Thứ ba, 08/10/2024 13:59 (GMT+7)
Thứ sáu, 20/09/2024 11:17 (GMT+7)

Bình Dương “rót vốn” phát triển du lịch, cơ hội mới cho doanh nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Với tầm nhìn đến năm 2030 và những năm sau đó, chính sách hỗ trợ đặt mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia vào sự phát triển của ngành du lịch tỉnh. Ý kiến đóng góp sẽ được tiếp nhận từ ngày 17/9 đến 17/10/2024.

Theo thống kê từ tỉnh Bình Dương, ngành du lịch trong năm 2023 đã có những bước tiến đáng kể. Tỉnh đã đón và phục vụ khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó có 278 nghìn lượt khách quốc tế, vượt 125% so với kế hoạch năm và tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu du lịch của tỉnh đạt khoảng 1.695 tỷ đồng, hoàn thành 106% kế hoạch năm và tăng 21% so với năm trước. Điều này đã cho thấy ngành du lịch Bình Dương đã phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với lượng khách quốc tế và doanh thu tăng trưởng vượt trội. Tuy nhiên, nếu so sánh với năm 2019 thời điểm trước đại dịch thì tổng lượt khách của năm 2023 chỉ bằng 49%, phản ánh rằng ngành du lịch vẫn chưa trở lại hoàn toàn mức độ sôi động trước đây.

Dù đã đạt được một số thành tựu nhất định sau hơn 2 năm tái khởi động, nhưng tỉnh Bình Dương vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc khai thác tiềm năng du lịch. Lãnh đạo tỉnh nhìn nhận rằng Bình Dương có tiềm năng du lịch đa dạng, nhưng vẫn thiếu các giá trị nổi bật, những điểm nhấn mang tính đột phá có thể trở thành động lực chính để thu hút du khách. Đồng thời, Bình Dương cũng phải cạnh tranh mạnh mẽ với các tỉnh thành lân cận trong việc thu hút khách du lịch. Là một tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, nhưng du lịch của Bình Dương vẫn chưa được khai thác đúng tiềm năng.

Bình Dương “rót vốn” phát triển du lịch, cơ hội mới cho doanh nghiệp - Ảnh 1
Ngành du lịch tỉnh Bình Dương vẫn chưa trở lại hoàn toàn mức độ sôi động trước đây.

Trong bối cảnh đó, dự thảo Nghị quyết về ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh Bình Dương đến năm 2030 và các năm tiếp theo được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Nếu được thông qua, dự thảo sẽ giúp tỉnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng cân bằng hơn giữa công nghiệp và du lịch. Mục tiêu đến năm 2030 là hỗ trợ khoảng 20 dự án xây dựng mới và nâng cấp khách sạn, cùng với 10 dự án kết hợp mô hình vườn cây ăn quả và sản xuất nghề truyền thống với dịch vụ du lịch. Gần 100 học viên lao động trên 18 tuổi sẽ được đào tạo nghề du lịch và khoảng 50 lớp bồi dưỡng sẽ được tổ chức nhằm phát triển nguồn nhân lực.

Các chính sách cụ thể được đề xuất trong dự thảo bao gồm hỗ trợ tài chính cho các dự án xây dựng khách sạn và dịch vụ lưu trú theo tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao. Những dự án khách sạn đạt chuẩn 3 sao sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng mỗi phòng, với mức hỗ trợ tối đa không quá 1,5 tỷ đồng cho mỗi dự án. Đối với các dự án đạt chuẩn 4 sao và 5 sao, mức hỗ trợ sẽ tăng lần lượt lên 40 triệu và 50 triệu đồng mỗi phòng với mức hỗ trợ tối đa là 3,2 tỷ đồng và 5 tỷ đồng. Những dự án sửa chữa, nâng cấp khách sạn để đạt chuẩn 4 và 5 sao cũng sẽ nhận được hỗ trợ tương ứng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ ngày càng cao.

Ngoài ra, dự thảo còn đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các dự án kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch với nông nghiệp và nghề truyền thống. Các tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình vườn cây ăn quả hoặc cơ sở sản xuất nghề truyền thống có thể nhận được hỗ trợ từ 300 triệu đồng cho mỗi dự án. Chính sách cũng bao gồm hỗ trợ chi phí cho việc nâng cấp và cải tạo các mô hình lưu trú homestay, đặc biệt là các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo có quy mô phục vụ từ 15 khách du lịch trở lên, nhằm phát triển du lịch cộng đồng và tăng cường chất lượng dịch vụ lưu trú tại tỉnh.

Bình Dương “rót vốn” phát triển du lịch, cơ hội mới cho doanh nghiệp - Ảnh 2
Dự thảo Nghị quyết về ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh còn đưa ra các chính sách hỗ trợ các dự án kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch với nông nghiệp và nghề truyền thống.

Dự thảo Nghị quyết không chỉ dừng lại ở việc phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ mà còn chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Các khóa đào tạo nghề du lịch sẽ được hỗ trợ tài chính cho người dân từ đủ 18 tuổi trở lên. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có thể nhận được hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng cho mỗi lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Bình Dương.

Cuối cùng, chính sách hỗ trợ xúc tiến du lịch cũng là một phần quan trọng trong dự thảo Nghị quyết. Các tổ chức và hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ chi phí khi tham gia các chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Mức hỗ trợ bao gồm 20% chi phí tham gia chương trình, tối đa không quá 30 triệu đồng cho mỗi chương trình trong nước, 50 triệu đồng cho chương trình tại khu vực châu Á và 100 triệu đồng cho chương trình tại các nước ngoài khu vực châu Á.

Uy Đạt

Bạn đang đọc bài viết Bình Dương “rót vốn” phát triển du lịch, cơ hội mới cho doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Ngành Xây dựng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng bày tỏ mong muốn Vietnam Construction Awards 2024 và Diễn đàn Triển vọng ngành xây dựng Việt Nam sẽ là sự kiện hàng năm và là sân chơi để các doanh nghiệp xây dựng trao đổi, bàn luận các vấn đề nóng...

Tin mới