Amazon và các hệ sinh thái lớn có nguy cơ biến mất nhanh chóng
Các hệ sinh thái lớn như rừng nhiệt đới Amazon và các rạn san hô có thể sụp đổ trong vòng năm thập kỷ tới.
Một nghiên cứu mới đây được đăng tải trên tạp chí Nature Communications về các hệ sinh thái lớn trên thế giới. Theo đó, nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về những thay đổi trong hàng chục hệ sinh thái để kết luận rằng các rạn san hô Caribbean có thể biến mất sau 15 năm trong khi rừng nhiệt đới Amazon có thể chết trong vòng 50 năm tới.
Một khu vực của rừng Amazon bị chặt phá bởi người bản địa. (Ảnh: AP) |
Nạn phá rừng được coi là thủ phạm chính khiến cho các khu rừng biến mất một cách nhanh chóng, trong khi ô nhiễm và axit hóa là yếu tố chính làm cho các rạn san hô bị chết đi.
Các rạn san hô giúp bảo vệ các bờ biển, thúc đẩy du lịch biển và mang về giá trị kinh tế toàn cầu ước tính 375 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, các cơn bão biển và hiện tượng hóa trắng (chết) đang đe dọa số lượng san hô trên toàn thế giới.
"Chúng ta cần chuẩn bị cho những thay đổi trong hệ sinh thái của hành tinh nhanh hơn dự kiến trước đây, các hệ sinh thái lớn hơn có thể tan rã với tốc độ nhanh hơn các hệ sinh thái nhỏ hơn", giáo sư John Dearing, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.
“Những phát hiện này là một lời kêu gọi khác để ngăn chặn sự hủy hoại đến với môi trường tự nhiên, đẩy hệ sinh thái đến giới hạn”, Dearing kết luận.
Trên thực tế hiện nay, diện tích của rừng Amazon đang bị thu hẹp nhanh chóng. Mỗi phút, diện tích rừng bằng 1,5 sân bóng đá bị phá hủy. Tháng 6/2019, 769.1 km2 rừng Amazon đã bị biến mất.
Cần có những biện pháp cấp bách, những hành động cụ thể để bảo vệ khu rừng lớn nhất thế giới đã phát triển ít nhất 58 triệu năm và duy trì sự sống của hàng chục triệu người.
Rừng Amazon có diện tích khoảng 7 triệu km2, nơi này có sự đa dạng sinh học rất lớn, có khoảng 2,5 triệu loài côn trùng, hàng chục nghìn loài thực vật, và khoảng 2.000 loài chim và thú tại đây. Rừng Amazon thường được gọi là lá phổi xanh của hành tinh, sản sinh 20% lượng oxy trong bầu khí quyển, và đóng vai trò thiết yếu trong nỗ lực kiềm chế hiện tượng nóng lên toàn cầu. |
Quang Huy