Bảm bảo tính thống nhất trong quy định xử lý vi phạm về lâm nghiệp, thú y, chăn nuôi
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi đã được quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lâm nghiệp; Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020); Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực thú y (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020); Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi. Đây là chế tài góp phần đưa các quy định về lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi vào cuộc sống; tạo chuyển biến tích cực đối với việc nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân; bảo đảm trật tự, kỷ cương trong hoạt động quản lý nhà nước về lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi.
Các Nghị định trên xây dựng dựa trên quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các luật chuyên ngành (Lâm nghiệp, Thú y, Chăn nuôi, Bảo vệ và kiểm dịch thực vật).
Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Luật mới ban hành có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến các Nghị định xử phạt VPHC lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể: 1- Sửa đổi, bổ sung mức phạt tối đa đối với lĩnh vực chăn nuôi.
2- Thẩm quyền xử phạt: Luật sửa đổi đã bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Theo đó, ngoài các chức danh của các lực lượng có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 39 đến Điều 49 Luật Xử lý VPHC đã được sửa đổi, bổ sung; lĩnh vực nông nghiệp đã bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt: Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng thuộc Cục Thú y; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng thuộc Cục Bảo vệ thực vật; Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Trung Bộ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam Bộ thuộc Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.
3- Về hình thức xử phạt “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”: Đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng thẩm quyền áp dụng hình thức này; …. Đây là những điểm mới cần phải bổ sung trong quá trình sửa đổi các Nghị định xử phạt VPHC lĩnh vực nông nghiệp để đảm bảo tính thống nhất.
Mặt khác, trong quá trình thi hành Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lâm nghiệp đã bộc lộ một số những hạn chế, bất cập như:
1- Một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành hoặc đang trình ban hành có quy định về nội dung nhưng còn thiếu quy định về chế tài để thực hiện, cụ thể: Nghị định 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (đã trình Chính phủ ban hành).
2- Một số hành vi tại Nghị định còn thiếu quy định để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm, biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể: phương pháp xác định diện tích rừng hoặc diện tích cây trồng, xác định loại rừng, hiện trạng rừng…; thiếu quy định trong trường hợp không thực hiện đúng phương án trồng rừng thay thế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp xử phạt VPHC đối với chủ rừng được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ không vì mục đích kinh doanh; trường hợp có hành vi gây ảnh hưởng đến sinh trưởng cây rừng đối với đối tượng cây có đường kính tại vị trí 1,3 m dưới 8 cm,…
3- Quy định về một số hành vi chưa phù hợp với thực tiễn, cần có sự điều chỉnh (các đối tượng tang vật; quy định tách khung phạt đối với việc mang đưa công cụ, dụng cụ vào rừng để bẫy bắt động vật rừng; khắc phục hậu quả trồng lại rừng đối với vụ phá rừng trái pháp luật trong trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm,…).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên là cần thiết.
Tuệ Văn