Thứ bảy, 20/04/2024 19:59 (GMT+7)
Thứ tư, 11/05/2022 07:00 (GMT+7)

Bình Phước sẽ có thêm cao tốc hơn 26.000 tỉ đồng sau tuyến TP.HCM–Chơn Thành

Theo dõi KTMT trên

Tuyến cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành có vốn đầu tư hơn 26.000 tỉ đồng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc là điểm nối Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, tuyến đường góp phần giao lưu không gian và phát triển kinh tế - xã hội.

Gấp rút đẩy nhanh tiến độtuyến cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành

Trong hội nghị diễn ra vào tháng 4/2022, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh cho rằng: Tuyến cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành không chỉ là tuyến đường không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là con đường của nghĩa tình giữa các tỉnh.

Đồng thời, theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường: Với sự quyết tâm chính trị cao của cả 2 tỉnh, việc quy hoạch tuyến cao tốc ở giai đoạn 2021 - 2030, nhưng hiện đã được Trung ương thống nhất thực hiện ở giai đoạn 2021 - 2025 là một thành công rất lớn của Bình Phước và Đắk Nông.

“Dự án này là cơ hội góp phần đảm bảo hạ tầng giao thông, kết nối vùng, tạo động lực để 2 tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Tỉnh Bình Phước luôn quyết tâm cao trong quá trình thực hiện tuyến đường chiến lược này; đồng thời chủ động trong tất cả các phương án”, ông Cường nói.

Bình Phước sẽ có thêm cao tốc hơn 26.000 tỉ đồng sau tuyến TP.HCM–Chơn Thành - Ảnh 1
Ảnh minh hoạ.

Cũng liên quan đến tuyến cao tốc này, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước  - SCIC vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đắk Nông – Chơn Thành theo phương thức PPP. Đây là lần đầu tiên, SCIC xem xét đến việc tham gia đầu tư một công trình hạ tầng đường cao tốc theo hình thức PPP.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, để rút ngắn tiến độ triển khai nhằm sớm đưa dự án vào vận hành, SCIC đề xuất Bộ GTVT thực hiện bước "khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án PPP" theo quy định tại Điều 25 - Nghị định 35/2021/NĐ-CP.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đắk Nông – Chơn Thành có điểm đầu tại vị trí giao Quốc lộ 14 với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; Điểm cuối tại ranh giới giữa xã Đắk Sin, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông và xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Đắk Nông.

Hiện nay, tỉnh Bình Phước đã có ý kiến về việc điều chỉnh hướng tuyến, qua đó rút ngắn chiều dài đoạn tuyến qua tỉnh Bình Phước và giảm chi phí đầu tư cho đoạn tuyến cao tốc qua tỉnh này. Theo phương án hướng tuyến do tỉnh Bình Phước đề xuất, tổng mức đầu tư toàn dự án là 26.631 tỉ đồng.

Hiểu rõ tầm quan trọng và nắm bắt tiềm năng

Với vị trí chiến lược quan trọng trong việc kết nối giao thương với các tỉnh Tây Nguyên - Tây Nam Bộ với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước có khả năng tạo cộng hưởng động lực phát triển với toàn vùng.

Cũng là một trong những địa phương đi đầu trong tiến trình phát triển của cả nước, những năm qua, Chính phủ luôn có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ thúc đẩy phát triển hạ tầng, cao tốc để đẩy mạnh tăng trưởng cả về kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm đang triển khai nhằm tạo tiền để cho phát triển kinh tế xã hội toàn vùng, mở lối cho công nghiệp tăng trưởng.

Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước vào tháng 3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Bình Phước có vị trí chiến lược quan trọng, đủ điều kiện để phát triển thành một tỉnh phát triển tương đối toàn diện. Thủ tướng yêu cầu tỉnh ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trước mắt là giao thông đường bộ và đặc biệt là đường cao tốc.

Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương chủ trì, làm việc với Bình Phước, Đồng Nai và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cơ bản đồng ý với các kiến nghị liên quan việc triển khai dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dự án cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)… Trong đó, Thủ tướng lưu ý Bình Phước cần chủ động giải phóng mặt bằng để thu hút nhà đầu tư.

Theo đó, Bình Phước là tỉnh rộng nhất vùng Đông Nam Bộ, sở hữu 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha, trong đó 8 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng. Để khai thác tối đa những lợi thế của tỉnh, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã được quy hoạch và từng bước đầu tư đồng bộ.

Trong đó, điển hình như cao tốc TP.HCM - Chơn Thành - Ðắk Nông với tổng mức đầu tư khoảng 24.275 tỷ đồng; tuyến Ðồng Phú - Bình Dương với tổng vốn đầu tư 2.253 tỉ đồng; Dự án đường sắt Dĩ An - Hoa Lư với tổng vốn đầu tư 948,6 triệu USD; Quốc lộ 14 C kết nối Ðắk Nông với Bình Phước, Tây Ninh, Long An với tổng kinh phí đề xuất nâng cấp là 280 tỉ đồng.

Cùng với đó là phát triển hệ thống bến bãi, cảng cạn, cầu vượt… nhằm tạo lợi thế cho xuất, nhập khẩu hàng hóa trong vùng và các nước trong khu vực. Đây cũng là các yếu tố khiến thị trường BĐS khu vực này đang nhận được sự quan tâm các của nhà đầu tư thời gian qua.

Huỳnh Huỳnh

Bạn đang đọc bài viết Bình Phước sẽ có thêm cao tốc hơn 26.000 tỉ đồng sau tuyến TP.HCM–Chơn Thành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới