Thứ bảy, 07/09/2024 22:04 (GMT+7)
Thứ hai, 06/03/2023 06:50 (GMT+7)

Bảo vệ đại dương - “Kho báu” của Trái Đất

Theo dõi KTMT trên

Hiệp ước quốc tế đầu tiên về bảo vệ biển cả là một yếu tố quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030.

Liên hợp quốc vừa thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ biển cả - vốn được coi là "kho báu" quan trọng, song dễ bị tổn thương, chiếm gần 50% bề mặt Trái Đất. Đây là kết quả được mong đợi từ lâu mà các tổ chức môi trường cho rằng có thể đảo ngược những tổn thất đa dạng sinh học biển cũng như đảm bảo phát triển bền vững.

Theo đó, Hiệp ước sẽ được chính thức thông qua sau khi ngôn từ được các luật sư xem xét chặt chẽ và được dịch ra 6 ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc. 

Hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo tồn và đảm bảo sử dụng bền vững đa dạng sinh học đại dương đã được thảo luận trong suốt 15 năm, trong đó có 4 năm đàm phán chính thức và được các nhà đàm phán của hơn 100 nước nhất trí sau 5 vòng đàm phán kéo dài, do Liên hợp quốc chủ trì tại New York (Mỹ). Hiệp ước này được thông qua một ngày sau hạn chót dự kiến ban đầu.

Bảo vệ đại dương - “Kho báu” của Trái Đất - Ảnh 1
Hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ biển cả - vốn được coi là "kho báu" quan trọng trên Trái Đất vừa được thông qua.

Hiệp ước quốc tế đầu tiên là một yếu tố quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030, còn biết đến với tên gọi sáng kiến 30x30, được các nước thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học lần thứ 15 diễn ra tại Montreal, Canada, hồi tháng 12/2022. 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã hoan nghênh việc thông qua văn bản của hiệp ước, coi đây là một "chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và của những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại các xu hướng hủy diệt đại dương."

Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc từng nhấn mạnh, nếu cuộc họp của Liên hợp quốc thông qua một thỏa thuận “mạnh mẽ và tham vọng,” thế giới có thể đạt được bước tiến quan trọng, đảo ngược xu hướng này và nâng cao “sức khỏe” của các đại dương cho thế hệ tiếp theo. 

Theo tổ chức Greenpeace, để đạt được mục tiêu sáng kiến 30x30, từ nay cho đến năm 2030, mỗi năm thế giới cần bảo vệ được 11 triệu km2 đại dương. Rất ít các vùng biển khơi được bảo vệ, trong khi vấn nạn ô nhiễm, axit hóa và đánh bắt cá quá mức đang là mối đe dọa ngày một lớn.

Do đó, đây là một ngày lịch sử đối với bảo tồn và là một tín hiệu cho thấy trong một thế giới chia rẽ, bảo vệ thiên nhiên và con người có thể chiến thắng tư duy địa chính trị. Đồng thời, các nước cần chính thức thông qua hiệp ước, cũng như phê chuẩn càng sớm càng tốt để hiệp ước có hiệu lực, qua đó mang lại sự bảo vệ cho đại dương. 

Các hệ sinh thái đại dương đang bị đe dọa nghiêm trọng do tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và khai thác thủy sản bừa bãi dù đây là nơi tạo ra tới 50% lượng oxy cho Trái Đất và góp phần quan trọng giảm thiểu tình trạng ấm lên toàn cầu nhờ hấp thụ phần lớn lượng CO2 thải ra từ hoạt động của con người.

Trước đó, bà Elizabeth Maruma Mrema, Thư ký điều hành của Công ước LHQ về đa dạng sinh học cho rằng, đại dịch COVID-19 đã chứng minh đa dạng sinh học không chỉ quan trọng đối với con người, mà còn đối với việc bảo vệ Trái Đất. Bà nhấn mạnh thế giới đang mong chờ những hành động khẩn cấp để bảo vệ thiên nhiên, cũng là để đảm bảo con đường chung sống hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, biển cả là vùng biển quốc tế, bao gồm tất cả vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo. Do đó, biển cả không thuộc quyền tài phán của bất kỳ nước nào.

Mặc dù biển cả chiếm hơn 60% diện tích đại dương của thế giới và gần 50% bề mặt Trái Đất, song biển cả rất ít được chú ý tới.

Hiện chỉ có khoảng 1% diện tích biển cả được bảo vệ. Do đó, khi có hiệu lực, hiệp ước này sẽ cho phép tạo ra các khu vực được bảo vệ trong các vùng biển quốc tế. 

Nhiều chuyên gia về bảo vệ đại dương nhìn nhận, đây là cơ hội cuối cùng để các bên đạt thỏa thuận mà các chính phủ không được phép bỏ lỡ. 

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ đại dương - “Kho báu” của Trái Đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.