Biến đổi khí hậu có thể làm tăng nguy cơ ung thư
Một nghiên cứu của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) mới đây cho biết, khi Trái Đất ấm lên, băng ở hai cực tan ra sẽ giải phóng một lượng lớn những vật chất gây ung thư vào trong không khí và đại dương.
Tờ Daily Mail cho hay, nghiên cứu này chỉ ra rằng, một khi những hóa chất bền vững theo chuỗi thức ăn xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ làm tăng tỉ lệ mắc ung thư, bệnh tim mạch, hoặc chứng vô sinh.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những hiện tượng thời tiết cực đoan và Trái Đất ấm lên sẽ làm tăng tỉ lệ tiếp xúc với các vật chất ô nhiễm.
Những chất hữu cơ ô nhiễm bền vững (gọi tắt là POPs) này có thể tồn tại trong môi trường hàng chục năm, đồng thời có thể tích tụ trong những tổ chức bên trong cơ thể. Theo các nhà khoa học, chúng bao gồm thuốc sâu DDT, hay chất Polychlorinated biphenyls (PCBs) trong các thiết bị điện.
Donald Cooper, thuộc UNEP, người sẽ công bố bản báo cáo này tại Hội nghị về khí hậu của LHQ diễn ra ở Cancun, Mexico nói, trong quá khứ, sự phát tán các chất POPs vào nước biển và không khí bị ngăn chặn bởi các sông băng. Tuy nhiên, những hiện tượng khí hậu cực đoan, như lũ lụt ở Pakistan trong năm nay, sẽ khiến rất nhiều chất ô nhiễm đang được tích trữ hoặc đợi tiêu hủy phát tán vào môi trường. Ngoài ra, việc Trái Đất ấm lên sẽ khiến bệnh sốt rét lan tràn và và người ta sẽ phải dùng nhiều thuốc DDT hơn để đối phó với các loại côn trùng truyền bệnh.
Cooper cho rằng, dù chỉ một lượng rất nhỏ các chất POPs xâm nhập vào chuỗi thức ăn, tuy nhiên, thông qua nhiều năm tích lũy, nồng độ của chúng sẽ ngày càng cao lên. Và điểm cuối của chuỗi thức ăn ấy không phải ai khác chính là con người.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên cảnh báo về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu với ung thư. Trong một phân tích của gần 50 bài báo khoa học công bố hồi năm 2020, các nhà nghiên cứu đã cung cấp tóm tắt những tác động trong tương lai do sự nóng lên toàn cầu đối với các bệnh ung thư, từ chất độc môi trường đến bức xạ tia cực tím, ô nhiễm không khí, các tác nhân lây nhiễm và sự gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm và nước.
Cuối cùng, thách thức lớn nhất đối với bức tranh ung thư toàn cầu có thể là bắt nguồn từ sự gián đoạn các hệ thống chăm sóc sức khỏe phức hợp cần thiết cho việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc ung thư, các nhà nghiên cứu cho biết. Đánh giá này đã được công bố trên tạp chí The Lancet Oncology.
Robert A. Hiatt, MD, Ph.D., giáo sư dịch tễ học và thống kê sinh học, Phó Giám đốc của Trung tâm Ung thư Toàn diện Gia đình Helen Diller UCSF, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Trong cuộc chiến nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu trên toàn thế giới, cộng đồng quốc tế không định hướng làm giảm phát thải khí nhà kính. Năm 2015 - 2019 là năm năm khí hậu toàn cầu ấm nhất được ghi nhận và năm 2020 là năm đã chứng kiến những tác động to lớn đến khí hậu, từ tình trạng cháy rừng cho đến bão lũ nghiêm trọng”.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe là rất lớn và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có các hành động ứng phó nhanh chóng. Nhiệt độ cao, chất lượng không khí kém và cháy rừng khiến tỉ lệ mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch cao hơn. Nhiệt độ ấm hơn và lượng mưa thay đổi làm tăng nguy cơ và sự lây lan của các bệnh do véc tơ truyền nhiễm bệnh, chẳng hạn như sốt rét và sốt xuất huyết.
Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh rằng, các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra thương vong, tổn thất, sự dịch chuyển và làm gián đoạn việc chăm sóc sức khỏe.
Ung thư được dự đoán là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong thế kỷ 21. Trên toàn thế giới, có 24,5 triệu ca ung thư mới và có 9,6 triệu ca tử vong trong năm 2017, tăng đáng kể so với năm 2008 với 12,7 triệu ca mắc và 7,6 triệu ca tử vong.
Một số trung tâm điều trị ung thư đã cố gắng thích ứng với các mối đe dọa do khí hậu bằng cách thực hiện các kế hoạch để hỗ trợ khả năng phục hồi sau các thiên tai lũ lụt có thể xảy ra trong tương lai.
Các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu nói chung có thể có lợi cho việc ngăn ngừa ung thư bằng cách giảm phát thải khí nhà kính có hại. Các nhà khoa học kêu gọi các biện pháp can thiệp như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất bền vững và giảm lượng thịt đỏ và thịt chế biến.
Leticia Nogueira, nhà khoa học tại Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và là tác giả của báo cáo cho biết: “Biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa trong tương lai nữa mà nó đang tác động đến kết quả việc điều trị căn bệnh ung thư ngày nay và có những việc chúng ta có thể hành động để đối phó với tình trạng này”.
Hà My