Bảo tồn 'cái nôi' đa dạng sinh học để phát triển bền vững
Với hơn 13.200 loài thực vật trên cạn, khoảng 10.000 loài động vật và hơn 3.000 loài thủy sinh, Việt Nam được Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (Fauna and Flora International) ghi nhận là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao.
Đa dạng sinh học của Việt Nam đang dần suy giảm
Nước ta sở hữu nhiều loại rừng nguyên sinh và ngập mặn phong phú, tuy nhiên dưới những biến đổi xấu về mặt khí hậu thời tiết cũng như áp lực đô thị hóa và gia tăng dân số, nhiều khu rừng đã mất đi sự đa dạng chủng loại và giống nòi, từ đó dẫn đến sự suy giảm mạnh mẽ ở các thời điểm hiện tại và báo động nguy cấp trong tương lai.
Bên cạnh đó, đối mặt với nạn săn bắn trái phép cũng chính là nguyên nhân chính giải đáp cho câu hỏi mất đa dạng sinh học là gì ở Việt Nam nguồn tài nguyên sinh vật và động vật hoang dã cũng đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng hoàn toàn. Nguồn gen của những loài thú quý hiếm này cũng đang dần bị thất thoát và mai một.
Việt Nam là một trong 16 khu vực có tính đa dạng sinh học cao của thế giới. (Ảnh minh họa) |
Hệ sinh thái biển ở Việt Nam có sức chịu tải cao và khả năng tái tạo là tương đối lớn, tuy vậy sinh thái biển dù có phong phú cũng đang đứng trước nguy cơ bị giảm sút do biến đổi khí hậu và thiên tai.
Mặc dù Việt Nam ta sở hữu nguồn đa dạng sinh học ở mức cao nhưng chính bởi những hoạt động khai thác quá mức được xem là nguyên nhân sự cạn kiện đặc biệt là đối với những tài nguyên thủy hải sản ven bờ, bên cạnh đó có tồn tại một số phương pháp khai thác và tận thu mang tính hủy diệt gây ảnh hưởng đến giống nòi của các loài sinh vật như nổ mìn hay sử dụng hóa chất.
Với khoảng 12 triệu hecta, phân bố trên tất cả các vùng sinh thái, vùng đất ngập nước ở Việt Nam đang góp phần quan trọng giúp cân bằng sinh thái, “cái nôi” sinh tồn của hàng nghìn loài sinh vật, và là nguồn sống của hàng triệu người dân.
Vùng đất ngập nước Cần Giờ. |
Vậy nhưng, các vùng đất ngập nước cũng đang ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi các hoạt động phát triển kinh tế của con người và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhiều vùng đất ngập nước đã bị biến mất, hay thu hẹp diện tích do sức ép khai thác, sử dụng đất ngập nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên gia tăng.
Những dấu hiệu khởi sắc
“Mạng lưới các khu Ramsar sẽ tiếp tục được mở rộng” – đây là mục tiêu được đặt ra trong Dự thảo Kế hoạch Hành động quốc gia về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2020 – 2030 do Bộ TN&MT xây dựng.
Theo dự thảo này, đến năm 2025, Việt Nam sẽ kiện toàn hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức quản lý và cơ chế phối hợp liên ngành cấp Trung ương và địa phương về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.
Vườn quốc gia Tràm Chim. |
Tăng cường năng lực quản lý đất ngập nước ở cấp Trung ương và địa phương về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam. Hoàn thành việc kiểm kê, phân loại đất ngập nước Việt Nam và lồng ghép cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học, dữ liệu kiểm kê đất đai.
Cùng với đó, Việt Nam cũng phục hồi ít nhất 10% diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu suy thoái; thành lập được 5 khu bảo tồn đất ngập nước và đề cử thành công 3 khu Ramsar.
Ngoài ra, kể từ khi tham gia Công ước Đa dạng sinh học vào năm 1994, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm, đầu tư đáng kể về cả nhân lực, tài chính để thực thi các cam kết và nghĩa vụ của mình đối với Công ước, góp phần bảo vệ nền đa dạng sinh học của nước nhà.
Buôn bán động vật hoang dã là một trong những nguyên nhân khiến đa dạng sinh học bị suy giảm. (Ảnh minh họa) |
Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, hứa hẹn là một công cụ hiệu quả góp phần răn đe, trấn áp tội phạm nói chung và tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) nói riêng.
Bộ luật cũng được tin tưởng sẽ tạo nên những chuyển biến đáng kể, củng cố hành lang pháp lý nhằm bảo vệ tốt hơn các loài ĐVHD khi các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD có thể bị phạt tù lên đến 15 năm hoặc 5 tỉ đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 15 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.
Bảo vệ đa dạng sinh học là vấn đề cấp thiết để phát triển bền vững
Môi trường đang bị huỷ hoại nghiêm trọng. Sự tăng trưởng của dân số cùng với những nhu cầu ngày càng cao của con người trong cuộc sống do những tiến bộ khoa học và công nghệ đã gây nên sức ép trực tiếp đến tài nguyên thiên nhiên, nhu cầu việc làm sinh sống …
Không thể phủ nhận vai trò của đa dạng sinh học đối với tự nhiên và đời sống của con người. Tuy nhiên, hiện nay, nền đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều mối đe doạ mà phần lớn trong số đó gây ra bởi các hoạt động của con người.
Bảo vệ đa dạng sinh học là vấn đề cấp thiết để phát triển bền vững. (Ảnh minh họa) |
Đa dạng sinh học là cơ sở của mọi sự sống để tạo nên sự phồn vinh của loài người. Đa dạng sinh học là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo nhưng không phải là vô hạn, nên cần phải được sử dụng một cách hợp lý để hướng tới sự phát triển bền vững.
Việc bảo vệ đa dạng sinh học là việc làm cấp thiết mà mỗi quốc gia nên có những biện pháp để phát triển. Bên cạnh đó, việc thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên cũng là điều kiện cần và đủ để việc nâng cao quản lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học được phát triển tốt nhất.
Nguyễn Luận