Thứ tư, 17/04/2024 02:19 (GMT+7)
Thứ năm, 04/08/2022 09:55 (GMT+7)

Bộ Tài chính: Vẫn còn nhiều nguy cơ lạm phát từ nay đến cuối năm

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá từ biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược, gây áp lực tới việc kiểm soát lạm phát.

Còn nhiều biến động

Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng liền trước, tăng 3,59% so với tháng 12-2021 và tăng 3,14% so với tháng 7-2021. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%. Trong tháng 7-2022, trừ nhóm giao thông có chỉ số giá giảm mạnh (-2,85%), còn lại 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đều có chỉ số giá tăng so với tháng trước.

Trong tháng 7, giá xăng dầu trong nước giảm mạnh do tác động giảm thuế bảo vệ môi trường và biến động giảm từ giá xăng dầu thế giới. Ở chiều ngược lại, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có biến động tăng, trong đó có giá thịt lợn và một số loại thịt gia cầm tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá thủy, hải sản tươi sống tăng do giá nhiên liệu tăng; giá trứng các loại tăng do đang vào mùa sản xuất bánh Trung thu.

Bộ Tài chính: Vẫn còn nhiều nguy cơ lạm phát từ nay đến cuối năm - Ảnh 1

Chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng cao thứ hai trong các nhóm hàng do nhu cầu tăng vào dịp hè; chỉ số giá điện nước sinh hoạt lũy tiến tăng do nhu cầu sử dụng nhiều điện, nước sinh hoạt vào mùa nắng nóng; giá vật liệu xây dựng và nhân công sửa chữa nhà ở tăng lên do nhu cầu nguyên liệu đầu vào tăng; giá dịch vụ vận tải tăng do vào mùa cao điểm du lịch; giá mặt hàng đồ uống tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong mùa hè, đồng thời, giá nguyên liệu đầu vào và giá vận chuyển tăng...

Về tình hình lạm phát từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính nhận định còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá từ biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới nhất là giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu cho sản xuất; việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng do Nhà nước quản lý; nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt… có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ.

Bên cạnh đó, trong nửa cuối năm, khi các gói trong Chương trình phục hồi của Chính phủ được triển khai quyết liệt, bên cạnh việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tốt hơn thì ít nhiều cũng sẽ gây áp lực tới việc kiểm soát lạm phát do tổng cầu phục hồi tốt hơn, nhu cầu chi tiêu, du lịch của người dân tăng lên sau một thời gian dài bị hạn chế bởi đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, cũng có những yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá. Hiện nay, hầu hết các NHTW trên thế giới đều có những điều chỉnh chính sách trong đó chú trọng thắt chặt chính sách tiền tệ để ưu tiên kiểm soát lạm phát. Khi lạm phát ở các nước được kiểm soát, áp lực từ môi trường bên ngoài có thể giúp kiểm soát lạm phát trong nước, kỳ vọng lạm phát được neo giữ tốt hơn.

Đồng thời, sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Quốc hội và Chính phủ; sự quyết liệt trong chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân; Ngoài ra, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào cùng với các chính sách tài khóa đang và dự kiến triển khai cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Bộ Tài chính, thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá sẽ phối hợp với các Bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình, chuẩn bị các phương án, kịch bản dự báo để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết tình hình 7 tháng đầu năm 2022 có nhiều biến động nhưng dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đạt kết quả hết sức tích cực: kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, chuỗi cung ứng lao động phục hồi nhanh; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại được thúc đẩy.

Theo Thủ tướng, mặc dù đạt được những thành tựu cơ bản, song còn nhiều vấn đề không thể chủ quan như áp lực và nguy cơ lạm phát hiện hữu; giá cả các mặt hàng chiến lược biến động; giải ngân đầu tư công đạt thấp; một số nội dung chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội chưa đạt yêu cầu.

Thủ tướng cho rằng thời gian tới có cả thời cơ, thuận lợi, song khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó nhiệm vụ tháng 8 và những tháng tiếp theo còn rất nặng nề, do đó đề nghị các thành viên chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan của thành tựu, đặc biệt là khó khăn, hạn chế; rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ.

Thủ tướng chỉ rõ việc điều hành phát triển kinh tế-xã hội thực hiện trên tinh thần 4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 không. Bốn ổn định gồm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; ổn định đời sống vật chất, tinh thần nhân dân.

Ba tăng cường gồm tăng cường nắm tình hình; tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở, tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

Hai đẩy mạnh gồm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn, việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Một tiết giảm là tiết giảm chi tiêu đối với những khoản không cần thiết. Một không là không điều hành giật cục.

Theo chương trình phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính: Vẫn còn nhiều nguy cơ lạm phát từ nay đến cuối năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lắng nghe doanh nghiệp để khởi tạo cho giai đoạn phát triển mới
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe, hướng về DN, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư, trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ".

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023