Thứ bảy, 27/04/2024 10:27 (GMT+7)
Thứ hai, 25/04/2022 15:00 (GMT+7)

Bao giờ hết cảnh "khoáng sản ra đi, ô nhiễm ở lại"?

Theo dõi KTMT trên

Hệ lụy ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản từ lâu đã được cảnh báo như: phá vỡ cấu trúc địa chất cảnh quan, tạo ra các bãi thải và hồ chứa với diện tích lớn; gây sạt lở bãi thải, sụt lún lòng đất, và do nước mưa tràn qua các vùng khai thác…

Bao giờ hết cảnh "khoáng sản ra đi, ô nhiễm ở lại"? - Ảnh 1
Hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tác động xấu đến môi trường. (Ảnh minh họa)

Nhiều hệ lụy

Theo thống kê, Việt Nam có hơn 5.000 điểm mỏ với khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau và có 1.100 doanh nghiệp khai khoáng. Hiện ngành khai thác khoáng sản đang góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tác động xấu đến môi trường xung quanh như: tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường, tích tụ và phát tán chất thải, làm ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ…

Bên cạnh đó, khai thác khoáng sản còn ảnh hưởng đến mực nước ngầm, bao gồm hạ thấp mực nước ngầm của những vùng lân cận và thay đổi hướng chảy trong túi nước ngầm; ô nhiễm túi nước ngầm nằm dưới vùng khai mỏ do nước bị ô nhiễm ở tầng mặt ngấm xuống. Không những vậy, hoạt động vận chuyển khoáng sản cũng gây tác động xấu đến môi trường không khí do khói, bụi trong quá trình vận chuyển, bốc dỡ.

Cũng theo Bộ TN&MT, những năm gần đây, phong trào đầu tư xây dựng thủy điện ồ ạt, dẫn đến sự xuất hiện dày đặc hệ thống thủy điện đã làm suy giảm diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn và suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi hệ sinh thái ở những nơi đặt công trình và những vùng lân cận, trong đó có vùng nông thôn.

Cùng với những hệ lụy về ô nhiễm môi trường thì hoạt động khai thác khoáng sản là một trong ba lĩnh vực có số vụ tai nạn lao động xảy ra nhiều nhất nước, chỉ đứng sau lĩnh vực xây dựng và sản xuất công nghiệp. Theo ước tính của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, số vụ tai nạn lao động xảy ra trong lĩnh vực này chiếm khoảng 18 - 20% tổng số vụ tai nạn lao động.

Bao giờ hết cảnh "khoáng sản ra đi, ô nhiễm ở lại"? - Ảnh 2
Hầu hết người lao động tại các điểm mỏ khoáng sản không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động, nguy cơ tai nạ lao động rất lớn.

Người lao động làm nghề này phải đối mặt với bụi bặm, ô nhiễm, thậm chí là nguy hiểm cả tính mạng. Trong khi đó, một số trường hợp người lao động trong lĩnh vực này lại không được huấn luyện, đào tạo về an toàn lao động đúng quy trình. Đa số tại các mỏ đá này hầu hết người lao động không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động. Bên cạnh đó, kết hợp với việc một số mỏ đá không tuân thủ hoặc một phần không tuân thủ kỹ thuật khai thác, không phân tầng khai thác, góc nghiêng bờ mỏ khai thác chưa đảm bảo, hiểm nguy luôn rình rập người lao động.

Tiếp tục phổ biến quy định pháp luật

Tiếp nối những hoạt động nhằm tìm giải pháp bảo đảm an toàn lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, mới đây (ngày 22/4/2022), Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản. Hội nghị trực tuyến có sự tham dự của lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành trên cả nước.

Tại Hội nghị, ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, cho biết, thời gian qua, các đơn vị khai thác đá và chế biến khoáng sản trong phạm vi toàn quốc về cơ bản đã thực hiện tương đối tốt các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, mức độ thực hiện và tự giác thực hiện cũng như hiệu quả quản lý của các văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều hạn chế.

Bao giờ hết cảnh "khoáng sản ra đi, ô nhiễm ở lại"? - Ảnh 3
Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp: "Các địa phương vẫn còn để xảy ra nhiều vi phạm về kỹ thuật an toàn dẫn đến tai nạn, sự cố trong khai thác khoáng sản".

Theo ông Bảo, phổ biến nhất là vẫn còn để xảy ra nhiều vi phạm về kỹ thuật an toàn dẫn đến tai nạn, sự cố; thực hiện chưa nghiêm những quy định về quản lý tài nguyên khoáng sản, vẫn còn để lãng phí chưa tận dụng hết những giá trị và lợi ích của nguồn tài nguyên mà nguyên nhân là do các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương các doanh nghiệp chưa nắm bắt rõ để vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Đơn cử như tại Nghệ An, theo ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, trong những năm qua, ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã phát triển khá nhanh. Công nghệ khai thác áp dụng các công nghệ tiên tiến. Nhng cùng với đóng góp lớn cho quá trình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản ở Nghệ An vẫn còn một số nơi để xảy ra tình trạng mất an toàn lao động, tác động ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người lao động và ảnh hưởng, xáo trộn chất lượng cuộc sống của nhân dân xung quanh khu vực có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

Sẽ đóng cửa các cơ sở gây ô nhiễm

Theo đánh giá của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), qua gần 10 năm thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, việc quản lý hoạt động khoáng sản được thực hiện tốt. Trong đó, công tác thanh kiểm tra các hoạt động khoáng sản được tiến hành thường xuyên ở Trung ương và địa phương với nhiều hình thức đa dạng, tạo điều kiện cho các hoạt động khoáng sản đi vào nền nếp, cơ bản kiểm soát được việc chấp hành các quy định về môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản; ngăn chặn nhiều hoạt động khoáng sản không phép, trái phép…

Bao giờ hết cảnh "khoáng sản ra đi, ô nhiễm ở lại"? - Ảnh 4
Cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sẽ bị đóng cửa. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản còn nhiều hạn chế: Công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản còn chậm tiến độ, không đạt mục tiêu Chiến lược đề ra; công tác đầu tư điều tra, thăm dò, khai thác khoáng sản ra nước ngoài hiệu quả thấp, gặp nhiều khó khăn; công tác bảo vệ môi trường trong khai thác chế biến khoáng sản và hoàn thổ sau khai thác còn nhiều yếu kém…

Được biết, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đang xây dựng dự thảo Báo cáo "Kết quả 6 năm thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030"; đồng thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung Chiến lược để phù hợp hơn trong tình hình mới. Theo dự thảo điều chỉnh, bổ sung thì việc bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản sẽ được quy định chặt chẽ hơn.

Ông Trần Văn Miến, Vụ trưởng Vụ Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), cho biết, dự thảo báo cáo nhấn mạnh đến yếu tố bảo vệ môi trường; đồng thời hoàn thiện cơ chế khuyến khích, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền, nhân dân nơi có khoáng sản để phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về môi trường trong hoạt động khoáng sản.

"Một trong những giải pháp để bảo vệ môi trường kiên quyết đóng cửa các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường", ông Miến nói.

Nghị quyết 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã định hướng việc điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu tin cậy về địa chất, khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon.

Nghị quyết đặt mục tiêu đến  năm 2045, hoàn thành 100% việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đối với diện tích đất liền và tỷ lệ 1:500.000 trên biển. Hoàn thành công tác điều tra cơ bản đối với các tài nguyên địa chất khác. Hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực Châu Á.

Một số dự án trọng điểm được nhấn mạnh cần hoàn thành trong Nghị quyết là hoàn thành đầu tư dự án khai thác, chế biến quặng crômit tại Cổ Định (Thanh Hoá), luyện, cán thép tại mỏ sắt Quý Xa (Lào Cai) trước năm 2025. Nghiên cứu, lựa chọn công nghệ tiệm cận trình độ thế giới để đầu tư khai thác than nâu vùng đồng bằng Sông Hồng; đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến: Sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh); ti-tan (Bình Thuận), hoàn thành trước năm 2030…

Khánh Thư

Bạn đang đọc bài viết Bao giờ hết cảnh "khoáng sản ra đi, ô nhiễm ở lại"?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới