Biển Việt Nam trước nguy cơ bị ô nhiễm?
Biển chứa đựng tiềm năng rất lớn cho phát triển du lịch, cung cấp nguồn lợi sinh vật biển. Tuy nhiên, sự gia tăng các nguồn thải từ lục địa khiến môi trường biển đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng.
Biển và đại dương chiếm 71% diện tích hành tinh với độ sâu trung bình 3.710 m và tổng khối nước 1,37 tỉ km3.
Tài nguyên biển và đại dương rất đa dạng được chia ra thành các loại: Nguồn lợi hóa chất và khoáng chất chứa trong khối nước và đáy biển; Nguồn lợi nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là dầu và khí tự nhiên, nguồn năng lượng "sạch" khai thác từ gió, nhiệt độ nước biển, các dòng hải lưu và thủy triều. Mặt biển và vùng thềm lục địa là đường giao thông thủy, biển là nơi chứa đựng tiềm năng cho phát triển du lịch, tham quan, nghỉ ngơi, giải trí, nguồn lợi sinh vật biển.
Sinh vật biển là nguồn lợi quan trọng nhất của con người, gồm hàng loạt nhóm động vật, thực vật và vi sinh vật. Hai nhóm đầu có tới 200.000 loài. Sản lượng sinh học của biển và đại dương như sau: Thực vật nổi 550 tỉ tấn, thực vật đáy 0,2 tỉ tấn, các loài động vật tự bơi (mực, cá, thú...) 0,2 tỉ tấn. Năng suất sơ cấp của biển khoảng 50 - 250 g/m2/năm. Sản lượng khai thác thủy sản từ biển và đại dương toàn thế giới gia tăng, ví dụ năm 1960: 22 triệu tấn; 1970: 40 triệu tấn; 1980: 65 triệu tấn; 1990: 80 triệu tấn. Theo đánh giá của FAO, lượng thủy sản đánh bắt tối đa từ biển là 100 triệu tấn.
Biển và đại dương là kho chứa hóa chất vô tận. Tổng lượng muối tan chứa trong nước biển là 48 triệu km3, trong đó có muối ăn, iot và 60 nguyên tố hóa học khác. Các loại khoáng sản khai thác chủ yếu từ biển như dầu khí, quặng Fe, Mn, quặng sa khoáng và các loại muối. Năng lượng sạch từ biển và đại dương hiện đang được khai thác phục vụ vận tải biển, chạy máy phát điện và nhiều lợi ích khác của con người.
Biển Ðông của Việt nam có diện tích 3.447.000 km2, với độ sâu trung bình 1.140 m, nơi sâu nhất 5.416 m. Vùng có độ sâu trên 2.000 m chiếm 1/4 diện tích thuộc phần phía Ðông của biển. Thềm lục địa có độ sâu <200 m chiếm trên 50% diện tích. Tài nguyên của Biển Ðông rất đa dạng, gồm dầu khí, tài nguyên sinh vật (thuỷ sản, rong biển). Riêng trữ lượng hải sản ở phần Biển Ðông thuộc Việt Nam cho phép khai thác với mức độ trên 1 triệu tấn/năm. Sản lượng dầu khí khai thác ở vùng biển Việt Nam đạt khoảng 20 triệu tấn.
Biển Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng như thế nào?
Biển nhận các chất ô nhiễm từ hai nguồn chính là lục địa và từ biển. Các chất gây ô nhiễm chủ yếu là dầu, hóa chất bảo vệ thực vật, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp.
Việt Nam có khoảng 13 hệ sinh thái chính ở biển và đới bờ. Các hệ sinh thái này rất dễ bị tổn thương bởi tác động ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm dầu. Theo Thống kê của Cục Môi trường (Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - tên gọi cũ), kể từ năm 1989 đến nay có hơn 20 vụ tràn dầu lớn nhỏ được ghi nhận. Điển hình là:
- Sự cố Quy Nhơn ngày 10/8/1989, hơn 200 tấn dầu FO đã tràn ra Vịnh Quy Nhơn.
- Sự cố Bạch Hổ ngày 26/11/1992, khoảng 300 - 700 tấn dầu thô đã tràn ra biển do đứt đường ống mềm.
- Sự cố ngoài khơi Vũng Tàu ngày 20/9/1993, 2.000 tấn bột mì và 200 tấn dầu FO và DO đã loang ra một vùng rộng lớn khoảng 640 km2.
Thiệt hại kinh tế ước tính lên đến hàng trăm tỉ đồng. Hơn nữa, hàng năm khoảng 200 triệu tấn dầu thô của các nước vận chuyển thông qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đến Nhật Bản và Hàn Quốc, đang tạo nguy cơ không nhỏ về sự cố tràn dầu, gây ô nhiễm biển.
Lan Anh (T/h)