Chuyển giao và phát triển công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày 6/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo Chuyển giao và phát triển công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hội thảo đã công bố và giới thiệu các công nghệ có thể chuyển giao trong khuôn khổ Chương trình KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 – 2020 (Chương trình BĐKH/16-20).
Điều tra sinh trưởng rừng ngập mặn tại đầm Đề Gi, tỉnh Bình Định trong khuôn khổ Đề tài BĐKH.19/16-20 (nguồn: WIP) |
Phát biểu tại hội thảo, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Chánh văn phòng Chương trình BĐKH/16-20 cho biết: 5 năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt triển khai thực hiện 43 nhiệm vụ nghiên cứu trong khuôn khổ Chương trình BĐKH/16-20. Đến nay, nhiều đề tài đã nghiệm thu và đạt được kết quả rất tích cực. Các kết quả nghiên cứu có thể chuyển giao vào thực tiễn công tác quản lý và cho địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Các đề tài đã góp phần xác lập cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, thiết kế hệ thống giám sát và cảnh báo sớm về khí hậu và biến đổi khí hậu; tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào quy trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch cũng như đề xuất định hướng sửa đổi cho Luật Môi trường, Luật đất đai.
Quá trình triển khai, các đề tài đã ứng dụng một số công nghệ tiên tiến trong quản lý quy hoạch sử dụng đất, khoáng sản...; đã nghiên cứu cơ sở lý luận để xây dựng bộ tiêu chí và xác định chỉ số an ninh môi trường, kết chuyển các giá trị tài nguyên môi trường vào hệ thống tài khoản quốc gia; hoạch toán tài khoản quốc gia mới vào công tác hoạch định và điều hành chính sách quản lý tài nguyên và môi trường Việt Nam.
Đại diện nhóm tác giả một số đề tài đã trình bày tham luận về những kết quả nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Tiêu biểu là “Phát triển công nghệ GIS trong đánh giá áp lực sử dụng tài nguyên đất - ứng dụng trên địa bàn TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh” thuộc Viện Đo đạc và Bản đồ; “Xây dựng Bộ chỉ số an ninh môi trường và đề xuất khung chính sách đảm bảo an ninh môi trường cho Việt Nam” thuộc Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường; “Xây dựng giải pháp IoT ứng dụng quan trắc, giám sát các thông số khí tượng thủy văn và môi trường. Nghiên cứu tại Đài Khí tượng thủy văn Đồng bằng Bắc bộ” thuộc Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; “Một số kết quả nghiên cứu về rừng ngập mặn khu vực Nam Trung Bộ trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng” thuộc Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình. Những công nghệ được ứng dụng đều hỗ trợ tăng cường năng lực cho các đơn vị trong quản lý ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại diện Ban chủ nhiệm Chương trình, PGS.TS Đinh Hữu Thanh cho rằng, kết quả của tất cả các đề tài đều bám sát đặt hàng sản phẩm của Chương trình và Bộ TN&MT. Điều cần quan tâm là sau khi tổ chức đánh giá nghiệm thu đề tài, làm thế nào để từ nghiên cứu khoa học trở thành ứng dụng phổ biến trong cuộc sống. Có nhiều kết quả nghiên cứu rất tốt nhưng khi bắt tay nhân rộng lại khó triển khai. Việc bắt tay với doanh nghiệp là một hướng đi để đầu tư phát triển sản phẩm hơn nữa trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận làm rõ hơn về khả năng ứng dụng cũng như nâng cao chất lượng kết quả đề tài, các giải pháp nhằm chuyển giao và phát triển các công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vào thực tế.
Khánh Ly