Thứ sáu, 22/11/2024 15:59 (GMT+7)
Thứ năm, 31/03/2022 16:00 (GMT+7)

Người hành nghề môi giới bất động sản cần mã định danh?

Theo dõi KTMT trên

Tại buổi tọa đàm về “Vai trò nhà môi giới bất động sản trong xu thế mới”, nhiều chuyên gia đã kiến nghị cần phải có mã định danh, siết chặt hơn việc cấp chứng chỉ cho người hành nghề môi giới bất động sản.

Cần kiểm soát chặt hơn việc quảng cáo BĐS

Vừa qua, tại Trung tâm báo chí TP. HCM diễn ra buổi tọa đàm về “Vai trò của nhà môi giới bất động sản trong xu thế mới”. Tham gia buổi tọa đàm, những chuyên gia và người hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) cho rằng vai trò của người môi giới BĐS đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, để hoạt động thông tin môi giới BĐS được minh bạch thì cần có những cơ chế quản lý như mã số định danh, hoàn thành các học theo quy định thì mới được thi cấp chứng chỉ,…

Người hành nghề môi giới bất động sản cần mã định danh? - Ảnh 1
Nhiều chuyên gia cho rằng cần siết chặt môi giới BĐS để minh bạch thị trường

Ông Trần Minh Hoàng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam, nhận định, hiện nay có một số sự hỗn loạn trên thị trường từ thông tin đăng, các thông tin phổ biến đăng không minh bạch. Điển hình là việc rao bán nhà đất sai vị trí, sai giá bán với mục đích câu khách, rồi rao bán đất cá nhân nhưng quảng cáo là dự án và rao bán dự án chưa đủ điều kiện cũng tràn làn,… Những hành vi rao bán sai sự thật cũng không ai kiểm soát và rõ ràng là vi phạm pháp luật.

Theo ông Hoàng, nguyên nhân của những vấn đề là do thị trường, sản phẩm BĐS cao, có giá trị lớn từ đó thu hút đông người môi giới. Bên cạnh đó, hiện nay pháp luật chưa hoàn chỉnh trong việc quản lý thông tin BĐS và sản phẩm BĐS đủ điều kiện kinh doanh vô cùng khan hiếm.

Ông Hoàng chia sẻ: “Từ năm 2006 đã có quy định là đối với người làm môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề, có nghị định xử phạt, có luật nhưng bao nhiêu người bị xử phạt? Với nền tảng như vậy thì tôi không nghĩ Nghị đinh 16/2022/NĐ-CP có thể giải quyết vấn đề hoạt động môi giới BĐS hiện nay”.

Người hành nghề môi giới bất động sản cần mã định danh? - Ảnh 2
Cần kiểm soát chặt hơn việc quảng cáo, giao dịch bất động sản của môi giới BĐS

Từ đó, Hội Môi giới BĐS tại TP. HCM đã đưa ra một số giải pháp như nên cấp mã số hành nghề. Cụ thể, khi đăng tin BĐS không phải ai cũng được quyền đăng, nếu là chủ tài sản thì phải có sổ hồng, sổ đỏ. Hoặc nhà môi giới BĐS mới được đăng tin để tránh trường hợp đăng tin vô tội vạ và không chịu trách nhiệm cho thông tin của mình.

Khi rao bán các sản phẩm BĐS thì cần phải có mã số định danh kèm theo, cơ quan truyền thông cho đăng thông tin rao bán phải kiểm tra mã số, kiểm tra tài sản hoặc phải đánh giá người muốn đăng tin là người hành nghề môi giới chuyên nghiệp.  Nếu quản lý chặt những điều này thì vấn nạn đăng tin vặt thì được giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế phối hợp, đề ra chính sách để tập trung vào việc quản lý công ty BĐS một cách minh bạch và chỉ có những người được đào tạo, có chứng chỉ hành nghề thì mới được cấp mã số hành nghề thì mới được kinh doanh trong lĩnh vực này. Điều này, giúp tạo quyền lợi, trách nhiệm cho các nhà môi giới BĐS chuyên nghiệp, khi thông tin được đăng tải sẽ có đầu mối, khi có chuyện xảy ra sẽ tìm được nguồn để quy chịu trách nhiệm.

“Mong rằng, trong dự thảo kinh tế BĐS sắp tới, sẽ có bổ sung chi tiết về việc quản lý đăng tin BĐS, để đưa môi trường BĐS minh bạch, trong sạch hơn”, ông Trần Minh Hoàng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam nêu quan điểm.

Cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng chỉ cho người môi giới BĐS

Ông Nguyễn Đức Lập – Viện nghiên cứu và Đào tạo BĐS, cho rằng, hầu như hiện nay, Bộ Xây dựng không quy định người hành nghề môi giới không phải tham gia khóa học nào để được cấp chứng chỉ ngành nghề. Môi giới có thể tham gia thì để lấy chứng chỉ hành nghề một cách tự do, mặc dù Bộ Xây dựng vẫn quy định các khung đạo tạo.

Thực tiễn hiện nay, môi giới thường là đối phó, mục tiêu lấy chứng chỉ hành nghề là chính để đối phó pháp luật, ít môi giới có định hướng làm nghề một cách chuyên nghiệp. Nghề môi giới có liên quan nhiều kiến thức khác nhau, từ am hiểu về pháp luật, kiến thức xây dựng, các kỹ năng hành nghề,…

“Với khung chương trình đào tạo hiện nay thì nhà môi giới phải học từ 16 -20 buổi học. Và quy định hành nghề là phải có chứng chỉ, nhưng nhà nước đâu ai giám sát xử phạt vấn đề này, nên rào cản gia nhập hầu như là không có, như vậy người làm nghề có chứng chỉ cũng như không. Từ đó vai trò, vị thế họ không cần thiết nên họ không có như cầu học thì đó là cái bất cập.

Sau này, luật điều chỉnh thì người môi giới cần phải thông qua khóa học bài bản vì một giao dịch BĐS có thể liên quan tới sinh mệnh cả gia đinh, nếu lực lượng môi giới không đảm bảo năng lực, không am hiểu kiến thức pháp lý sẽ gây rủi do cho khách hàng và sẽ để lại hệ lụy rất lớn cho xã hội.

Khung chương trình đào tạo hiện nay của Bộ Xây dựng đối với người môi giới với thời lượng khá đảm bảo và nên phải có quy định môi giới phải hoàn thành các khóa học với đúng thời lượng quy định của Bộ Xây dựng, sau đó mới đăng kí thi. Không thể để tình trạng tự do vào thi, một số đơn vị đào tạo họ có thể đối phó bằng cách học 1-2 buổi rồi đi thi, như thế thì không đảm bảo năng lực để làm việc”, ông Lập chia sẻ.

Người hành nghề môi giới bất động sản cần mã định danh? - Ảnh 3
ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Bộ Xây dựng cho rằng môi giới BĐS cần chuyên nghiệp hơn, chính quy hơn.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Phạm Lâm - Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 300.000 người tham gia thực hiện các nghiệp vụ môi giới BĐS trên toàn Việt Nam. Thế nhưng, số lượng thực tế còn nhiều hơn vì "ai cũng có thể làm môi giới BĐS".

Thống kê cho thấy, hàng năm, trung bình cả thị trường sơ cấp và thứ cấp có trên 100.000 giao dịch. Một số địa phương, 1 tháng có tới vài ngàn giao dịch và lực lượng môi giới đóng vai trò quan trọng giúp các giao dịch BĐS diễn ra.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh vai trò của môi giới là tất yếu, là một trong những chủ thể rất quan trọng trên thị trường. Để phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng này, cần một cuộc tổng rà soát để tìm ra nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực trong thời gian qua, nhận diện vấn đề mới có thể tìm ra giải pháp.

Cũng theo ông Khởi, Nghị định 16/2022/NĐ-CP mà Chính phủ vừa ban hành nêu khá rõ đến từng hành vi vi phạm cụ thể trong các giao dịch BĐS, trong đó liên quan trực tiếp đến các hoạt động môi giới. Đây là bước tiến để hoạt động môi giới bất động sản trở nên chuyên nghiệp hơn, chính quy hơn.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Người hành nghề môi giới bất động sản cần mã định danh?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới