Thứ sáu, 29/03/2024 22:14 (GMT+7)
Thứ năm, 22/07/2021 13:59 (GMT+7)

Bát Xát – Lào Cai: Giữ rừng bằng chi trả dịch vụ môi trường rừng

Theo dõi KTMT trên

Đời sống người dân được cải thiện, người dân yêu quý và gắn bó với rừng hơn, không còn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, đó là nhờ chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Cải thiện sinh kế cho người dân

Với Bát Xát, DVMTR từ lâu đã trở thành yếu tố then chốt để phát triển sinh kế bền vững cho người dân sống ở ven rừng, gần rừng trên địa bàn huyện. Đồng thời, nó bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, duy trì nguồn nước sạch và liên tục cho sinh hoạt, sản xuất, lưu giữ cac-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính giúp rừng phát triển bền vững.

Từ đầu năm 2012, huyện Bát Xát bắt đầu triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Chính sách chi trả DVMTR không những tạo nguồn tài chính góp phần đầu tư trực tiếp vào việc bảo vệ và phát triển rừng, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển tài nguyên rừng, cải thiện môi trường sống, hạn chế các hành vi gây tổn hại đến rừng.

Ý thức của dân trong việc giữ rừng được nâng lên, tại các thôn bản đã tự lập ra các tổ tuần tra để bảo vệ rừng, xây dựng các quy ước, hương ước của thôn bản trong quá trình bảo vệ rừng tại thôn.

Bát Xát – Lào Cai: Giữ rừng bằng chi trả dịch vụ môi trường rừng - Ảnh 1
Rừng của Bát Xát được bảo vệ và phát triển nhờ DVMTR.

Theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Bát Xát, hiện huyện có 11.187,12 ha rừng được chi cho DVMTR với tổng số tiền là 6.302.986.800 đồng. Đơn giá chi trả bình quân trên 1 héc-ta rừng đạt cao, cao hơn cả mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ rừng (bình quân 390.000 đồng/ha). Trong đó Lưu vực Nhà máy thủy điện Ngoi phát: 600.000/ha. Lưu vực Nhà máy thủy điện Cốc San là: 462.000 đồng/ha.Lưu vực nhà máy thuỷ điện Vân Hồ: 460.000 đồng/ha. Nhờ triển khai tốt chính sách chi trả DVMTR, thu nhập thực tế bình quân của các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng đã có những cải thiện, thu nhập tiền DVMTR đạt 2.000.000 - 4.000.000 đồng/hộ/năm. Nguồn tiền DVMTR đã góp phần nâng cao đời sống người làm nghề rừng, giảm tỉ lệ hộ nghèo tại các lưu vực cung ứng DVMTR.

Việc tích cực thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Bát Xát đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Góp phần phát triển kinh tế và xã hội, giảm thiểu mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao chất lượng rừng. Làm tăng khả năng phòng hộ của rừng, đảm bảo cân bằng sinh thái giảm thiểu biến đổi khí hậu, hạn chế hạn hán, lũ lụt, độ che phủ của rừng đã được tăng lên. Trước đây, công tác quản lý bảo vệ của các chủ rừng, cộng đồng gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp do không có kinh phí hoạt động. Từ khi có Quyết định của UBND tỉnh Lào Cai về triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR cho các chủ rừng, cộng đồng quản lý bảo vệ rừng đã thành lập các chốt, tổ đội thường xuyên tổ chức tuần tra, bảo vệ và cắm mốc ranh giới, mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng tạo thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ rừng.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Những năm trước đây, tại một số xã vùng cao của huyện Bát Xát thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cháy rừng làm cho rừng bị biến mất do sự bất cẩn của người dân khi đốt nương làm rẫy, chăn thả gia súc, săn bắn thú rừng…

Theo đánh giá của các cơ quan liên quan, bên cạnh những kết quả đã đạt được tại thời điểm này, số tiền chi trả DVMTR chưa hoàn toàn đáp ứng được giá trị sức lao động và nhu cầu sống tối thiểu của người dân. Đặc biệt, việc chi trả DVMTR trên địa bàn huyện tới từng chủ rừng còn rất khó khăn do quy định tài chính và các văn bản liên quan tới phương thức, hồ sơ nghiệm thu thanh toán chưa phù hợp đặc thù địa phương; mức chi trả thấp, chênh lệch chi trả trên các lưu vực rất lớn, gây khó khăn cho công tác vận động, tuyên truyền, ảnh hưởng mạnh mẽ tới ý thức người dân… Vì vậy, các đơn vị cũng kiến nghị, cần tăng cường hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng cùng chung tay trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Bát Xát – Lào Cai: Giữ rừng bằng chi trả dịch vụ môi trường rừng - Ảnh 2
Nhờ vào DVMTR màu xanh đã phủ kín những cánh rừng của huyện Bát Xát - Lào Cai.

Bên cạnh đó, thực hiện điều tra khảo sát nhu cầu đào tạo hàng năm và lập kế hoạch đào tạo hợp lý. Ngoài ra, ban hành các hướng dẫn, văn bản quy định chi tiết cụ thể theo hướng phù hợp thực tế, tinh giản trình tự thủ tục…

Chính sách chi trả DVMTR được triển khai trên địa bàn đã từng bước thúc đẩy, tạo lập cơ chế thị trường có định hướng và thể hiện vai trò điều tiết của Nhà nước; thể hiện mối quan hệ trong giao dịch kinh tế giữa một bên mua là bên sử dụng DVMTR và bên bán là bên cung ứng DVMTR. Đặc biệt, việc chi trả rất có ý nghĩa, nhất là đối với các hộ nghèo, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở miền núi.

Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR đã đi vào cuộc sống, các đối tượng được hưởng lợi từ DVMTR đã chi trả tiền DVMTR ủy thác qua Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng các cấp. Từ chính sách này thấy rõ mối liên kết kinh tế mang tính bền vững giữa bên sử dụng và bên cung ứng DVMTR. Mặt khác, rừng trong vùng được hưởng chính sách chi trả DVMTR được bảo vệ tốt hơn, đời sống người lao động nghề rừng được cải thiện, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị tại địa phương.

Bích Hợp 

Theo Báo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Bát Xát – Lào Cai: Giữ rừng bằng chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.