Thứ bảy, 23/11/2024 09:28 (GMT+7)
Thứ năm, 25/11/2021 07:00 (GMT+7)

Bảo tồn và sử dụng các vùng đất ngập nước vì mục tiêu phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ban hành.

Cụ thể, mục tiêu quan trọng của kế hoạch là đến năm 2030, bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và thực hiện các nghĩa vụ của Việt Nam là quốc gia thành viên tham gia Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar).

Mở rộng mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam

Theo kế hoạch, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; Xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng.

Bảo tồn và sử dụng các vùng đất ngập nước vì mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 1
Bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội. (Ảnh: Nguyen Quang Ngoc Tonkin)

Cả nước có 13 khu đất ngập nước được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar); Tăng diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng được bảo vệ trên toàn quốc. Ngoài ra, mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam được thiết lập và hoạt động có hiệu quả, trong đó chú trọng các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường; đạt mục tiêu 70% các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đến năm 2030, cả nước có 15 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar; Tăng số lượng các khu bảo tồn đất ngập nước; Phục hồi được ít nhất 25% vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái; Các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường...

Để hoàn thành các mục tiêu trên, kế hoạch xác định nhiệm vụ chủ yếu, bao gồm: Thống kê, kiểm kê các vùng đất ngập nước và điều tra, xác lập Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng; Xây dựng hồ sơ, đề cử thành công thêm 6 khu Ramsar và tổ chức hoạt động mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam có hiệu quả. Thêm vào đó, điều tra, xác định các vùng đất ngập nước quan trọng có tiềm năng thành lập và triển khai thành lập mới các khu bảo tồn đất ngập nước trên toàn quốc...

Phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái

Một trong những nhiệm vụ của kế hoạch là phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái. Cụ thể, điều tra, đánh giá mức độ suy thoái, nguyên nhân và khả năng phục hồi của các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái tại Việt Nam.

Ưu tiên phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái tại các khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar và một số hệ sinh thái rừng tràm, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển; Xây dựng và thực hiện chương trình giám sát các mối đe dọa, đánh giá mức độ tác động đến các vùng đất ngập nước quan trọng, đặc biệt là các vùng đất ngập nước quan trọng dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó là nhiệm vụ xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng.

Cụ thể, xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng; Tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả của các mô hình đã triển khai và phổ biến rộng rãi.

Thí điểm các mô hình đồng quản lý, mô hình quản lý có sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng đối với một số vùng đất ngập nước quan trọng; Triển khai thực hiện áp dụng cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng nguồn tài nguyên đất ngập nước.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN và thứ 50 trên thế giới chính thức tham gia Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước (Công ước Ramsar). 

Thống kê cho thấy, tổng diện tích đất ngập nước khoảng 12 triệu ha, được phân bố ở mọi vùng sinh thái của đất nước với sự đa dạng về các kiểu loại và phong phú về đa dạng sinh học. Ước tính có khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển.

TS Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, cho rằng khôi phục các vùng đất ngập nước đã bị suy thoái là cách hiệu quả và kinh tế để tăng lưu giữ nước mặt và nước ngầm, cải thiện chất lượng nước, duy trì sản xuất nông nghiệp, thủy sản và bảo vệ đa dạng sinh học. Các giải pháp để dừng các hoạt động làm suy thoái đất ngập nước cần được chú trọng.

Khôi phục đất ngập nước và duy trì chu kỳ thủy văn là vô cùng quan trọng đối với việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ lũ, cấp nước, cung cấp thực phẩm và bảo tồn đa dạng sinh học. Đất ngập nước ven biển sẽ đóng một phần quan trọng trong các chiến lược ứng phó với các vấn đề trong khu vực ven biển do nước biển dâng gây ra.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bảo tồn và sử dụng các vùng đất ngập nước vì mục tiêu phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới