Bất đắc dĩ thất nghiệp - Môi giới bất động sản chật vật dịp cận Tết
Hình ảnh một số môi giới bất động sản ngồi tại các điểm tư vấn, các quán cafe để đón khách, cho thấy họ đang cố gắng “vớt vát” khách mua những ngày cận Tết nguyên đán.
Không có thưởng Tết, nhiều môi giới rơi vào cảnh chật vật, khó khăn
Hôm nay là Tết dương lịch 2023 và còn gần một tháng nữa đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhưng phần lớn nhân viên môi giới bất động sản (BĐS) đã phải nghỉ Tết sớm. Bất đắc dĩ thất nghiệp, lại không có thưởng Tết, nhiều người rơi vào cảnh chật vật, khó khăn.
Theo thông tin cho biết, trước sự trầm lắng chung của toàn thị trường, giao dịch giảm sút mạnh đã khiến các văn phòng và môi giới BĐS chán nản. Dịp Tết năm nay cũng là thời điểm hàng nghìn nhân viên môi giới BĐS rơi vào cảnh chật vật khi bị cho nghỉ Tết sớm, thậm chí nghỉ không thời hạn.
Hay như Công ty Bất động sản Đất Xanh Miền Bắc đã cho nhân viên nghỉ Tết sớm gần 2 tháng, từ ngày 12/12/2022 đến ngày 5/2/2023. Hay công ty Bất động sản EXL, có trụ sở tại TP.HCM và chi nhánh tại Hà Nội cũng đã cho nhân viên khối hỗ trợ tại TP.HCM nghỉ từ đầu tháng 12/2022 và chưa hẹn ngày đi làm trở lại. Những người làm môi giới BĐS đều ngao ngán, lắc đầu vì buộc phải nghỉ Tết quá dài.
Theo chia sẻ của một môi giới nhà đất có nhiều năm làm việc trong nghề, anh T (Hà Nội) giờ đây đang phải loay hoay tìm kiếm việc làm thêm dịp cuối năm, bởi công ty đã cắt giảm lương cứng trong 3 tháng qua. Anh tâm sự: “Dạo trước, dù không kiếm được hợp đồng thì vẫn còn có lương cứng để trang trải. Hiện tại lương cứng không có, giao dịch gần nửa năm qua cũng không chốt được hợp đồng, nên tôi đành tạm thời bỏ nghề đi phụ xe đường dài, giờ gần Tết quay trở lại Hà Nội tìm mối buôn cây cảnh để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.
Hay như anh Đ, môi giới BĐS tại Thái Bình cho biết, qua nhiều tháng không có lấy một giao dịch thành công, giám đốc văn phòng đã cho nhân viên nghỉ Tết sớm từ đầu tháng 12 và chưa hẹn ngày đi làm trở lại.
Anh Đ chia sẻ: “Khu vực Thái Bình không chỉ riêng văn phòng tôi làm việc, mà rất nhiều văn phòng môi giới BĐS khác cũng qua thời gian dài nhân viên không chốt được hợp đồng, nên công ty cũng không có tài chính để chi trả lương. Bây giờ tôi chuyển sang kinh doanh online cùng vợ để kiếm tiền lo Tết. Ra Tết nếu tình trạng này tiếp tục tôi sẽ nghỉ việc ở văn phòng tìm công việc khác”.
Nhiều doanh nghiệp BĐS phải tái cơ cấu lại mô hình
Theo số liệu thống kê của Viện nghiên cứu kinh tế, tài chính BĐS Dat Xanh Services, trong 10 tháng đầu năm 2022, số lượng doanh nghiệp (DN) môi giới BĐS tạm dừng kinh doanh có thời hạn là gần 2.300, tăng gần 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng DN hoàn tất thủ tục giải thể gần 1.000, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều DN phải tái cơ cấu lại mô hình, giảm quy mô, tinh giảm hệ thống nhân sự.
Hiện thị trường nhiều biến động không chỉ ảnh hưởng đến DN, nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những người làm môi giới. Trước đó, theo thống kê của Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS), trong phạm vi một phân khúc đã có khoảng 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc, hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống.
Các chuyên gia cho biết, thị trường BĐS có thể tiếp tục diễn biến xấu kéo dài, trong khi môi giới tồn tại và bám trụ lại thị trường dựa vào việc bán được nhà đất, được chi trả phí hoa hồng. Nếu thanh khoản thị trường tiếp tục yếu, những khó khăn của thị trường không được giải quyết, làn sóng môi giới mất việc cũng sẽ diễn ra mạnh hơn.
Những khó khăn của thị trường ở thời điểm hiện tại chủ yếu liên quan đến vấn đề về vốn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải có những giải pháp kịp thời trong tình trạng “bất thường” của thị trường đó là việc nới rộng chuẩn tín dụng. Vì hiện nay tuy Chính phủ đã bố trí gói tài chính 40.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ giải ngân được khoảng 52%; Ngân hàng Nhà nước cũng nới room tín dụng thêm 2% nhưng lại quy định chặt chẽ về “chuẩn” tín dụng đối với DN có nhu cầu vay vốn và không cho phép dùng trái phiếu DN để bảo lãnh vay... dẫn đến việc DN thiếu vốn đầu tư dự án, nên không có sản phẩm đưa ra thị trường và môi giới cũng không có hàng để bán, theo đánh giá của các chuyên gia cho hay.
Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế, tài chính BĐS Dat Xanh Services, TS Phạm Anh Khôi nói: “Những khó khăn hiện nay của nhiều DN trong lĩnh vực dịch vụ môi giới BĐS là vấn đề tài chính. Trên thực tế những DN này đang phải tái cơ cấu lại mô hình, tinh gọn bộ máy nhân sự hay phải cho nhân viên nghỉ việc tạm thời. Nhưng đây cũng là khoảng thời gian để thanh lọc những DN uy tín, có năng lực và DN môi giới BĐS cũng cần phải xây dựng được chiến lược lâu dài, sẵn sàng đối phó với kịch bản xấu trong dài hạn và hoàn thiện hệ sinh thái ngành, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này”.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, thời điểm này những người làm môi giới BĐS cần phải tỉnh táo, tìm một công việc mưu sinh tạm thời, đồng thời tranh thủ thời gian bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp. “Môi giới BĐS cần phải xác định đây là giai đoạn sụt giảm giao dịch chủ yếu do các yếu tố khách quan, nhưng bản chất thị trường không suy thoái. Do đó, phải trau dồi thêm kỹ năng, trình độ thì khi thị trường ổn định trở lại mới có thể làm việc hiệu quả hơn” - ông Đính chia sẻ.
Hầu hết chuyên gia, DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS đều kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét nới “chuẩn” tín dụng cho vay dành cho cả DN và người mua nhà, để DN có vốn đầu tư, còn người mua nhà có tiền giao dịch. Như vậy sẽ thúc đẩy thị trường phục hồi, phát triển trở lại sau giai đoạn khó khăn này.
Theo các chuyên gia, thị trường BĐS có thể tiếp tục diễn biến xấu kéo dài, làn sóng môi giới mất việc sẽ diễn ra mạnh hơn nếu như những khó khăn không được giải quyết.
Huyền Diệu