Biến đổi khí hậu: Băng tan dẫn đến nhiều hiểm hoạ khôn lường
Biến đổi khí hậu đang dẫn đến những biến đổi ngầm bên dưới những lớp băng vĩnh cửu - nơi những nền đất bị đóng băng quanh năm có chứa rất nhiều khoáng chất, thực vật mục rữa.
Băng vĩnh cửu tan chảy nhả ra lượng lớn khí CO2 khiến môi trường sống bị đe dọa. |
Băng tan giải phóng các khí nhà kính vào bầu khí quyển
Các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley đã thử rút một lõi đất băng từ lớp đất nền tại Barrow, Alaska. Kết quả cho thấy tổng lượng thực vật mục rữa bên dưới lớp băng vĩnh cửu này tạo thành một lượng lớn carbon gấp 200 lần lượng khí thải mà con người thải vào khí quyển mỗi năm.
Các nhà khoa học đã đi sâu nghiên cứu, phân tích theo chiều dài của khối đá với phần đất chính: tầng đất bề mặt, đây là lớp vỏ sẽ rã băng vào mùa xuân, lại đông cứng vào mùa thu và lớp đất vĩnh cửu chính, lớp đất này đã đóng băng từ khoảng 10.000 năm trước.
Vào mùa xuân, lớp băng tại tầng đất mặt tan ra khiến vi khuẩn bên trong hoạt động, chúng sẽ bắt đầu phân hủy những xác cây mục rữa, khi đó chúng sẽ giải phóng các loại khí nhà kính, như carbon dioxide (CO2) và metan (CH4). Các nhà khoa học cho rằng, những diễn biến cực đoan của thời tiết là hệ quả của sự ấm lên toàn cầu.
Mới đây, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo, Trái đất đang ở trạng thái khí nhà kính không kiểm soát được. Từ trước đến nay chúng ta đều cho rằng, hoạt động của con người (thông qua sản xuất công nghiệp, chặt phá rừng, sử dụng nhiên liệu hóa thạch…) là nguyên nhân duy nhất làm tăng phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, những yếu tố nội tại cũng góp phần làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Quá trình này diễn ra ngày càng mạnh mẽ khi Trái đất nóng lên. Một lượng lớn khí CH4 đang được giải phóng từ các lớp băng dày vùng cực. Loại khí này có tác dụng giữ nhiệt và góp phần làm gia tăng nhiệt độ của Trái đất. Nhiệt độ tăng cũng khiến băng ở vùng cực tan chảy, làm lộ ra những lớp băng vĩnh cửu nơi lưu giữ một lượng lớn CO2.
Các nhà khoa học ước tính có khoảng 1.400 tỉ tấn carbon được chôn trong lớp băng vĩnh cửu và hoạt động tan băng cùng với sự nóng lên của Trái đất tại các khu vực giàu sunfua sẽ tiếp tục giải phóng thêm nhiều CO2.
Lượng khí này được bổ sung vào khí quyển trong khi số lượng cây xanh trên Trái đất ngày càng ít đi (do chặt phá rừng, lụt lội, sa mạc và quá trình đô thị hóa). Bên cạnh đó, sự phun trào của núi lửa đã phóng thích bụi vào bầu khí quyển và đây cũng là nguyên nhân làm Trái đất ấm hơn. Các nhà khoa học dự đoán, có khoảng 30% khí CO2, CH4 giải phóng khỏi lòng đất khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, nếu điều này thực sự xảy ra thì đó sẽ là một thảm họa.
Biến đổi khí hậu có thể phát tán virus đã bị đóng băng trong hàng nghìn năm cũng có thể được giải phóng. (Ảnh minh hoạ) |
Phát tán các loại vi sinh vật, virus nguy hiểm chưa từng được biết đến
Sự nóng lên toàn cầu đã khiến các sông băng trên khắp thế giới tan chảy và có thể giải phóng các vi sinh vật và virus đã bị đóng băng hàng nghìn năm.
Vào năm 2015, các nhà khoa học từ 5 quốc gia Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ý và Peru đã tập hợp các chỏm băng Guliya ở núi Côn Lôn. Đây là một hoạt động được thực hiện bởi Viện nghiên cứu cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Đại học Ohio ở Hoa Kỳ, mục đích là để nghiên cứu các đặc trưng của môi trường cổ đại thông qua cách khoan lõi băng sâu.
Qua khử trùng nghiêm ngặt, nhóm nghiên cứu đã phân lập từ lõi băng các vi sinh vật tương đối phong phú, bao gồm 18 vi khuẩn và 33 loại virus, cách hiện nay từ 520 đến 15.000 năm. Trong số đó, có 28 loại virus con người chưa từng được biết đến.
Trước đó, tháng 3/2014, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại virus khổng lồ dài 1,5 micron trong vùng đất đóng băng Siberia. Thời đại tồn tại của nó là hơn 30.000 năm trước và các nhà khoa học đặt tên cho nó là "virus miệng rộng Siberia".
Năm 2004, một nhóm khảo cổ gồm các nhà khoa học Pháp và Nga đã khai quật được một số "xác ướp" đông lạnh đã chết hơn 300 năm trước trong vùng băng vĩnh cửu ở phía đông bắc Siberia. Người chết được phát hiện mang virus đậu mùa.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy hài cốt của một nạn nhân cúm năm 1918 từ vùng đất đóng băng vĩnh cửu ở Alaska, thu được toàn bộ trình tự bộ gen của virus cúm từ các mẫu di thể và phát hiện ra rằng virus này mạnh hơn virus cúm hiện tại.
Các loại virus cổ đại này chưa được giới khoa học biết đến nên không thể dự đoán các tác động của chúng tới con người. Nhưng cũng không loại trừ khả năng các loại virus này là những mầm bệnh gây ra những nguy hiểm không thể lường trước.
Quang Huy