được Bộ trưởng Trần Hồng Hà đặc biệt quan tâm. Cụ thể, ngày 23/3, tại Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có bài phát biểu khai mạc quan trọng kêu gọi các cấp chính quyền đổi mới căn bản về thức và tư duy trong hoạch định chính sách phát triển theo hướng kinh tế dựa vào hệ sinh tháiphát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; người dân cả nước tích cực cùng chung tay hành động để mỗi hành động cụ thể sẽ cộng hưởng, tạo sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội vì tương lai bền vững.
Ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã có bài phát biểu kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng tương lai tại buổi Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng ngày Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới 2022…
Ngày 15/11, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng tham dự lễ khởi động Dự án Giảm thiểu ô nhiễm do Bộ TN&MT phối hợp cùng Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành TN&MT năm 2023
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đề nghị toàn ngành cần quyết tâm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.
Đầu tiên là rà soát các kế hoạch hành động phù hợp với tình hình mới, hoàn thành công tác lập phê duyệt quy hoạch, đảm bảo quỹ đất, tài nguyên đầu vào cho nền kinh tế, tiếp tục giải quyết các vướng mắc, giải phóng các nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực xã hội cho phát triển. Nguồn thu từ TN&MT đóng góp 18%-20% thu ngân sách nội địa…
Thứ hai là chủ động thực hiện các giải pháp phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, cải thiện các chỉ số thành phần môi trường; thu hút nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng môi trường, hoàn thành mục tiêu 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp…
Thứ ba, triển khai thực hiện các mục tiêu cam kết về bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên đất liền và trên biển đã được thế giới chính thức thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học; quyết liệt triển khai cam kết về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 với hỗ trợ công nghệ, tài chính từ các đối tác, chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo, giảm phát thải từ sử dụng đất và rừng.
Thứ tư, đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung đa mục tiêu; vận hành cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản TN&MT.
Thứ năm là tiếp tục phân cấp thẩm quyền đi đôi với kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện; đơn giản hóa 15%-20% thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục thiết yếu; đưa chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 2%-3%.
Cuối cùng, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng TN&MT phấn đấu đạt 39% diện tích vùng biển và 75% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỉ lệ 1:50.000.
Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, ngoài nỗ lực, quyết tâm cao của toàn ngành TN&MT thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn các đồng chí lãnh đạo các ban của Đảng, các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương với trí tuệ, tâm huyết tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho ngành về chủ trương lớn, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp, sáng kiến, cơ chế phối hợp, hợp tác để trên cơ sở đó cùng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, ngành TN&MT sẽ xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức triển khai thành công năm 2023.
Phạm Giang