Chủ nhật, 08/09/2024 06:35 (GMT+7)
Thứ tư, 23/03/2022 21:00 (GMT+7)

Đừng “phớt lờ” trách nhiệm phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản

Theo dõi KTMT trên

Nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhằm phục hồi, phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường.

Có một thời khó hạch toán chi phí 

Hệ lụy ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản từ lâu ở Việt Nam đã được các chuyên gia đưa ra lời cảnh báo; như: Phá vỡ cấu trúc địa chất cảnh quan, tạo ra các bãi thải và hồ chứa với diện tích lớn; gây sạt lở bãi thải, sụt lún lòng đất, và do nước mưa tràn qua các vùng khai thác… Vì vậy, khi khai thác khoáng sản, trách nhiệm phục hồi môi trường là không của riêng ai; trong đó các tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác phải có nghĩa vụ tài chính đối với Quỹ bảo vệ môi trường để cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác.  

Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 không đưa ra khái niệm ký Quỹ bảo vệ môi trường. Trong Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 trực tiếp quy định khái niệm ký Quỹ bảo vệ môi trường như sau: “Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là việc tổ chức, cá nhân gửi một khoản tiền vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường địa phương để bảo đảm trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động khai thác khoáng sản”.

Đừng “phớt lờ” trách nhiệm phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản - Ảnh 1
Khai thác khoáng sản phá vỡ cấu trúc địa chất cảnh quan (Ảnh minh họa)

Nhưng nghị định này cũng chưa quy định cụ thể cách thức tính toán số tiền kỹ quỹ, thời gian ký quỹ, phương thức ký quỹ. Điều này gây không ít khó khăn trong việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Luật Khoáng sản năm 2018.Vì vậy, trong quá trình góp ý vào dự thảo sửa đổi Luật bảo vệ môi trường cũng như Luật Khoáng sản, nhiều ý kiến đã chia sẻ những vướng mắc khi thực hiện trách nhiệm ký Quỹ bảo vệ môi trường. 

Điều 137 - Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, ký Quỹ bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm phục hồi môi trường, xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động như: Khai thác khoáng sản; Chôn lấp chất thải; Nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Ông Hồ Đức Hợp - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho rằng, lâu nay việc hạch toán các chi phí phục hồi môi trường chưa có quy định cụ thể; hỗ trợ xây dựng, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng do hoạt động khoáng sản gây ra, dẫn đến không thể tính toán rõ hiệu quả khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.

“Tôi cho rằng, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị khai thác khoáng sản đối với người dân và địa phương nơi có khoáng sản được khai thác để làm cơ sở cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện và công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước… Đó là một số tồn tại trong thực hiện mà để phát triển công nghiệp khai khoáng đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển bền vững mà chúng ta cần khắc phục và hoàn thiện”, ông Hợp nói.

Đã rõ cách tính

Băn khoăn của ông Hợp đã được giải đáp khi Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Theo nghị định này thì số tiền ký quỹ phải được tính toán bảo đảm đủ kinh phí để cải tạo, phục hồi môi trường căn cứ vào các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, để tính toán số tiền ký quỹ, Điều 37, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn tổng số tiền ký quỹ (chưa bao gồm yếu tố trượt giá) bằng tổng kinh phí của các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường. Phương pháp tính và dự toán chi phí cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Số tiền ký quỹ hằng năm (chưa bao gồm yếu tố trượt giá) được tính bằng tổng số tiền ký quỹ trừ đi số tiền ký quỹ lần đầu sau đó chia đều cho các năm còn lại theo thời gian trong dự án đầu tư hoặc giấy phép khai thác khoáng sản.

Tổ chức, cá nhân nộp số tiền ký quỹ hằng năm phải tính đến yếu tố trượt giá và được xác định bằng số tiền ký quỹ hằng năm quy định tại điểm b khoản 3, Điều 37 nhân (x) với chỉ số giá tiêu dùng của các năm trước đó tính từ thời điểm phương án, phương án bổ sung được phê duyệt. Chỉ số giá tiêu dùng hằng năm áp dụng theo công bố của Tổng cục Thống kê cho địa phương nơi khai thác khoáng sản hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Về thời gian ký quỹ, trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản mới, thời gian ký quỹ được xác định theo dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nhưng tối đa không được quá 30 năm. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã có giấy phép khai thác khoáng sản: thời gian ký quỹ xác định theo thời hạn còn lại trong giấy phép khai thác khoáng sản tính từ thời điểm phê duyệt phương án.

Về phương thức ký quỹ, trường hợp tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn nhỏ hơn hoặc bằng 01 năm thì thực hiện ký quỹ một lần. Mức tiền ký quỹ bằng 100% số tiền được phê duyệt, có tính yếu tố trượt giá tại thời điểm ký quỹ.

Trong khi đó, trường hợp tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn từ 01 năm trở lên thì được phép ký quỹ nhiều lần. Số tiền ký quỹ lần đầu phải tính tới yếu tố trượt giá tại thời điểm ký quỹ và được xác định như sau:  Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn dưới 10 năm: mức ký quỹ lần đầu bằng 25% tổng số tiền ký quỹ; Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn từ 10 năm đến dưới 20 năm: mức ký quỹ lần đầu bằng 20% tổng số tiền ký quỹ; Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn từ 20 năm trở lên thì mức ký quỹ lần đầu bằng 15% tổng số tiền ký quỹ.

Đừng "phớt lờ" trách nhiệm

Theo đánh giá của các chuyên gia, mục đích của việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là để bảo đảm tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật. Do đó, việc quy định cụ thể cách thức tính toán số tiền kỹ quỹ, thời gian ký quỹ, phương thức ký quỹ,... là bộ công cụ hữu ích để "khoan thủng" sự chây ỳ của không ít đơn vị khai khoáng lâu nay trong việc bảo vệ môi trường.

Thực tế, tình trạng chậm nộp, không nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đã và đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Chỉ tính riêng một số tỉnh miền núi phía Bắc, qua thanh tra việc chấp hành quy định ký Quỹ bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2017, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rất nhiều sai phạm.

Đừng “phớt lờ” trách nhiệm phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản - Ảnh 2
Việc chỉ ra sự "chây ỳ" của các đơn vị khai khoáng trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường của Thanh tra Chính phủ là một trong những cơ sở để xây dựng quy định chặt chẽ hơn việc ký Quỹ bảo vệ môi trường.

Cụ thể, tại Thông báo Kết luận thanh tra số 1167/KL-TTCP ngày 16/7/2020, Thanh tra Chính phủ đã "điểm mặt" hàng trăm đơn vị khai khoáng chây ỳ với nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Tại Yên Bái, đến hết năm 2019 có 73 điểm mỏ nợ, chậm nộp tiền ký Quỹ bảo vệ môi trường, với số tiền hơn 45,2 tỷ đồng; tại Hà Giang có 26 điểm mỏ, với số tiền hơn 38,2 tỷ đồng; tại Lai Châu có 21 dự án không nộp, nợ tiền ký Quỹ cải tạo, phục hồi môi trường;...

Việc chỉ ra sự "chây ỳ" của các đơn vị khai khoáng trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường của Thanh tra Chính phủ là một trong những cơ sở để xây dựng quy định chặt chẽ hơn việc ký Quỹ bảo vệ môi trường. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, với những quy định cụ thể về việc ký quỹ đã khỏa lấp khoảng trống, để các đơn vị khai khoáng không "phớt lờ' trách nhiệm với môi trường.

Cùng với việc quy định ký Quỹ bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai khoáng thì Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng quy định chi tiết cách thức tính toán, thời gian ký quỹ bảo vệ môi trường,... đối với lĩnh vực nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và lĩnh vực chôn lấp chất thải. Theo đánh giá của các chuyên gia, những quy định chi tiết về ký Quỹ bảo vệ môi trường trong 3 lĩnh vực này sẽ góp phần tránh đưa Việt Nam trở thành "bãi rác" của thế giới, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Ký Quỹ bảo vệ môi trường là việc mà cá nhân, tổ chức phải nộp hoặc đặt cọc một khoản tiền trước khi tiến hành các hoạt động có thể gây ô nhiễm môi trường. Khoản tiền này được hoàn lại sau khi cơ quan quản lý đánh giá và xác định hoạt động đó không gây tổn hại đến môi trường. Hiện nay, có 3 nhóm ngành nghề, hàng hóa phải ký Quỹ bảo vệ môi trường là: khai thác khoáng sản, chôn lấp chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

S.H

Bạn đang đọc bài viết Đừng “phớt lờ” trách nhiệm phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nước non Việt Nam ta vững bền
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tin mới

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.