Bãi rác Nam Sơn và bài toán xử lý rác ở Hà Nội
Sau nhiều lần đối thoại, hứa giải quyết, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ chính là nguồn cơn khiến người dân lại một lần nữa ra đường chặn xe vào bãi rác Nam Sơn.
“Điệp khúc” chặn xe rác
Tối 23/10, người dân xã Hồng Kỳ và xã Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) lại tập trung đông người ngăn cản không cho xe vận chuyển rác vào 2 cổng Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, dẫn đến công tác tiếp nhận rác ca tối và đêm ngày 23/10 bị ách tắc, khoảng 700 xe rác từ Hà Nội về đã không thể vào nơi xử lý.
Ngay sau khi người dân chặn đường vào bãi rác khiến các xe chở rác không vào được điểm đổ, đến ngày 25/10, nhiều tuyến phố của Hà Nội bị rác thải "bao vây".
Điệp khúc chặn xe rác đòi quyền lợi tái diễn suốt nhiều năm khiến vùng nội đô liên tục trải qua những lần ngập ngụa rác thải. Chính quyền thành phố cũng nhiều lần khẳng định sẽ giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho người dân nhưng đến nay tình hình không có nhiều thay đổi.
Bắt đầu từ năm 2016, người dân trong vùng ô nhiễm tổ chức đợt chặn xe rác đầu tiên để đòi quyền lợi từ chính quyền thành phố. Cuộc chặn xe kéo dài khoảng 3 ngày thì Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung lúc đó phải trực tiếp về địa phương đối thoại với người dân.
Tại cuộc gặp này, ông Chung tuyên bố sẽ đáp ứng các yêu cầu của người dân vùng ảnh hưởng ô nhiễm như hỗ trợ tiền, hưởng bảo hiểm y tế, cấp nước sạch, giảm ô nhiễm tiếng ồn và ánh sáng từ việc vận chuyển rác.
Về lâu dài, vị nguyên lãnh đạo TP.Hà Nội hứa hẹn sẽ phát triển công nghệ đốt rác thay cho chôn lấp, mở thêm các điểm xử lý rác giảm tải cho Nam Sơn và di rời người dân khỏi vùng ô nhiễm gần bãi rác.
Năm 2017, nạn ruồi nhặng hoành hành quanh bãi rác khiến người dân bức xúc. Họ mang hàng cân xác ruồi ra chặn giữa đường không cho các xe chở rác vào bãi. Từ chỗ đòi hỗ trợ tiền, dịch vụ y tế và nước sạch... người dân đồng lòng đòi di dời khỏi vùng ô nhiễm bởi mùi rác thải khiến họ không chịu nổi.
Cuối năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư để di dời người dân 3 xã trong vùng ô nhiễm bán kính 500 m.
Tháng 7/2018, người dân tái diễn cảnh chặn xe rác vì cho rằng công tác bồi thường tái định cư chậm chạp. Cũng trong năm này, các nông dân ở thôn Hồng Kỳ phản ánh tình trạng ruộng lúa khô cằn, thiếu nước tưới vì dòng suối Lai Sơn bị nước rỉ rác làm ô nhiễm.
Năm 2019, người dân quanh bãi rác Nam Sơn tổ chức 3 đợt chặn xe rác vào tháng 1, tháng 7 và tháng 12 khiến nội thành Hà Nội ô nhiễm nặng nề. UBND TP.Hà Nội lên tiếng yêu cầu sớm di dân ra ngoài vùng ảnh hưởng môi trường. Theo người dân địa phương, công tác kiểm đếm đất đai đã hoàn tất nhưng giữa chính quyền và người dân còn bất đồng về mức giá và phạm vi đền bù.
Sang năm 2020, tình hình cũng không khá khẩm hơn. Đây là lần thứ 2 trong năm và lần thứ 15 trong những năm qua, người dân địa phương ngăn cản xe vào khu xử lý rác.
Trước đó vào tháng 7/2020 người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ đã tiến hành chặn xe rác tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn không cho xe rác vào bãi tập kết chờ xử lý. Nguyên nhân cũng bởi chính quyền Thành phố chậm chi trả đền bù giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Vẫn chỉ là lời hứa
Hồng Kỳ và Nam Sơn là hai trong ba xã của huyện Sóc Sơn (cùng với Bắc Sơn) chịu ảnh hưởng ô nhiễm từ hoạt động của bãi rác Nam. Mỗi ngày có khoảng hơn 4.000 tấn rác được tập kết tại đây, bốc mùi hôi thối đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm hộ dân sinh sống xung quanh.
Dù rằng, TP.Hà Nội đã có chủ trương di dời người dân trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m của bãi rác. Nhưng, mỗi lần gặp những vấn đề vướng mắc kéo dài, người dân lại phải dựng lều lán, "ăn trực nằm chờ" không cho xe rác vào khu vực này để mong chính quyền lắng nghe, giải quyết.
Theo một số người dân chặn xe rác, trong đợt chặn xe vào bãi rác vào hồi tháng 7/2020, Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn sớm triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND dân thành phố đối với vấn đề liên quan đến đền bù đất nông nghiệp, giải quyết cơ bản xong ngay trong tháng 7/2020.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng và triển khai phương án bồi thường cho người dân, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cơ bản hoàn thành trong năm 2020, song đến nay gần hết năm nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Đâu là giải pháp?
Liên quan đến vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường từng cho rằng, bãi rác Nam Sơn ngày càng mở rộng, rác không được xử lý gây ô nhiễm môi trường là nguyên nhân chính khiến người dân dựng chướng ngại vật để ngăn cản xe chở rác.
Ngoài ra, việc chậm di dời người dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm đi nơi khác triển khai chậm cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng này. Mặc dù vấn đề này đã được người dân xã Nam Sơn kiến nghị nhiều lần mà không được giải quyết cộng với việc bãi rác ngày càng mở rộng nên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội cho thấy, chất thải rắn sinh hoạt hiện nay được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp (chiếm khoảng 89%), xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện chiếm khoảng 11% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và chỉ đạt 43% so với công suất thiết kế.
Các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt không phát điện công nghệ đã lạc hậu, thường xuyên hư hỏng, phải bảo dưỡng; công nghệ chế biến rác thải, sản xuất phân vi sinh đã được ứng dụng tại các cơ sở xử lý Cầu Diễn, Kiêu Kỵ nhưng không đạt hiệu quả nên đã dừng hoạt động. Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng chôn lấp hợp vệ sinh tập trung tại Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Sơn Tây) đều đã và đang phải khai thác vận hành gần hết công suất các bãi chôn lấp, dự báo đến hết năm 2020 nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ phải đóng bãi.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ông Tùng cho rằng, hạn chế chôn rác là chuyện lâu dài cần thực hiện. Quỹ đất có hạn, chôn rác thì gây ô nhiễm nên cần chuyển sang đốt rác, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng.
“Tuy nhiên, Hà Nội muốn áp dụng đốt rác thì phải quyết tâm, mà muốn hiệu quả thì việc quan trọng nhất vẫn phải phân loại rác tại nguồn vì không phải cái gì cũng đốt được, bởi nếu không phân loại mà đốt hết thì tiền xử lý dioxin cực đắt”, ông Tùng lưu ý.
Cùng với đó, ông Tùng cho rằng, Hà Nội nên tăng cường đầu tư các lò đốt thu hồi năng lượng, giảm chôn lấp rác, tái chế tái sử dụng…
Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 1999, có vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường chung cho Thủ đô Hà Nội. Dự án được quy hoạch đến năm 2020 với quy mô 157ha, đến năm 2030 là 257ha và đến năm 2050 là 280ha tại các xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ huyện Sóc Sơn.
Theo thiết kế ban đầu, bãi rác bảo đảm xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP.Hà Nội đến năm 2020 với công suất khoảng 1.000 tấn/ngày đêm. Sau hơn 20 năm hoạt động, Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn bị quá tải với công suất hiện nay lên đến 5.000 tấn/ngày, đêm; xử lý chất thải sinh hoạt cho 17/31 quận, huyện, chiếm 77 % lượng rác của toàn TP.Hà Nội.
Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn có diện tích ban đầu là 83,5ha với 10 ô chôn lấp. Do lượng rác thải của TP.Hà Nội tăng nhanh cộng với việc mở rộng địa lý hành chính khiến bãi rác này bị quá tải. Năm 2011, TP.Hà Nội đã quyết định đầu tư xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2.
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ban Đô thị, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.Hà Nội năm 2019, cho biết, Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.500 tấn rác. Trong đó, bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) tiếp nhận phần lớn với khoảng 5.000 tấn mỗi ngày, khoảng 1.500 tấn còn lại được chuyển về bãi Xuân Sơn (Sơn Tây) và một số nhà máy đốt rác nhỏ. Tuy nhiên, theo dự báo năm 2020, lượng rác thải phát sinh mỗi ngày của Hà Nội lên tới 8.500 tấn.
Nhật Hạ