Thứ bảy, 23/11/2024 03:05 (GMT+7)
Thứ tư, 21/07/2021 16:30 (GMT+7)

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: 'Không đánh đổi rừng để phát triển kinh tế'

Theo dõi KTMT trên

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng đối với rừng hiện nay chỉ giữ và trồng mới, không nên đánh đổi phá rừng để làm các dự án. Bởi mất rừng là mất sự sống, mất đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến môi trường, thúc đẩy biến đổi khí hậu mạnh hơn.

Hơn 24 ha đất rừng cho nhà máy nhiệt điện

Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định chủ trương cho phép chuyển đổi 24,4 ha đất rừng sang thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II, với tổng mức đầu tư 2,2 tỉ USD.

Theo tờ trình của UBND tỉnh Hà Tĩnh, diện tích có rừng cần chuyển mục đích sử dụng sang làm dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II là 24,42 ha. Diện tích này để thực hiện các hạng mục tuyến ống xỉ, bãi xỉ, đường xả ống làm mát, trạm bơm, khu vực tổ hợp thiết bị. Trong đó, rừng phòng hộ 9,95 ha; rừng sản xuất 9,31 ha và 5,16 ha ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Số diện tích đất rừng trên địa bàn các xã Kỳ Lợi, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh (Thị xã Kỳ Anh).

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: 'Không đánh đổi rừng để phát triển kinh tế' - Ảnh 1
Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II sẽ lấy đi hơn 24 ha đất rừng? Ảnh: Tiến Đạt. 

Đây không phải lần đầu tiên chính quyền các địa phương làm tờ trình xin chuyển đổi đất rừng để làm thủy điện, nhiệt điện, khu du lịch, phục vụ kinh tế. Việc các địa phương liên tục làm tờ trình xin chuyển đổi đất rừng để làm các dự án kinh tế khiến diện tích rừng của nước ta ngày càng “teo tóp”.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ TN&MT tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ làm rõ quan điểm là chấp nhận hay không việc chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án theo đề nghị của các địa phương.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ TN&MT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát và báo cáo kết quả thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án. 

Cụ thể, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương báo cáo tập trung vào nội dung kết quả thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích phi nông nghiệp; bao gồm diện tích đã thực hiện, diện tích chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: 'Không đánh đổi rừng để phát triển kinh tế' - Ảnh 2
GS.TSKH - Đặng Huy Huỳnh trong một lần đi khảo sát cây di sản. (Ảnh NVCC)

Các địa phương báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo các văn bản đã được Quốc hội cho phép; kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng được Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 theo Nghị quyết của Chính phủ đã phê duyệt.

Bộ cũng đề nghị các địa phương báo cáo kết quả về việc thực hiện theo các Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh cho phép chuyển mục đích nhưng đã quá thời hạn 3 năm kể từ ngày có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ mà chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Ngoài ra, các dự án thuộc diện được chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà không phải xin phép theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai 2013 về “điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư” cũng phải báo cáo. Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo văn bản cho phép của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh và kết quả xử lý các vi phạm trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, các địa phương báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 15/7/2021, để Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Không đánh đổi rừng để lấy dự án

Liên quan đến vấn đề này, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN. Theo GS Huỳnh, rừng có vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc sống của loại người nhất là trong vấn đề hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Không có gì có thể thay thế được vai trò của rừng.

Rừng liên quan đến cuộc sống của người dân, đặc biệt dân tộc thiểu số, những người ở miền núi. Việt Nam hiện nay có 14,1 triệu người thuộc các nhóm người dân tộc thiểu số, họ sống ở trong khu vực có rừng.

"Năm 2020 Việt Nam được thế giới ghi nhận là 1 trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Rừng là một yếu tố chính đảm bảo tính đa dạng sinh học của nước ta. Nếu mất rừng, chúng ta mất tất cả, không giữ được tính đa dạng sinh học", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nói.

Cũng theo GS Huỳnh, rừng là cuộc sống, là nước, là biện pháp chống xói mòn, là lá chắn bảo vệ đất... Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp xin chuyển đổi đất rừng để làm thủy điện, nhiệt điện, dự án bất động sản, nghỉ dưỡng...là đánh đổi rừng để phát triển kinh tế. Khi đánh đổi rừng để làm kinh tế, chúng ta phải cân nhắc được và mất. Và, trong trường hợp này thường mất nhiều hơn được. Nếu doanh nghiệp làm 1 kW điện, ít nhất phải phá 12 - 15, thậm chí 30 ha rừng. Trong khi đó, rừng bảo vệ hệ sinh thái, bảo các loại động vật, bảo vệ các loại thực vật, bảo vệ đất, chống xói mòn, dự trữ carbon. Rừng là bể hấp thụ carbon, thải oxy. Trong biến đổi khí hậu, khi trái đất nóng lên thì rừng càng có ý nghĩa.

Vị GS.TSKH này dẫn chứng, năm 2019, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đó giữ vai trò Thủ tướng Chính phủ từng nói rằng dứt khoát phải giữ rừng hiện nay, không làm suy giảm diện tích rừng nguyên sinh. Bởi rừng nguyên sinh của chúng ta hiện nay chỉ còn 0,57 triệu ha, phân bố rải rác.

Năm 2021, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã lựa chọn chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới (5/6) là “Phục hồi hệ sinh thái” nhằm tập hợp sự đoàn kết của các quốc gia cùng tham gia bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên thế giới vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Đây cũng là sự kiện khởi động cho Thập kỷ Liên Hợp Quốc về phục hồi hệ sinh thái (2021-2030).

"Các chủ trương, chính sách đi ngược lại chính sách này làm suy giảm chiến lược phát triển bền vững của đất nước ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, của cộng đồng. Theo quan điểm của tôi, đối với rừng hiện nay chỉ giữ và trồng mới, không nên đánh đổi rừng để làm các dự án. Bởi mất rừng là mất sự sống, mất đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến môi trường, thúc đẩy biến đổi khí hậu mạnh hơn. Hậu quả chúng ta đã thấy rõ qua những thiên tai mà người dân các tỉnh miền Trung phải gánh chịu trong những tháng cuối năm 2020", GS.TSKH Đăng Huy Huỳnh nhấn mạnh.

Chia sẻ với báo chí, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, phát triển điện than làm tăng thêm rủi ro khi Việt Nam đứng trước nguy cơ phải phụ thuộc vào nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc. Ngoài ra, việc gia tăng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu than, khí cho phát điện sẽ đặt ra nhiều rủi ro với an ninh năng lượng quốc gia. 

Hà Nam - Xuân Hòa

Bạn đang đọc bài viết GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: 'Không đánh đổi rừng để phát triển kinh tế'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới