Bình Định: Giải pháp nào để bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên?
Để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm và ngăn chặn sự suy thoái môi trường sống và hệ sinh thái, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa và có biện pháp quản lý môi trường và bảo vệ hệ sinh thái có hiệu quả.
Đó là nhận định của GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam tại buổi khai mạc Hội thảo với chủ đề “Ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hệ sinh thái, sức khỏe con người: Thách thức và giải pháp/hành động cần thiết” vừa diễn ra tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Đến tham dự Hội thảo có sự góp mặt của 25 nhà khoa học và quản lý ở các trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam và 10 nhà khoa học quốc tế.
Mục đích Hội thảo lần này là dịp để các nhà khoa học và quản lý môi trường thảo luận về các vấn đề môi trường đang xảy ra trong thời kỳ phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam. Qua đó, đưa ra những kiến nghị để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái trong khi vẫn bảo đảm phát triển bền vững cho Việt Nam.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học Việt Nam trình bày và phản ánh tình trạng môi trường ở Việt Nam thông qua các báo cáo xoay quanh những vấn đề như: Chất ô nhiễm vi mô ở Việt Nam - tổng quan về sự hiện diện và khả năng gây nhiễm đến con người (GS Từ Bình Minh, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội); Dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm nông nghiệp (TS Võ Hữu Công, Học viện Nông nghiệp Việt Nam); Việc sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Mê Kông - tình trạng, ô nhiễm và ảnh hưởng đến cá (GS Phạm Duy Hiển, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam); Tích tụ vi nhựa trong cá biển và khả năng gây nhiễm đến con người (TS Trần Thanh Sơn, Trung tâm ICISE và GS. Thẩm Hoàng, Đại học Auburn, Mỹ)…
Bên cạnh đó, các nhà khoa học thế giới chia sẻ những kinh nghiệm của họ về vấn đề ứng phó ô nhiễm môi trường, đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường đến hệ sinh thái và sức khỏe con người và khuyến cáo để bảo đảm phát triển bền vững thông qua nhiều báo cáo khoa học, gồm: Nghiên cứu môi trường cần thiết và cấp bách về các chất ô nhiễm mới phát sinh và đặc biệt quan tâm; nhân tố ảnh hưởng đến sự bùng phát tảo độc và mô hình chẩn đoán sự bùng phát tảo độc; hóa chất gây rối loạn nội tiết trong môi trường - dấu hiệu ảnh hưởng và khuynh hướng làm giảm thiểu ảnh hưởng; mô hình quản lý chất lượng nước, trầm tích ở Úc và New Zealand có thể áp dụng ở Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo GS Trần Thanh Vân cho biết, sự phát triển về kinh tế và công nghiệp gần đây của Việt Nam đã giúp thúc đẩy đất nước phát triển lớn mạnh và nhanh chóng về kinh tế. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp cũng đã gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Cũng theo GS Trần Thanh Vân: “Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là đối với vùng duyên hải. Nạn xâm nhập mặn và hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến canh tác nông nghiệp và thủy sản, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Mê Kông. Để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm và ngăn chặn sự suy thoái môi trường sống, hệ sinh thái, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững, Việt Nam cần tăng cường các biện pháp quản lý môi trường và bảo vệ hệ sinh thái có hiệu quả”.
Thanh Tùng