Nhiều nhà đầu cơ thao túng thị trường bất động sản
Ông Nguyễn Văn Đính Chủ tịch hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, có sự thao túng thị trường bất động sản trong thời gian qua, những hành vi này có thể bị xử lý nên cần nghiên cứu và đưa vào luật.
Môi giới góp phần tạo nên cơn sốt đất
Ngày 30/3/2022, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM diễn ra buổi tọa đàm “Vai trò Nhà môi giới bất động sản trong xu thế mới" do Hội Môi giới BĐS Việt Nam tổ chức, nhiều khách mời quan tâm đến vấn đề: Thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý vậy thao túng thị trường BĐS thì sẽ xử lý như thế nào?
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho hay: “Trong giai đoạn vừa qua, tôi cho rằng có nhiều nhà đầu cơ cũng có sự thao túng thị trường bất động sản. Những hành vi này có thể bị xử lý hay không, cái này cần pháp luật nghiên cứu, nếu có thì xử lý, chưa có thì đưa vào luật để xử lý".
Trong năm qua, kinh tế Việt Nam gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng thị trường bất động sản lại có sức nóng, đặc biệt là giá cả liên tục thay đổi, đảo chiều, tạo ra áp lực rất lớn cho thị trường, giá đất đai một số nơi nhảy múa, tăng vọt.
Trong đó các nhà đầu tư, nhà môi giới cũng tham gia góp tay tạo nên những cơn sốt, nóng khiến giá cả tăng vọt, đưa đất đai thành hàng hóa đầu cơ chứ không phải mục đích phục vụ kinh tế cho địa phương đó.
Cũng tại buổi tọa đàm này, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho rằng: Chúng ta phải xác định trong thị trường bất động sản vai trò nhà môi giới là tất yếu khách quan, là chủ thể hết sức quan trọng tham gia thị trường.
"Thế hệ trước, nhà môi giới rất chăm chỉ học, Nhà nước rất quan tâm, có đào tạo, thi cử, rất sôi động. Còn thực tế hiện nay, trong 300.000 nhà môi giới bất động sản chúng ta cần xác định có bao nhiêu con sâu, vì con sâu làm sầu nồi canh", ông Khởi nói.
Ngoài ra, theo ông Khởi cần xác định nhà môi giới hiện nay vì sao không cần đi học, hay không sợ pháp luật, không sợ bị lên án, đạo đức hành nghề có cần không và sẽ do ai đưa ra, có đề xuất pháp luật hóa đạo đức hành nghề môi giới chưa.
Có nên cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản?
Ông Khởi còn chia sẻ thêm, hiện có hai nghị định mới là Nghị định 02 (quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Kinh doanh bất động sản ban hành tháng 1) và Nghị định 16 (Quy định xử phạt hành chính - ban hành tháng 1) với nội dung rất quan trọng, có liên quan cả môi giới bất động sản.
Thế nên, ông Khởi cho rằng thời gian tới chúng ta cần bàn các vấn đề liên quan như bán bất động sản qua sàn có nên bắt buộc không hay việc không cho phép nhà môi giới hoạt động độc lập, mà phải vào doanh nghiệp, có nên không? Việc học, cấp chứng chỉ hành nghề, số hóa nghề môi giới, định danh như thế nào?
"Như hoạt động chứng khoán, có những quy định cụ thể, chặt chẽ như phải vào sàn chứng khoán hoạt động chứ không hoạt động ngoài", ông Khởi cho hay.
Trong khi đó, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA phát biểu, con số ước tính hiện nay có khoảng 300.000 người tham gia vào môi giới BĐS Việt Nam. Số lượng thực tế có thể nhiều hơn, giao dịch hàng năm trên 100.000 giao dịch diễn ra, điều đó cho thấy lực lượng môi giới là cực kỳ quan trọng.
"Chất lượng nghề môi giới như thế nào chứ không phải ai cũng tham gia được. Trong nhiều năm qua, bước tiến lực lượng môi giới là rất lớn, xây dựng chuyên môn, năng lực tốt, kỹ năng tốt, đạo đức hành nghề tốt, có thể thấy các dự án sơ cấp, cao cấp, ở các thành phố lớn được đưa ra giới thiệu bởi các công ty môi giới chuyên nghiệp", ông Lâm đánh giá.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có nhiều tổ chức quy mô nhỏ, trung bình, vài trăm người cũng có, chuyện chưa đảm bảo chuyên môn, năng lực môi giới cũng có. Đáng tiếc các công ty này chỉ có chiến lược ngắn hạn, nhìn cái lợi trước mặt.
"Chúng ta cần bàn để có thêm quy định, xác lập nghề môi giới là bền vững, chuyên nghiệp và đồng hành nền kinh tế bất động sản tương lai", ông Lâm nói.
Phạm Thạch