Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác – nhiệm vụ trước mắt và lâu dài
Để bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, Bộ TN&MT đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo Nghị định “Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt”.
Khoáng sản chưa khai thác – tài nguyên cần bảo vệ
Trong những năm gần đây, tốc độ xây dựng công nghiệp, đô thị, đường giao thông, hạ tầng phát triển mạnh nên nhu cầu khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là rất lớn.
Bên cạnh đó, nhu cầu phát triển các dự án du lịch, điện gió, điện mặt trời ngày càng cao. Các địa phương đã có nhiều văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai các dự án trên mặt tại các khu vực dự trữ khoáng sản.
Bức xúc hơn nữa là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại nhiều địa phương vẫn hàng ngày diễn ra, chủ yếu là khai thác cát, sỏi trên sông và đất đồi làm vật liệu san lấp.
Một số địa phương đã có phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nhằm đảm bảo quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Đồng thời ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường, sinh thái, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
Cần bảo vệ tài nguyên khoáng sản. |
Công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác rõ ràng ngày càng được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện, song việc tổ chức thực hiện còn mang tính hình thức, phong trào, theo thời điểm, chưa đi vào chiều sâu, chưa tạo được thói quen duy trì thường xuyên và thực sự đồng đều ở các huyện.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chưa có đủ điều kiện vật chất để triển khai hiệu quả. Ví dụ hoạt động khai thác cát sỏi diễn ra trên sông nước, trong khi đó, hầu hết các cơ quan quản lý không có phương tiện di chuyển trên sông, các tuyến sông này lại nằm giữa hai tỉnh nên việc quản lý, giám sát, phối hợp giữa các địa phương còn nhiều khó khăn.
Một số chính quyền địa phương cấp xã chưa chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời khai thác khoáng sản trái phép hoặc việc triển khai còn chậm. Chính sách, pháp luật về khoáng sản còn những bất cập, chưa phù hợp với thực tế, như thiếu các chế tài hoặc chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm.
Nhanh chóng hoàn thiện nghị định
Để bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, Bộ TN&MT đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo Nghị định “Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt”.
Ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất & Khoáng sản Việt Nam cho biết, điểm mới của Dự thảo nghị định là đã quy định rõ 4 nội dung gồm: Khu vực dự trữ khoáng sản; thời gian dự trữ khoáng sản; điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản; quản lý, bảo vệ khoáng sản dự trữ.
Ví dụ như, khu vực dự trữ khoáng sản quy định căn cứ khoanh định khu vực dự trữ quốc gia gồm kết quả điều tra cơ bản, địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; quy định khu vực dự trữ phải có đủ số liệu về tài nguyên, trữ lượng, diện tích.
Về nội dung điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quy định căn cứ vào kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thực trạng hoạt động thăm dò, khai thác và nhu cầu sử dụng khoáng sản; nhu cầu phát triển các dự án kinh tế, xã hội trên mặt...
Tại buổi báo cáo của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản với Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên về các nội dung xây dựng Nghị định Quy định về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án đầu tư trên mặt...
Thứ trưởng đã nhận định, khoáng sản tại các khu vực dự trữ phải được quản lý, tiết kiệm, dự trữ cho lâu dài; đồng thời yêu cầu Tổng cục tiếp tục nghiên cứu, rà soát các pháp luật có liên quan, lấy ý kiến các chuyên gia và các Bộ ngành có liên quan để Nghị định đảm bảo chất lượng, có tính khả thi đồng thời phải sát với thực tiễn để đi vào cuộc sống.
Phạm Thu Hà