Bình Định: Kỹ sư điện được tặng bằng khen vì giải cứu rùa biển quý hiếm
Mới đây, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã tặng bằng khen cho 1 kỹ sư điện vì đã có hành động mua lại cá thể rùa biển rồi liên hệ Chi cục Thủy sản Bình Định để giao nộp thả về tự nhiên.
Vừa qua, Chi cục Thủy sản Bình Định (thuộc Sở NN&PTNT) cho biết đã phối hợp với UBND phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) trao giấy khen của Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho ông Nguyễn Ngọc Anh (ở phường Bình Định - kỹ sư điện) vì đã có thành tích trong công tác bảo vệ và bảo tồn rùa biển, góp phần bảo tồn động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam.
Anh Ngọc Anh chia sẻ rằng: "Tôi nghĩ ai đi ngang qua và biết đây là động vật quý hiếm thì cũng sẽ làm như tôi. Tôi rất vui vì việc làm của mình được ghi nhận và hy vọng việc làm của mình sẽ lan tỏa đến nhiều người, đặc biệt là bà con ngư dân, nâng cao ý thức bảo vệ rùa biển".
"Ban đầu ngư dân không bán. Tôi năn nỉ, thuyết phục mãi họ mới đồng ý bán. Sau khi mua được, tôi mới tuyên truyền cho họ biết đây là động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam, nếu buôn bán sẽ bị pháp luật xử lý", anh Ngọc Anh nói.
Như đã thông tin, vào ngày 11/8, trên đường đi công tác tại thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), anh Nguyễn Ngọc Anh phát hiện người dân đánh bắt được 1 cá thể rùa biển liền mua lại rồi liên hệ Chi cục Thủy sản Bình Định để giao nộp thả về tự nhiên.
Cá thể rùa biển nặng 1,5 kg này thuộc loài "cực kỳ nguy cấp" theo phân loại của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Sau khi tiếp nhận, cán bộ Chi cục Thủy sản Bình Định xác nhận đây là loài Đồi mồi (Eretmochelys imbricata) thuộc loại "cực kỳ nguy cấp" theo Phân loại của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN); Phụ lục I của Công ước CITES cấm buôn bán vận chuyển quốc tế.
Vì vậy, cá thể đồi mồi đã được bấm thẻ và thả về biển tại khu vực biển Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định).
Lan toả thông điệp bảo tồn… rùa biển
Chi cục Thủy sản Bình Định (trước đây là Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản) cho biết, hoạt động rùa biển bắt đầu triển khai tại Bình Định vào năm 2007 với sự tư vấn của bà Gail Berbie (tình nguyện viên thuộc tổ chức VSA New Zealand).
Từ năm 2008 đến năm 2016, với sự hỗ trợ của các chương trình dự án của IUCN, WWF, Chi cục tiếp tục tổ chức các hoạt động khảo sát bãi đẻ rùa biển, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và quan sát cứu hộ rùa biển trên tàu câu cá ngừ đại dương.
Thành lập các nhóm tình nguyện viên bảo vệ và cứu hộ rùa biển tại các địa phương, khen thưởng cho các cá nhân có thành tích cứu hộ rùa biển. Từ các hoạt động trên đã giúp nhận thức cộng đồng được nâng cao, cứu hộ 16 con rùa biển trong đó có 4 con rùa xanh và 11 con đồi mồi, bảo vệ được 7 ổ trứng rùa biển với 536 rùa con về biển an toàn.
Từ năm 2016 đến nay, khi không còn sự hỗ trợ của IUCN, WWF, các hoạt động về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo tồn rùa biển được Chi cục lồng ghép khi thực hiện các chương trình dự án khác (GEF, MCD, CRSD) hoặc thực hiện từ nguồn thu phí lệ phí của Chi cục để tiếp tục duy trì hoạt động bảo tồn và cứu hộ rùa biển dựa vào cộng đồng địa phương.
Kết quả ngư dân đã chủ động báo tin, tham gia vận động thả và cứu hộ 26 con rùa biển, đồi mồi và bảo vệ được 5 ổ rùa biển với 380 con rùa con về biển an toàn (2 ổ rùa tại Kỳ Co Nhơn Lý năm 2018 với 230 rùa con và 3 ổ rùa tại Nhơn Hải năm 2021 với 150 rùa con được về biển an toàn).
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định Trần Kim Dương, thành công trong công tác bảo tồn rùa biển tại Bình Định là từ sự hợp tác của nhiều bên liên quan từ cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và đặc biệt là sự tích cực tham gia của cộng đồng địa phương.
"Mong rằng thời gian đến, sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành tích cực từ người dân đặc biệt là cộng đồng ngư dân, những người con gắn liền với biển trong công tác bảo tồn rùa biển và các loài động vật quý hiếm", ông Dương nói.
Hà Ly